10/01/2025

Dược sĩ vô tư cho thuê bằng

Thuê bằng dược sĩ để mở nhà thuốc tại TP.HCM rất phổ biến và Sở Y tế TP biết rõ thực trạng này nhưng bó tay. Vì sao?

 

Dược sĩ vô tư cho thuê bằng 

Thuê bằng dược sĩ để mở nhà thuốc tại TP.HCM rất phổ biến và Sở Y tế TP biết rõ thực trạng này nhưng bó tay. Vì sao?

 

 

 

Dược sĩ vô tư cho thuê bằng 
Hợp đồng tay cho thuê bằng dược sĩ mở nhà thuốc giữa ông K. và dược sĩ T. –  Ảnh: L.TH.H.

Chẳng phải làm gì vẫn có 5-10 triệu đồng/tháng, nên nhiều dược sĩ không vượt qua được “cám dỗ” đem bằng cấp cho thuê bất chấp quy định. Việc thuê bằng còn được công khai chào mời trên mạng.

Việc cho thuê và đi thuê bằng luôn được dược sĩ và người kinh doanh nhà thuốc ký hợp đồng với nhau bằng văn bản, chỉ hai bên biết với nhau, hiếm khi lọt ra ngoài.

“Giao kèo” thuê bằng

Theo tìm hiểu, ngày 1-3-2011 giữa ông K. (60 tuổi, Q.6, TP.HCM) và dược sĩ là bà T. (47 tuổi, Q.6) ký kết hợp đồng cho thuê bằng dược sĩ để mở nhà thuốc có thời hạn đến 5 năm, tức hết hạn hợp đồng là ngày 1-3-2016. Bà T. có bằng dược sĩ do Trường đại học Y dược TP.HCM cấp.

Theo đó, bà T. đồng ý cho ông K. thuê bằng dược sĩ để mở nhà thuốc trên đường Tân Hoà Đông (P.14, Q.6) với giá 5 triệu đồng/tháng trong năm đầu tiên. Từ năm thứ hai trở đi, mỗi năm tiền thuê bằng tăng thêm 500.000 đồng/tháng. Với giá thuê bằng như thoả thuận, sau 5 năm bà T. thu lợi từ việc cho thuê bằng dược sĩ là 360 triệu đồng. Ông K. và bà T. còn giao kèo với nhau khi hợp đồng còn sáu tháng, hai bên sẽ xem xét thương lượng gia hạn hợp đồng.

Hợp đồng giữa hai bên còn ghi rõ sau khi ký kết, bà T. nhận cọc của ông K. 15 triệu đồng. Khi có giấy phép hoạt động, bà T. thu tiền thuê bằng hằng tháng và thu vào đầu tháng. Từ ngày đặt cọc đến khi mở được nhà thuốc, thời gian chậm nhất là 60 ngày. Nếu có gì khúc mắc, hai bên sẽ thương lượng để cùng giải quyết.

Ngoài ra, sau khi đặt cọc mà ông K. tự ý không mở nhà thuốc sẽ mất tiền cọc, bà T. nhận cọc rồi mà không cho thuê bằng dược sĩ phải bồi hoàn gấp đôi tiền cọc. Hợp đồng thuê bằng dược sĩ còn thể hiện bà T. có trách nhiệm lo toàn bộ hồ sơ giấy tờ, thủ tục pháp lý để mở nhà thuốc.

5-10 triệu đồng/tháng

Một số dược sĩ cho biết giá thuê bằng mở nhà thuốc hiện nay dao động 5-10 triệu đồng/tháng tuỳ theo vị trí mở nhà thuốc và tên tuổi, công việc mà dược sĩ cho thuê bằng đang làm việc. Nếu dược sĩ đó có tên tuổi, lại đang làm việc ở cơ quan quản lý về y tế sẽ có giá cho thuê cao hơn, vì nếu vi phạm cũng được du di hơn do “vuốt mặt phải nể mũi”.

