Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX: Người Pháp tại Huế
Tư gia của hai ông quan Pháp Vannier và Chaigneau luôn rộng mở đón chào bất cứ vị nào mặc Âu phục đặt chân đến Kinh thành Huế:
Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX: Người Pháp tại Huế
Tư gia của hai ông quan Pháp Vannier và Chaigneau luôn rộng mở đón chào bất cứ vị nào mặc Âu phục đặt chân đến Kinh thành Huế:
Là thương gia hay chỉ đơn giản là du khách, tất cả đều được đón tiếp theo cung cách hiếu khách đặc biệt kiểu người Pháp.
Những thương thuyền cập bến xứ Cochinchine, với tần suất không cao, thường là thuyền buôn Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay là chiến thuyền của người Anh. Chỉ mãi đến năm 1817, hai ông mới sung sướng được thấy cập bến những thuyền đầu tiên đến từ nước Pháp. Như thế, trong hơn một phần tư thế kỷ, đã không có một người Pháp nào đặt chân đến vùng đất này và hình như nước Pháp đã quên mất nó đi. Chỉ đến tháng 9.1817 mới có thương thuyền của công ty Balguerie, Sarget et Compagnie, đến từ cảng Bordeaux cập bến xứ Cochinchine.
Khi viết những dòng này, tôi sẽ không dám thử gợi ra lại những cảm xúc của hai ông Vannier và Chaigneau khi chứng kiến sự xuất hiện bất ngờ mà hai ông đã hết lòng ước ao mong đợi từ bấy lâu. Thương thuyền Pháp xuất hiện đã làm sống lại nơi hai người những kỷ niệm về quê hương và niềm hy vọng sẽ có ngày về thăm lại tổ quốc xinh đẹp, nơi hai ông vẫn còn người thân và bạn bè. Mỗi vật hai ông thấy trên thương thuyền lại gợi lên một kỷ niệm nào đó của một thời đã qua: hai ông luôn miệng hỏi thăm vị chỉ huy, các sĩ quan và thủy thủ trên con tàu về quê hương sinh thành. Hai vị quan đã tiếp đón hết sức nồng hậu tất cả những người đồng hương và giúp đỡ họ bán hết số hàng hoá chở theo.
Chuyến tàu thứ hai của một công ty khác tại Bordeaux, Công ty Phillipon, cập bến tiếp theo sau chuyến thứ nhất. Chuyến này cũng được đón tiếp như chuyến trước, nhận được sự bảo trợ của hai vị quan người Pháp. Đáng tiếc là hai chuyến hàng đều hoàn toàn không phù hợp với xứ này, làm những chuyến đi thử nghiệm đầu tiên như thế hoàn toàn thất bại.
TIN LIÊN QUAN
Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX: Diện kiến vua Minh Mạng
Cha tôi nôn nóng muốn gặp vua Minh Mạng. Sau khi báo tin xin được tiếp kiến, cha tôi đã đến điện Cần Chánh.
Vua Gia Long đón tiếp tàu buôn Pháp
Tuy vậy, vì có cảm tình và sự trân trọng với người Pháp nên vua Gia Long, qua trung gian của hai ông Vannier và Chaigneau, đã bày tỏ với những người chỉ huy và áp tải hàng hoá việc ngài lấy làm tiếc là những chuyến tàu buôn khởi đầu như thế đã không thành công, rồi ngài ra lệnh miễn mọi sắc thuế cho cả hai chuyến tàu. Ngài cũng từ chối ngay cả những món quà dâng tặng ngài, và chỉ nhận vài món cho triều đình với điều kiện là được trả tiền. Đức vua cũng bày tỏ với các vị chỉ huy đồng thời áp tải hàng của các chuyến tàu là ngài mong muốn họ trở lại với những hàng hoá phù hợp với nhu cầu bản xứ, ngài cũng chỉ rõ thêm những món hàng nào, và hứa sẽ luôn đối xử với họ như những thần dân đến từ một nước bạn.
Mười tám tháng sau, hai thương thuyền loại ba cột buồm tuyệt đẹp thả neo ở vịnh Tourane (Đà Nẵng), hai chiếc này có tên Larose và Henri, thuộc quyền các chủ tàu đã tổ chức các chuyến trước.
Và đây là những lời trình bày của một trong những nhà buôn trong báo cáo về những chuyến đi đầu tiên đến xứ Cochinchine. Sau khi cho biết những thiệt hại của hai công ty. Vị thương gia nói: “Tin tưởng vào những kết quả tiếp theo mà nước Pháp có thể gặt hái được từ những mối quan hệ như thế, tin tưởng vào sự đón tiếp của đức vua (An Nam) dành cho đại diện những chuyến tàu, qua sự trung gian của những quan người Pháp phục vụ tại triều đình bản xứ, những vị này đã ân cần săn đón với tình cảm thân hữu; được những vị này khuyến khích, các công ty lại cử đi tiếp người áp tải hàng trên một trong những con tàu đẹp nhất, chiếc Larose, trọng tải khoảng 700 tonneaux (đơn vị chuyên chở trên tàu thuyền trước đây của Pháp, một tonneaux tương ứng 1,44 m3) và ít ngày sau đó lại đến lượt chiếc Henri. Lời hứa sẽ vẫn đón tiếp trọng thị như những chuyến trước đó được thực thi hết sức nghiêm túc và chính xác. Hàng hoá đã được tiếp nhận và trang trải một cách sòng phẳng, ngay thẳng và thật chu đáo kỹ lưỡng. Hai con tàu này lúc quay về đã nhập đường, trà và tơ lụa thô, đồng thời cũng mang về tiền của xứ này. Như thế, dưới mọi góc độ, chuyến đi sau này là một thành công trọn vẹn…”.
Từ khi xuất hiện các thuyền buôn Pháp ở xứ Cochinchine, ông Chaigneau luôn nghĩ ngợi hướng về nước Pháp. Không cho triều đình hay biết về ý đồ đã chín muồi, ông lặng lẽ chuẩn bị để rời xứ này ngay khi xuất hiện thời cơ thuận lợi, nếu không trở về vĩnh viễn thì chí ít cũng trong một khoảng thời gian nào đó, để thăm viếng lại nước Pháp, gia đình và đích thân sẽ báo cáo cho chính phủ tất cả những thông tin mà công tước Richelieu, Bộ trưởng của vua Louis XVIII đã nêu yêu cầu liên quan đến xứ sở này.
Cả hai ông Vannier và Chaigneau, những người Pháp còn lại ở chốn Kinh thành Huế, đều có gốc gác ở vùng Bretagne, đã cùng chiến đấu dưới ngọn cờ của vua Gia Long, chia sẻ với nhau tình cảm anh em đồng hương do cùng xuất thân một vùng miền và cùng sinh tử trên đất người. Tình cảm ban đầu đó được bền chặt hơn nữa trong mối thâm tình giữa những người bạn thâm giao.
|
Michel Đức Chaigneau
Trích từ Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneuau (Lê Đức Quang, Trần Đình Hằng dịch, NXB Thuận Hoá, Huế, 2016)