29/11/2024

Bình Chánh lên quận, người dân được lợi gì?

Từ năm 2012, chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, TP.HCM Trần Trọng Tuấn (nay là giám đốc Sở Xây dựng TP) đã trình đề án xin thành lập thị xã Bình Chánh để có cơ chế quản lý phù hợp.

 

Bình Chánh lên quận, người dân được lợi gì? 

 Từ năm 2012, chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, TP.HCM Trần Trọng Tuấn (nay là giám đốc Sở Xây dựng TP) đã trình đề án xin thành lập thị xã Bình Chánh để có cơ chế quản lý phù hợp.

 

 

 

Bình Chánh lên quận, người dân được lợi gì? 
Khu Trung Sơn ở ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh (TP.HCM) phát triển sầm uất như các quận ở TP – Ảnh: HỮU KHOA

“Nếu xã Vĩnh Lộc A thành phường thì không còn cảnh bên này đường là đô thị với đất ở, nhà cửa san sát, sầm uất (thuộc quận Bình Tân), bên kia đường là nông thôn (thuộc huyện Bình Chánh) với quy hoạch đất nông nghiệp. Khi đó, đất của người dân ở phường Vĩnh Lộc A sẽ được quy hoạch là đất đô thị, đủ điều kiện để chuyển mục đích sử dụng, xin giấy phép xây dựng đàng hoàng thì vấn nạn xây dựng trái phép sẽ giảm

Ông Trần Trọng Tuấn (giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM)

Trở lại câu chuyện “Huyện lên quận: thay áo mới để phát triển” ông TRẦN TRỌNG TUẤN cho biết:

– Bình Chánh có diện tích rộng và trải dài (25.000ha, giáp với quận 7, 8, Bình Tân, huyện Hóc Môn và tỉnh Long An), diện tích đất nông nghiệp còn khá lớn.

Đây còn là địa bàn cửa ngõ của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, một vùng kinh tế lớn phía nam nên được đầu tư nhiều tuyến đường giao thông quan trọng như quốc lộ 1, quốc lộ 50, đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương…

Một phần huyện Bình Chánh là khu đô thị mới Nam TP, nên quá trình đô thị hoá nơi đây diễn ra mạnh mẽ.

Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư, tổng mức đầu tư xã hội hằng năm trên địa bàn huyện rất lớn làm không gian đô thị được mở rộng, bộ mặt nông thôn dần thay đổi.

Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội kết nối đồng bộ với các quận trung tâm, giao thông thuận tiện nên đã làm dân số Bình Chánh tăng nhanh.

* Với thực tế trên thì Bình Chánh có thuận lợi và gặp khó khăn gì trong quá trình phát triển, thưa ông?

– Những đặc điểm nói trên giúp chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, nhưng cũng phát sinh nhiều vấn đề xã hội khác trên địa bàn như: ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng (số vụ việc vi phạm xây dựng những năm gần đây vẫn chiếm gần phân nửa số vụ vi phạm ở TP.HCM), tai nạn giao thông, phạm pháp hình sự. Quá trình chuyển mình từ nông thôn sang đô thị phát sinh hai mâu thuẫn.

Thứ nhất là cơ chế quản lý nông thôn với thực tế thành thị: UBND xã, huyện phải quản lý địa bàn với đầy đủ tính chất đô thị tập trung, cao cấp.

Công an xã Bình Hưng chỉ có hơn nửa là công an chính quy, còn lại là công an viên và không hề có cảnh sát khu vực nhưng quản lý an ninh trật tự trên một địa bàn phần lớn là dân đô thị với hàng trăm nhà hàng, khách sạn, chung cư, ngân hàng, chi nhánh công ty, cửa hàng lớn với khoảng 100.000 dân.

Thứ hai là mâu thuẫn giữa yêu cầu quản lý đất nông nghiệp theo quy hoạch chung với nhu cầu phát triển đô thị: theo quy hoạch chung của TP, Bình Chánh phải giữ lại quỹ đất nông nghiệp khoảng 10.000ha (trong đó khoảng 2.000ha đất trồng lúa).

Bốn vấn đề xã hội và hai mâu thuẫn nói trên phải được giải quyết thì Bình Chánh mới phát triển bền vững.

Nếu không giải quyết được, Bình Chánh sẽ không phát triển hoặc luôn đi kèm theo cái tiếng là địa bàn “nóng” về vi phạm xây dựng, tai nạn giao thông, phạm pháp hình sự; cán bộ ở các xã “nóng”, thậm chí cả lãnh đạo UBND huyện có nguy cơ bị kỷ luật.