Trong giới kinh doanh dược phẩm ở TP.HCM, ai cũng biết việc cho thuê bằng dược sĩ mở nhà thuốc là “chuyện thường ngày ở huyện” và thanh tra y tế khó “bắt” được. Do vậy, từ dược sĩ đến bác sĩ (kiếm thêm thu nhập bằng việc mở nhà thuốc) hay người bỏ vốn mở nhà thuốc thường lên một số trang mạng mời cho thuê hoặc hỏi thuê bằng dược sĩ.

Trên các trang mạng này, “kẻ mua người bán” như giữa chợ và công khai danh tính, số điện thoại, email khi trao đổi việc cho thuê bằng cấp, chứng chỉ hành nghề dược. Chỉ cần một người hỏi thuê bằng là có nhiều dược sĩ chào mời như “liên hệ mình nhé”, hoặc “em có bằng đây ạ” và sau mỗi lời mời chào là số điện thoại để lại.

Không thụ động chờ người hỏi thuê bằng, các dược sĩ cũng chủ động rao: “Dược sĩ đại học nhiều năm kinh nghiệm, có chứng chỉ hành nghề cần cho thuê tại TP.HCM. Rất vui được hợp tác…”.

Một số dược sĩ còn nói luôn giá cho thuê: “Mình có bằng dược sĩ đại học, muốn cho thuê tại TP.HCM. Giá cho thuê: 6 triệu đồng/tháng. Vui lòng liên hệ…”…

Không chỉ ở TP.HCM, nhiều người ở các tỉnh, thành phố khác như Bạc Liêu, Bình Dương, Vũng Tàu, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Đà Lạt… cũng lên mạng hỏi thuê bằng dược sĩ mở nhà thuốc hoặc chào mời có bằng dược sĩ cho thuê.

“Thả gà ra đuổi”

Ông Bùi Minh Trạng – chánh Thanh tra Sở Y tế TP – nói sở dĩ có tình trạng dược sĩ cho thuê bằng mở nhà thuốc là do Luật dược cho phép dược sĩ, kể cả người đang đi làm việc, được đứng tên mở nhà thuốc ở bất cứ đâu.

Quy định cũng không buộc dược sĩ lúc nào cũng phải có mặt ở nhà thuốc và khi vắng mặt được ủy quyền cho dược sĩ khác trông thay, nên nhiều người lợi dụng kẽ hở này để thuê mướn bằng dược sĩ.

“Đây là điều hết sức vô lý vì một dược sĩ đang làm việc tại Hà Nội vẫn có thể đứng tên mở nhà thuốc ở TP.HCM” – ông Trạng nói.

Theo ông Trạng, vừa qua Thanh tra Sở Y tế TP có mời một số dược sĩ đang công tác tại các sở y tế tỉnh bạn đến để yêu cầu không đứng tên nhà thuốc ở TP.HCM vì không đảm bảo việc có mặt ở nhà thuốc theo quy định, nhưng có người nói ngang: “Miễn sao khi đoàn đến kiểm tra tôi có mặt thì thôi”.

Ông Trạng nói không dễ phát hiện dược sĩ đang làm việc ở tỉnh đứng tên nhà thuốc ở TP.HCM, khi làm giấy đủ điều kiện nhà thuốc họ không khai báo đang công tác ở tỉnh – nhất là những người không làm việc trong cơ quan nhà nước.

Về việc nhiều người công khai đăng thông tin cho thuê và cần thuê bằng dược sĩ trên mạng có thể xử lý được không và ai xử lý, ông Trạng nói thanh tra sở biết việc này, nhưng việc xử lý chỉ có thể thực hiện khi hành vi “thuê mướn” hoàn thành, có nghĩa là đã xong giấy phép của nhà thuốc và thanh tra phải chứng minh được hành vi này.

Dược sĩ vô tư cho thuê bằng 
Bà Phạm Khánh Phong Lan – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Bà Phạm Khánh Phong Lan – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cũng xác nhận có tình trạng cho thuê bằng dược sĩ để mở nhà thuốc và “ở TP.HCM rất nghiêm trọng, do thu nhập từ cho thuê bằng khá lớn nên nhiều dược sĩ khó lòng từ chối”.

