09/01/2025

Chờ nghị định hướng dẫn, bệnh viện hết… thuốc nhóm đặc biệt

Từ giữa tháng 1-2017, khi Luật dược mới có hiệu lực, nhiều bệnh viện lâm vào tình trạng hết một số thuốc thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Các bệnh viện phải hỏi nhau xin nhượng nhưng không phải lúc nào cũng được đáp ứng.

 

Chờ nghị định hướng dẫn, bệnh viện hết… thuốc nhóm đặc biệt

 Từ giữa tháng 1-2017, khi Luật dược mới có hiệu lực, nhiều bệnh viện lâm vào tình trạng hết một số thuốc thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Các bệnh viện phải hỏi nhau xin nhượng nhưng không phải lúc nào cũng được đáp ứng.

 

 

 

Chờ nghị định hướng dẫn, bệnh viện hết... thuốc nhóm đặc biệt
Nhiều bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Chợ Rẫy, đang rơi vào cảnh hết thuốc thuộc nhóm kiểm soát đặc biệt dùng trong các trường hợp cấp cứu, giảm đau, gây mê hồi sức… Trong ảnh: cấp cứu bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM – Ảnh: L.TH.H.

Trong khi đó, các loại thuốc bị thiếu lại cực kỳ cần thiết, đặc biệt trong các trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông, gây mê hồi sức, giảm đau cho người bệnh ung thư. Những loại thuốc này thuộc diện phải kiểm soát đặc biệt do trong danh mục nhóm thuốc gây nghiện, giảm đau, hướng tâm thần…

Theo Luật dược vừa có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp cung cấp phải tuyên bố dừng kinh doanh vì chưa có văn bản hướng dẫn.

Bí quá phải dùng thuốc thay thế nhưng lo tác dụng của nó không thể thay thế hoàn toàn và độ an toàn không như mong muốn. Chúng tôi không thể nói với bệnh nhân là hết thuốc phải dùng thuốc khác thay thế.

Ông NGUYỄN VĂN KHÔI (phó giám đốc Bệnh viện 30-4)

Chẳng còn nơi để vay mượn

Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện hạng đặc biệt, trung bình mỗi ngày tiếp nhận cấp cứu 330 bệnh nhân, trong đó có khoảng 120-150 ca bị tai nạn giao thông. Ngoài ra, trung bình mỗi ngày bệnh viện còn thực hiện 130-150 ca phẫu thuật các loại.

Tuy nhiên, khoa dược Bệnh viện Chợ Rẫy đang… hết sạch một số loại thuốc thuộc nhóm cần để cấp cứu tai nạn giao thông, gây mê hồi sức, giảm đau như thuốc Ketamin, Midazolam. Nhiều thuốc khác là Diazepam, Morphin sulfate (gồm ba loại) cũng chỉ có thể cầm cự thêm vài ngày nữa.

Trước tình trạng thiếu các thuốc tối cần thiết này, một số lãnh đạo khoa phòng đã chất vấn khoa dược về việc hết thuốc cung ứng cho bệnh nhân. Khoa giảm đau của trung tâm ung bướu (thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy) đã đề xuất nhiều loại thuốc thay thế cùng nhóm nhưng chỉ có một mặt hàng có thuốc thay thế.

Do không mua được các thuốc nói trên, Bệnh viện Chợ Rẫy đã gửi văn bản cho Bộ Y tế xin ý kiến chỉ đạo nhưng đến chiều 18-1 chưa nhận được hướng dẫn, chỉ đạo.

Theo Bệnh viện Chợ Rẫy, để chuẩn bị dự trữ thuốc phục vụ kỳ nghỉ Tết Đinh Dậu 2017 và đảm bảo nhu cầu phục vụ điều trị những ngày sau tết, bệnh viện đã đặt mua thuốc từ các công ty dược có hợp đồng cung cấp theo dự trù đã được duyệt của Sở Y tế TP.HCM (Bộ Y tế uỷ quyền cho sở duyệt dự trù cho bệnh viện – PV).

Tuy nhiên khi đặt hàng, bệnh viện lại không mua được một số thuốc thuộc nhóm kiểm soát đặc biệt kể trên như Diazepam và Morphin (dạng viên và dạng tiêm), các thuốc Ketamin, Midazolam, Tramadol (dạng tiêm). Trong khi đây là những thuốc thuộc nhóm V, cực kỳ cần thiết để đảm bảo duy trì hoạt động điều trị người bệnh tại bệnh viện, nhất là trong những trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông và gây mê hồi sức.