Vì vậy phải có cơ chế quản lý mới cho phù hợp với thực tế phát triển của Bình Chánh.

Năm 2012, lãnh đạo huyện Bình Chánh thống nhất trình UBND TP đề án thành lập thị xã Bình Chánh. Lúc đó, Bình Chánh chỉ trình đề án lên thị xã vì vẫn phải chấp hành quy hoạch chung là giữ quỹ đất nông nghiệp cho TP.

Tuy nhiên khi đó TP đang ấp ủ đề án chính quyền đô thị, nên chưa chấp nhận đề án thành lập thị xã Bình Chánh. Hiện nay, chính quyền đô thị chưa được triển khai thì phải có giải pháp phù hợp cho Bình Chánh phát triển.

Bình Chánh lên quận, người dân được lợi gì? 
Ông Trần Trọng Tuấn (giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM) – Ảnh: Tự Trung

* Nếu huyện Bình Chánh thành thị xã hay quận thì người dân được lợi gì trước mắt và 
lâu dài?

– Trước hết, khi là đô thị thì cơ cấu kinh tế của Bình Chánh sẽ thay đổi và chuyển dịch theo định hướng của một đô thị, những ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển kéo theo bộ mặt kinh tế của địa phương thay đổi.

Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng cũng thay đổi, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư nhiều hơn, tổng mức đầu tư xã hội cho địa bàn sẽ tăng nhiều hơn và bền vững hơn.

Từ đó chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên, chất lượng bộ máy quản lý địa phương cũng phải nâng cao để đáp ứng nhu cầu quản lý.

Hiện nay, Bình Chánh xin cơ chế phường cho những xã đang đô thị hoá. Tuy nhiên cơ chế này chỉ mang tính chất tạm thời, giải quyết được vấn đề bộ máy chứ không giải quyết được những vấn đề khác.

* Nhưng Bình Chánh hiện vẫn còn nhiều xã nông nghiệp, liệu việc áp dụng mô hình đô thị cho toàn huyện có phù hợp?

– Theo tôi, không nên nghĩ rằng hôm nay bàn thì ngày mai, tháng sau hay năm sau Bình Chánh trở thành quận. Từ nay đến năm 2030, Bình Chánh vẫn chưa thể phát triển đô thị hết toàn bộ diện tích.

Do đó, chính quyền phải rà soát quy hoạch kinh tế – xã hội chung và quy hoạch sử dụng đất để xác định lộ trình phát triển đô thị cho phù hợp.

Trước hết là để định hướng cho phát triển, sau đó là giải quyết quyền và lợi ích liên quan đến người dân về sử dụng đất.

Nếu quy hoạch phát triển đô thị trên toàn bộ diện tích huyện Bình Chánh hiện tại nhưng khả năng phát triển đô thị chưa tới thì thành quy hoạch “treo”, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Tôi nghĩ phải chấp nhận từ nay đến năm 2020 hoặc 2025 Bình Chánh vẫn còn đất nông nghiệp, thậm chí phải xác định một vùng nông nghiệp đô thị cho TP.HCM ở nơi đây.

Từ việc rà soát quy hoạch kinh tế – xã hội chung và quy hoạch sử dụng đất như nói trên, chính quyền sẽ quyết định cho Bình Chánh một bước từ huyện lên quận, hay phải có lộ trình thành lập thị xã trước…

Năm 2012, huyện Bình Chánh đủ điều kiện thành lập thị xã, đến nay đã năm năm, tình hình kinh tế – xã hội ở đây đã thay đổi.

Nhưng có một mong muốn không thay đổi là phải có cơ chế đô thị phù hợp cho những xã đô thị hoá, giải quyết được hai mâu thuẫn và bốn vấn đề còn tồn tại nói trên để Bình Chánh phát triển bền vững.

Bình Chánh đã đạt đa số tiêu chí để lên quận

Đây là thông tin được ông Đỗ Văn Đạo, phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, báo cáo tại buổi làm việc của Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng với huyện Bình Chánh sáng 11-1.

Ông Đạo cho biết nếu căn cứ theo nghị quyết 1211 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của quận thì Bình Chánh đã đạt và vượt rất nhiều chỉ tiêu về quy mô dân số, kinh tế, giáo dục, nhà ở, hạ tầng… Trong đó có những chỉ tiêu vượt xa tiêu chuẩn.

VIỄN SỰ

DƯƠNG NGỌC HÀ thực hiện