11/01/2025

Ám ảnh quấy rối tình dục nơi công cộng

Nhiều bạn trẻ tâm sự về việc bị quấy rối tình dục nơi công cộng nhưng chẳng biết ứng xử như thế nào trong hoàn cảnh ấy.

 

Ám ảnh quấy rối tình dục nơi công cộng

Nhiều bạn trẻ tâm sự về việc bị quấy rối tình dục nơi công cộng nhưng chẳng biết ứng xử như thế nào trong hoàn cảnh ấy.



Đụng chạm, sờ mó…
Ngay sau khi cùng bạn bè đi chơi đón năm mới ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) về, T.D, sinh viên Trường ĐH Văn hoá TP.HCM, đã chia sẻ bức xúc trên mạng xã hội: “Đang chăm chú nhìn mấy nhóm biểu diễn nhảy múa, tự dưng có cảm giác ai đó đằng sau chạm hông mình. Ban đầu nghĩ chắc do đông người, người đứng sau vô tình nên ngó lơ. Nhưng sau đó liên tục bị đụng chạm ở những vị trí nhạy cảm thì mới biết là đang bị quấy rối. Lúc đó chẳng biết làm sao, đành bực bội bỏ đi”.
Ám ảnh quấy rối tình dục nơi công cộng - ảnh 1

VIDEO: Tâm sự của một bạn nữ bị lạm dụng tình dục suốt 12 năm
 

 
 
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Duy cũng chỉ ra những đặc điểm, biểu hiện để nhận diện những kẻ tình nghi, có dụng ý xấu, sẽ có những hành vi quấy rối, lạm dụng tình dục. Đó là: tìm cách lân la hỏi chuyện, dò hỏi thông tin, dụ dỗ mời đi đâu đó, nhìn chằm chằm, cố tình hoặc tìm cách đụng chạm…
 

Cũng tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, D.Th, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đã gặp trường hợp tương tự. D.Th nhớ lại: “Đêm đó những dòng người đi lại tấp nập rất đông. Đi bộ nhưng chỉ nhích được từng bước. Mình bỗng thấy có hơi thở phía sau cổ. Rồi tiếp tục sau đó là cả thân người ập vào người mình, thậm chí bị quàng tay ra phía trước đụng chạm trước ngực mình. Mình tức lắm nhưng chẳng biết làm sao. La lên thì ngại với bạn bè, đành nín nhịn. Mình quay mặt lại thì thấy kẻ đó cười khoái trá”.

Một khảo sát nhỏ của PV cho thấy rất nhiều trường hợp bị quấy rối tình dục nơi công cộng, từ rạp chiếu phim, trong thang máy cho đến xe buýt… đều có thể trở thành nơi để kẻ xấu “ra tay” đụng chạm, sờ mó… Có những bạn nữ bị quấy rối bằng nhiều hành vi khác như: liên tục bị nhìn vào vị trí nhạy cảm, bị trêu ghẹo bằng những lời nói dung tục, hay bị người khác giới cố tình phô bày bộ phận sinh dục trước mặt mình…
Ngày 23.12 vừa qua, T.H, học sinh lớp 10 Trường THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM), trong lúc đang đợi đón xe buýt đã bị người chạy xe ôm đứng kế bên nhìn chằm chằm vào cơ thể rồi nói những chuyện tục tĩu. “Mình hoảng quá vội chạy đi”, nữ sinh này cũng cho biết không ít lần trên xe buýt bị người đứng sau cố tình chạm vào mông. “Lúc đó mình thấy sợ không dám la lên, cũng chẳng dám phản kháng, chỉ biết im lặng cam chịu”, T.H kể.
Thậm chí có những trường hợp bị người khác cố tình tuột váy khi đang xếp hàng vào xem chương trình ca nhạc, chờ tính tiền trong siêu thị, bị cưỡng hôn khi đứng trong thang máy… “Cứ nghĩ đến lần bị kẻ biến thái kia bất ngờ vuốt khắp người khi đang ở trên xe buýt là mình ám ảnh. Từ đó, mình quyết định đạp xe đi học”, K.D, học sinh Trường THPT Marie Curie TP.HCM, tâm sự.
Đừng im lặng!
Theo chia sẻ của các nạn nhân từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng thì phần lớn họ đều chỉ biết im lặng, cắn răng chịu tức chứ không dám nói ra. K.D lý giải: “Nếu hô bị quấy rối thì rất xấu hổ, chưa kể là liệu có ai giúp mình không, hoặc kẻ biến thái sẽ hỏi bằng chứng đâu, sợ sẽ bị đánh, trả thù…”.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Giám đốc Trung tâm chẩn đoán và phát triển tinh thần Khơi Nguồn (TP.HCM), trong tình huống bị sàm sỡ, quấy rối, cần thể hiện thái độ quyết liệt qua ánh mắt, khuôn mặt phải nghiêm nghị và nhanh chóng di chuyển đi chỗ khác. “Nếu như kẻ xấu ấy không dừng lại thì có thể la lên để mọi người xung quanh hỗ trợ, can thiệp kịp thời”, ông Duy nói.
Cũng theo ông Duy: “Không được phép im lặng, việc ngại ngùng rồi cam chịu để chuốc lấy bực tức cho bản thân là không hợp lý”.
K.C, sinh viên Trường ĐH Văn Lang, nhớ lại: “Có lần đang xếp hàng vào rạp chiếu phim. Lúc đó rất đông. Mình có cảm giác bị ai đó choàng tay ôm eo rồi đưa tay lên phía ngực. Khi biết chắc kẻ xấu đang cố tình quấy rối, mình đã giật cùi chỏ, hét lên. May mắn là mọi người xung quanh đã vây lại bảo vệ mình, kẻ đó bỏ chạy mất dạng”. “Cần phải la lên chứ im lặng nghĩa là chấp nhận để những kẻ đó tiếp tục hành vi xấu, không chỉ với mình mà với nhiều người khác nữa”, K.C bộc bạch. Còn M.H, SV Trường ĐH Văn hoá TP.HCM, thì khuyên khi bị quấy rối trên xe buýt nhất quyết phải lên tiếng, báo với tài xế hoặc nhân viên để được giúp đỡ. H. chia sẻ: “Mong sao những bạn nam nói riêng và mọi người nói chung, khi nghe lời kêu cứu của những nạn nhân bị lạm dụng, quấy rối tình dục, hãy chung tay giúp đỡ, bảo vệ chứ đừng im lặng, làm ngơ”.
Để có thể hạn chế việc bị người khác quấy rối ở chỗ đông người, theo ông Duy, mọi người, đặc biệt là phái nữ cần tự bảo vệ mình bằng cách ăn mặc kín đáo, lịch sự, tránh gây chú ý và tạo sự cám dỗ người khác. Ngoài ra, mỗi khi có ý định dạo phố, đi chơi nơi công cộng… hãy rủ nhóm bạn, người thân cùng đi để an toàn hơn.

 

Xuân Phương