11/01/2025

Vụ dược sĩ cho thuê bằng: Người có trách nhiệm nói gì?

Sau bài viết “Dược sĩ vô tư cho thuê bằng”, một số bạn đọc cho rằng phòng y tế quận, huyện chưa làm hết vai trò quản lý trên địa bàn, thậm chí là “tiếp tay cho việc thuê bằng dược sĩ”. Người trong cuộc nói gì về chuyện này?

 

Vụ dược sĩ cho thuê bằng: Người có trách nhiệm nói gì?

 Sau bài viết “Dược sĩ vô tư cho thuê bằng”, một số bạn đọc cho rằng phòng y tế quận, huyện chưa làm hết vai trò quản lý trên địa bàn, thậm chí là “tiếp tay cho việc thuê bằng dược sĩ”. Người trong cuộc nói gì về chuyện này?

 

 

 

Vụ dược sĩ cho thuê bằng: Người có trách nhiệm nói gì?
Thanh tra Bộ Y tế kiểm tra một nhà thuốc tại TP.HCM – Ảnh: L.TH.HÀ

Ông Bùi Minh Trạng (chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM):

Có nghe dư luận này

Thỉnh thoảng chúng tôi có nghe dư luận này, hoặc nhận được thư phản ảnh nặc danh của người dân về nhà thuốc hoạt động không phép ở vài quận, huyện. Dư luận nghi ngờ có sự bao che của phòng y tế nên nhà thuốc không phép mới hoạt động được. Có dư luận còn cho rằng nhà thuốc không phép chỉ cần mỗi tháng đưa 4-5 triệu đồng cho người có trách nhiệm ở phòng y tế thì khỏi phải thuê bằng dược sĩ, khỏi phải đóng thuế…

Chúng tôi không thể chứng minh dư luận này, nhưng thực tế khi đi kiểm tra theo phản ảnh thì đúng là có nhà thuốc không phép ở địa bàn đó. Khi chúng tôi nhắc nhở phòng y tế thì họ nói là “các anh có thông tin nên mới biết, còn chúng tôi không có thông tin”.

Chúng tôi thấy rằng trách nhiệm quản lý y tế địa bàn của phòng y tế quận, huyện rất quan trọng và họ biết rất rõ các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn. Nếu quản lý tốt, chặt chẽ, có trách nhiệm thì không bao giờ có nhà thuốc hoạt động không phép hoặc nhà thuốc hoạt động không đúng quy định.

Vừa qua ở một huyện tại TP.HCM có xảy ra tình trạng phòng y tế quản lý y tế tư nhân chưa tốt. Sở Y tế phải làm việc với một phó chủ tịch UBND huyện. Khi đó lãnh đạo huyện này chỉ đạo: “Tôi giao trong vòng một tuần các anh phải chấn chỉnh hết, nếu làm không tốt sẽ cách chức trưởng phòng y tế”.

Và thực tế là trong thời gian rất ngắn, địa bàn này biến chuyển tốt lên. Điều đó cho thấy những tồn tại, bất cập của nhà thuốc trên địa bàn có trách nhiệm của phòng y tế.

Bà Trần Thu Hương (trưởng Phòng y tế Q.11):

Chúng tôi kiểm tra nhà thuốc rất kỹ

Việc cho rằng phòng y tế quận, huyện có tiêu cực, bao che cho một số nhà thuốc trong quản lý địa bàn có vẻ hơi chủ quan, mang tính chất cảm nhận, tôi không đồng tình lắm.

Ở góc độ quản lý địa bàn, khi đi kiểm tra dù phạt nặng hay nhẹ chúng tôi đều yêu cầu nhà thuốc phải thực hiện đúng quy định. Là người có trách nhiệm trong nghề, chúng tôi mong muốn cơ sở làm đúng quy định của Nhà nước và muốn nhà thuốc phải đảm bảo bán thuốc cho người dân tốt nhất.

Chúng tôi luôn kiểm tra nhà thuốc rất kỹ, nhất là khi thực hiện nhà thuốc GPP thì càng phải hoạt động đúng quy định. Tuy nhiên, trước đây quy định xử phạt việc bán thuốc không có đơn bác sĩ vài triệu đồng nhưng nay quy định chỉ 300.000 – 500.000 đồng nên không đủ mức răn đe, chưa đủ để người kinh doanh thay đổi nhận thức, thay đổi được hành vi vi phạm, dẫn đến sai phạm này hiện phổ biến hơn vì bị phạt cũng không sao.

Quận 11 hiện có 143 nhà thuốc. Năm 2016 chúng tôi kiểm tra được khoảng 70% nhà thuốc đang hoạt động và lỗi vi phạm nhiều nhất là vắng mặt dược sĩ do quy định dược sĩ đang đi làm việc vẫn được cấp phép mở nhà thuốc.

Nhưng khi đi kiểm tra hễ không có mặt dược sĩ – dù dược sĩ có mặt sau đó 30 phút – chúng tôi vẫn đề xuất phạt vì mục tiêu làm sao để cho người hành nghề biết được mình đang làm sai, ý thức được rằng khi mở nhà thuốc đạt chuẩn GPP thì nhà thuốc phải đảm bảo có mặt dược sĩ để khi người dân mua thuốc được hướng dẫn, tư vấn đàng hoàng.