Theo Bệnh viện Chợ Rẫy, đầu tháng 1-2017 khi bệnh viện đặt mua các thuốc nói trên từ Công ty Dược phẩm TW2 (Codupha) và Công ty Dược phẩm TW1 (CPC1) đều nhận được trả lời là công ty không thể xuất bán thuốc cho bệnh viện do bị vướng khoản 1, điều 34 của Luật dược (có hiệu lực từ 1-1-2017). Do không mua được thuốc, bệnh viện rất lo lắng vì không đảm bảo đủ các thuốc này phục vụ người bệnh trong thời gian trực cấp cứu dịp tết và những ngày sau tết.

Bệnh viện 30-4 (TP.HCM, thuộc Bộ Công an) cũng hết một số thuốc thuộc nhóm kiểm soát đặc biệt. Ông Nguyễn Văn Khôi, phó giám đốc Bệnh viện 30-4, cho biết đầu tháng 1-2017 bệnh viện có nhận được thông báo của CPC1 về việc tạm ngưng kinh doanh các thuốc này vì công ty chưa có được văn bản cho phép kinh doanh các sản phẩm trên.

Theo ông Khôi, do Bệnh viện 30-4 không có điều kiện dự trữ được nhiều thuốc nên bệnh viện đang thiếu sáu loại thuốc và phải đi mượn. Trong đó có thuốc đã hết hẳn và khoa dược phải “đi mượn đong từng đợt nhưng nay cũng chịu thua không mượn được”.

“Mấy hôm nay khoa dược phải chạy đôn đáo khắp nơi hỏi mượn một số thuốc, kể cả mượn Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng bệnh viện này cũng đang khó khăn nên không cho mượn được. Khoa dược cứ bị các bác sĩ của khoa cấp cứu và phòng mổ thúc giục”. Theo ông Khôi, bí quá bệnh viện phải dùng thuốc thay thế dù tác dụng và độ an toàn có thể không như mong muốn.

Trong khi đó, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết tuy bệnh viện chưa hết hoàn toàn các thuốc này nhưng nhiều loại còn ít, chỉ đủ dùng trong một vài tuần là hết. Hiện bệnh viện đang làm công văn gửi Bộ Y tế xin ý kiến về việc này.

Chờ nghị định hướng dẫn, bệnh viện hết... thuốc nhóm đặc biệt
Bệnh viện Chợ Rẫy đang thiếu các loại thuốc đặc biệt dùng trong cấp cứu, gây mê hồi sức… Trong ảnh: một ca cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy – Ảnh: L.TH.H.

Thuốc sẵn nhưng không được bán

Theo quy định của Bộ Y tế, cả nước chỉ có năm công ty dược phẩm đủ điều kiện nhập khẩu, kinh doanh thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, thuốc tiền chất. Đó là Codupha, CPC1, Công ty Dược phẩm TW3, Công ty Dược Sài Gòn (Sapharco) và Công ty Xuất nhập khẩu y tế TP.HCM (Yteco).

Năm công ty này được Bộ Y tế cho phép cung ứng thuốc thuộc các nhóm trên cho tất cả các bệnh viện có nhu cầu sử dụng trên cả nước.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, ngày 10-1 Codupha đã gửi văn bản đến các khách hàng thông báo: theo khoản 1, điều 34, Luật dược 2017 quy định “cơ sở kinh doanh loại thuốc phải kiểm soát đặc biệt phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về dược chấp thuận bằng văn bản” và khoản 3, điều 34 Luật dược 2017 quy định “Chính phủ quy định trình tự, thủ tục cho phép kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt”.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế nên những doanh nghiệp như Codupha chưa có văn bản cho phép kinh doanh các loại thuốc thuộc nhóm quản lý đặc biệt vì chưa có các quy định về trình tự, thủ tục thực hiện.

“Chúng tôi xin thông báo đến quý khách hàng tạm ngừng kinh doanh các loại thuốc trên. Rất mong quý khách hàng thông cảm vì sự việc này” – thông báo của công ty ghi. Codupha cũng đã gửi văn bản cho Cục Quản lý dược xin ý kiến nhưng chưa nhận được trả lời.

