10/01/2025

Cứu nguy chuyện… thở

Hà Nội, TP.HCM liệu có thể nối gót Bắc Kinh về ô nhiễm không khí? Sức khoẻ người dân có bị ảnh hưởng nghiêm trọng trước nạn ô nhiễm?

 

Cứu nguy chuyện… thở

 Hà Nội, TP.HCM liệu có thể nối gót Bắc Kinh về ô nhiễm không khí? Sức khoẻ người dân có bị ảnh hưởng nghiêm trọng trước nạn ô nhiễm?

 

 

Cứu nguy chuyện… thở
Người dân phải hít thở qua… khẩu trang mỗi khi ra đường – Ảnh: Việt Dũng

Chỉ số ô nhiễm không khí tính trên nồng độ bụi mịn trung bình ở Hà Nội trong năm 2016 cao hơn gấp đôi so với giới hạn nồng độ PM 2.5 trong không khí theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới.

Bà Nguỵ Thị Khanh, giám đốc Green ID (đơn vị đồng tổ chức hội thảo ô nhiễm không khí với sức khỏe cộng đồng tổ chức ngày 17-1 tại Hà Nội) cho biết PM 2.5 nhỏ bằng 1/30 sợi tóc, có thể lắng đọng và thẩm thấu vào nhu mô phổi, hấp thụ vào máu, từ đó gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.

Hà Nội, TP.HCM đều ô nhiễm không khí

Theo khảo sát do Green ID thực hiện năm 2016 tại Hà Nội và TP.HCM, nồng độ PM 2.5 trung bình năm 2016 là 50,5, 123 ngày có chỉ số ô nhiễm không khí vượt quy chuẩn quốc gia, 282 ngày vượt quá tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới.

TP.HCM tuy có chỉ số bụi PM 2.5 thấp hơn, trung bình 2016 là 28,3, nhưng cũng có đến 14 ngày trong năm vượt quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí, 175 ngày vượt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới.

Qua phân tích các thời điểm ô nhiễm nghiêm trọng trong năm 2016, 7/8 giai đoạn được phân tích có nguồn gây ô nhiễm chủ yếu từ phía đông Hà Nội, đặc biệt là các khu công nghiệp lớn được xác định từ dữ liệu vệ tinh có thể là nguồn “đóng góp” chủ yếu. So sánh về nồng độ PM 2.5 được đánh giá là loại bụi mịn nguy hại, Hà Nội năm 2016 cao hơn Quảng Châu, Trung Quốc (31,4).

Về các nguồn gây ô nhiễm, nhóm khảo sát cho rằng các nhà máy nhiệt điện than, khí thải từ phương tiện giao thông, từ xây dựng và công nghiệp, từ việc đốt chất thải, đun nấu hộ gia đình, một phần là ô nhiễm từ các nước láng giềng theo gió bay vào VN, trong đó có Hà Nội. Trong số này, nguồn phát thải từ nhiệt điện than được đánh giá là một trong những nguồn ô nhiễm nghiêm trọng nhất.

Tại VN, một khảo sát thực hiện cuối năm 2016 trên 1.400 người dân, trong đó có trên 86% là người dưới 40 tuổi, trên 70% trong số này cho biết bản thân họ và con cái có vấn đề liên quan đến hô hấp, một tỉ lệ rất lớn người được hỏi cho biết khu vực họ sống có nhiều khói bụi và họ rất quan tâm đến chất lượng không khí.

Đã đến lúc nghĩ đến không khí sạch

Theo TS Đỗ Mạnh Cường, phó trưởng phòng sức khoẻ môi trường, Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, một khảo sát nhanh của chính ông và các đồng nghiệp cho thấy người dân đeo khẩu trang cả ngoài đường, khi ngồi ngoài công viên, trong trường học và kể cả lúc trời mưa.

Theo ông Cường, mỗi ngày mỗi người cần 10.000 lít không khí để thở, khác với thực phẩm và nước có thể lựa chọn, làm sạch, khó chọn được không khí để thở và làm sạch không khí.

Hiện tại VN có rất ít nghiên cứu liên quan đến tác động của chất lượng không khí tới sức khoẻ. Trong khi ngoài PM 2.5, trong không khí còn nhiều chất độc hại khác có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ như PM 10, khí CO, SO2…

Ông Cường cũng khuyến cáo do hiện nay người dân phun hoá chất bảo vệ thực vật dạng phun sương, dễ bay hơi trong không khí, ảnh hưởng không chỉ tại các vùng nông nghiệp mà cả các khu vực sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, việc đốt rơm rạ sau mỗi mùa vụ cũng gây ảnh hưởng không nhỏ. Giảm khí thải và đặc biệt là cần tính toán khi phát triển nhiệt điện than là việc mà giới chuyên môn đang khuyến cáo.

Khi hít các bụi thô PM 10 có thể tổn thương niêm mạc đường hô hấp, khí SO2 do có thể hoà tan trong nước nên dễ phản ứng với niêm mạc đường hô hấp, ở nồng độ thấp chất này gây viêm hô hấp, kích thích đường hô hấp, kích thích niêm mạc gây ho.

Ở nồng độ cao, chất này gây ho, khó thở, gây mưa axit. Còn PM 2.5 là tác nhân quan trọng nhất về sức khoẻ do có khả năng thẩm thấu, di chuyển trong nhu mô và mao mạch phổi, ảnh hưởng sức khỏe tùy theo thành phần của bụi (hoá chất, dị nguyên) mà dẫn tới ung thư, hen…

TS Đỗ Mạnh Cường

Tự bảo vệ bằng cách nào?

Theo bà Nguỵ Thị Khanh, việc đeo khẩu trang khi tham gia giao thông hay ở nơi khói bụi là rất cần thiết, tuy nhiên khẩu trang thông thường không có tác dụng chặn bụi mịn PM 2.5.

Nên sử dụng thiết bị lọc không khí tại nhà, nơi làm việc nếu có nhiều khói bụi. Mỗi người cũng cần tránh các nguồn thải từ bếp than tổ ong, người hút thuốc lá…

LAN ANH