Tại Q.11 cũng có vài nhà thuốc có dược sĩ ở tỉnh đứng tên. Với những nhà thuốc này chúng tôi thường xuyên kiểm tra hơn. Qua quá trình quản lý chúng tôi biết nhà thuốc nào làm tốt, nhà thuốc nào làm chưa tốt cần phải khắc phục, nhà thuốc nào sai thì phải từng bước điều chỉnh, làm đúng quy định.

Đại diện phòng y tế một quận:

Không có dung túng cho nhà thuốc

Trước đây khi họp giao ban ở Sở Y tế TP, một lãnh đạo sở cũng có lần nhắc nhở về việc dung túng cho nhà thuốc. Chúng tôi đã răn đe anh em về thông tin có dư luận này rồi. Quận chúng tôi làm rất nghiêm ngặt và phải chịu nhiều áp lực như phải tạo điều kiện cho người dân có công ăn việc làm, xã hội phát triển mà vẫn giữ được kỷ cương của người hành nghề.

Đương nhiên người ta không nói thuê mướn bằng dược sĩ mà thường nói là hợp tác. Chúng tôi chỉ có thể trao đổi là nếu có hợp tác với dược sĩ ở tỉnh để mở nhà thuốc tại TP.HCM thì làm sao cho cơ quan quản lý khi cần thì tiếp cận được nhanh nhất. Quận chúng tôi có hơn 130 nhà thuốc, qua kiểm tra phát hiện có khoảng 6 nhà thuốc do dược sĩ ở tỉnh đứng tên, chúng tôi tạo điều kiện, thời gian cho họ sắp xếp để kiếm dược sĩ ở TP.HCM.

Ngoài việc kiểm tra đột xuất, một năm hai đợt phòng y tế còn đi cùng Sở Y tế TP thanh tra hoạt động của các nhà thuốc. Qua kiểm tra cho thấy vẫn còn tình trạng kinh doanh thuốc đông dược không có số đăng ký, không có nguồn gốc xuất xứ, khu vực kho lưu trữ thuốc không đảm bảo yêu cầu bảo quản thuốc.

Thực tế cũng có tình trạng nhà thuốc kinh doanh không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, dược sĩ vắng mặt khi nhà thuốc hoạt động, không thực hiện việc mở sổ hoặc phương tiện để theo dõi hoạt động mua bán thuốc, niêm yết giá không đầy đủ, bảo quản thuốc không đúng theo nhiệt độ của nhà sản xuất yêu cầu làm ảnh hưởng chất lượng thuốc…

Những trường hợp này chúng tôi đều lập biên bản chuyển cho các cơ quan chức năng xử lý.

Hà Nội sẽ đình chỉ nhà thuốc vắng mặt dược sĩ

Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho hay Sở Y tế Hà Nội vừa thu hồi giấy phép của một nhà thuốc có vi phạm quy chế.

Trong tuần tới, Hà Nội dự định mở cuộc kiểm tra toàn diện các nhà thuốc tư nhân. Trong trường hợp phát hiện nhà thuốc không có dược sĩ thường trực, bán thuốc không theo đơn, không vận hành hoặc không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà thuốc theo tiêu chuẩn GPP (thực hành tốt phân phối thuốc), Sở Y tế có thể đình chỉ hoạt động.

Theo bà Hà, gần đây Hà Nội cũng phát hiện một số hợp đồng thuê bằng dược sĩ để mở nhà thuốc. Tại các nhà thuốc này dược sĩ thường xuyên vắng mặt, không đảm bảo các yêu cầu về chuyên môn. L.Anh

Bác sĩ Trương Xuân Liễu (nguyên giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chủ tịch Hội Y học TP.HCM):

Cho thuê bằng là không bình thường

Tôi cho rằng cả y và dược khi đã hành nghề tư nhân thì phải tuân thủ quy định của Nhà nước và phải chịu trách nhiệm với hoạt động của cơ sở mình đứng tên hành nghề.

Khi dược sĩ chỉ đi cho thuê bằng mà không chịu trách nhiệm gì về hoạt động của nhà thuốc là vô trách nhiệm. Ở hành nghề y thì được coi là thiếu y đức.

Khi đứng tên mở nhà thuốc thì dược sĩ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về mọi hoạt động của nhà thuốc chứ không thể khoán hết cho người kinh doanh thuốc được.

Tôi cho rằng còn tình trạng cho thuê bằng là do từ quận, huyện đến hệ thống bên trên chưa thanh tra, kiểm tra quyết liệt và chưa coi trọng giải quyết vấn đề này để mà chấn chỉnh và đưa hoạt động nhà thuốc vào đúng quy định.

Là quy định thì phải quyết liệt chấn chỉnh chứ hiện nay vẫn còn nhiều nhà thuốc bán thuốc không theo đơn bác sĩ và để xảy ra một số vấn đề khác như bán thuốc quá hạn sử dụng…

Muốn giải quyết vấn đề này thì công tác thanh tra, kiểm tra phải làm tới nơi tới chốn, không được cho chuyện thuê bằng là chuyện bình thường, đương nhiên, nhất là phải quy trách nhiệm và xử lý nghiêm người dược sĩ quản lý chuyên môn nhà thuốc.

LÊ THANH HÀ GHI, [email protected]