Trước đó, vào ngày 3-1, CPC1 cũng có văn bản gửi các bệnh viện thông báo với nội dung tương tự Codupha, khẳng định “trong thời gian trước mắt công ty tạm ngưng kinh doanh các loại thuốc trên”. Văn bản còn cho biết công ty đã gửi công văn cho Cục Quản lý dược xin ý kiến nhưng chưa được trả lời.

Doanh nghiệp chờ hướng dẫn

Theo ông Bùi Hữu Hiền – phó tổng giám đốc Codupha, Luật dược đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 nhưng do chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn nên các doanh nghiệp không thể xuất thuốc bán cho các bệnh viện.

“Thuốc thì không thiếu, vẫn có trong kho” – ông Hiền nói nhưng nhiều bệnh viện gọi về, Codupha vẫn phải trả lời chưa thể bán và giải thích cho các bệnh viện. Thậm chí cho cả số điện thoại của Cục Quản lý dược để hỏi thẳng cục. “Hiện công ty cũng đang chờ ý kiến chỉ đạo của Cục Quản lý dược” – ông Hiền nói.

Bệnh viện thuộc Sở Y tế TP.HCM không thiếu thuốc đặc biệt

Một công ty dược ở TP.HCM cho biết nhiều năm qua công ty đã cung ứng các thuốc thuộc nhóm gây nghiện, hướng tâm thần, tiền chất cho các bệnh viện trên cả nước, trong đó có các bệnh viện thuộc Sở Y tế TP.HCM.

Do có kinh nghiệm nên công ty biết ở thời điểm giao thời giữa quy định mới và quy định cũ thường có những vướng mắc nên công ty này đã có một số lưu ý các bệnh viện trong việc mua thuốc. Nhờ vậy, các bệnh viện thuộc Sở Y tế TP không rơi vào tình trạng thiếu thuốc như các bệnh viện lớn thuộc Bộ Y tế.

“Sau tết mới có nghị định hướng dẫn !”

Đại diện Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết sau tết mới có nghị định hướng dẫn để gỡ vướng mắc. Nhiều bệnh viện đứng trước nguy cơ phải “lách luật”… để có thuốc cho người bệnh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 18-1, một đại diện Cục Quản lý dược công nhận do các quy định cũ đã hết hiệu lực, nên trong thời gian chuyển đổi có thể có những khó khăn trong việc mua bán thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần…

Trước nỗi lo thiếu các loại thuốc đặc biệt của nhiều bệnh viện, đại diện Cục Quản lý dược cho biết nghị định hướng dẫn Luật dược sửa đổi vẫn đang trình Chính phủ xem xét và dự kiến sau tết mới ban hành.

Trước câu hỏi các doanh nghiệp bán thuốc đặc biệt phải tạm dừng kinh doanh do thiếu quy định, đại diện Cục Quản lý dược vẫn cho rằng các bệnh viện thiếu thuốc có thể liên hệ với năm công ty chịu trách nhiệm xuất nhập khẩu và cung ứng các loại thuốc đặc biệt để được đáp ứng.

“Do đang ở giai đoạn chuyển đổi nên với những bệnh viện có xảy ra tình hình kể trên, bệnh viện liên lạc với doanh nghiệp cung ứng, nỗ lực hết sức không để xảy ra thiếu thuốc phục vụ người bệnh” – vị đại diện Cục Quản lý dược nói.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, trước tình hình thiếu các thuốc vô cùng cần thiết nói trên, một công ty dược phẩm (gọi tắt là công ty A) đã gửi thông báo khẩn qua email cho nhiều bệnh viện ở TP.HCM và một số tỉnh, trong đó có cả bệnh viện tư nhân có vốn đầu tư nước ngoài hướng dẫn cách “lách luật” để có thể mua được các thuốc đang thiếu.

Công ty A nhấn mạnh các loại thuốc gây nghiện, hướng tâm thần tạm thời tháng 1-2017 bị gián đoạn do văn bản nhà nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp này nêu nếu bệnh viện cần mua trong tháng 1-2017 chỉ cần xin dự trù Sở Y tế lùi ngày ký thành tháng 12-2016 và công ty A sẽ xuất hoá đơn 2016… 

Hiện chưa biết vướng mắc về thủ tục khi nào được giải quyết, bệnh nhân không thể không có thuốc nên theo một lãnh đạo của bệnh viện đang rơi vào cảnh thiếu thuốc nhóm đặc biệt, cơ quan ông có thể sẽ phải… “lách” để mua được thuốc phục vụ bệnh nhân. 

LÊ THANH HÀ ([email protected]