Bà Phong Lan bức xúc: “Có dược sĩ đang làm thanh tra của sở y tế một tỉnh nhưng vẫn xin mở nhà thuốc ở TP.HCM. Nghi ngờ dược sĩ này cho thuê bằng để mở nhà thuốc, Sở Y tế TP hỏi Bộ Y tế và được trả lời luật không cấm, vẫn phải cấp phép rồi sau đó tăng cường hậu kiểm. Trường hợp này 
hậu kiểm cái gì, thả gà ra đuổi thì đúng hơn!”.

“Một trong những tiêu chuẩn của nhà thuốc GPP là phải có dược sĩ đại học phụ trách chuyên môn, tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc cho người dân. Tất cả nhà thuốc đều phải đạt chuẩn GPP mới được cấp phép, nhưng khi cơ quan quản lý vừa quay đi thì lại vi phạm”
Bà Phạm Khánh Phong Lan (phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM)

Giải thích việc các nhà thuốc ở TP đều đạt chuẩn GPP nhưng vẫn xảy ra tình trạng nhiều nhà thuốc vắng mặt dược sĩ do thuê bằng dược sĩ, bà Phong Lan giải thích: “Ở các nước, việc mở nhà thuốc rất khó và phải có khoảng cách nhất định giữa các nhà thuốc. Còn ta không quy định nên mới có chuyện ở TP.HCM quanh bệnh viện thì nhà thuốc san sát, nhưng vùng sâu như huyện Cần Giờ có rất ít nhà thuốc. TP.HCM có hơn 5.000 nhà thuốc trên 10 triệu dân, trung bình 2.000 dân có hơn một nhà thuốc là quá nhiều”.

Theo bà Phong Lan, Sở Y tế TP luôn tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý các nhà thuốc vi phạm. Nếu nhà thuốc vắng mặt dược sĩ liên tiếp hai lần sẽ là tình tiết tăng nặng khi xử phạt. Tuy nhiên, dù có tập trung thanh tra nhà thuốc thì vẫn “như muối bỏ bể”.

Để chấm dứt tình trạng này, bà Phong Lan cho rằng phải xem lại quy định mở nhà thuốc cũng như cơ chế hậu kiểm, nên giao cho Hội Dược học giám sát hoạt động nhà thuốc.

Hiện nay, Hội Dược học TP chỉ được tham gia trong hội đồng tư vấn khi xét cấp phép mở nhà thuốc, còn hậu kiểm thì chưa. Trong khi nhiều nước trên thế giới giám sát hoạt động nhà thuốc rất tốt vì họ có dược sĩ đoàn ở địa phương.

Dược sĩ đoàn không chỉ giám sát mà còn được giao nhiệm vụ cấp phép, cấp chứng chỉ hành nghề cho dược sĩ mở nhà thuốc. Khi dược sĩ vi phạm, họ sẽ ngồi lại với nhau xem xét và xử lý.

Xử phạt gần 100 nhà thuốc

Năm 2016, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xử phạt vi phạm hành chính gần 100 nhà thuốc do không có mặt dược sĩ khi nhà thuốc hoạt động. Đa số nhà thuốc vắng mặt dược sĩ là do chủ nhà thuốc đi thuê bằng dược sĩ để mở nhà thuốc.

Theo nghị định 176/CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, nếu cho thuê mướn bằng dược sĩ sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với nhà thuốc và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược từ 1-3 tháng. Nếu dược sĩ vắng mặt và không ủy quyền hoặc cử người thay thế thì bị xử phạt 3-5 triệu đồng.

Luật sư Nguyễn Đức Lâm (giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật quận Phú Nhuận):

Tước chứng chỉ hành nghề nếu cho thuê bằng

Luật dược 2016 có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 thay thế Luật dược 2005.

Theo đó, luật quy định những người được hành nghề dược, trong đó có người có bằng đại học ngành dược (gọi là bằng dược sĩ), cao đẳng ngành dược, trung cấp ngành dược, sơ cấp dược…

Kinh doanh dược nói chung, mở nhà thuốc bán lẻ thuốc nói riêng theo quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Để mở nhà thuốc, người đứng ra xin phép phải có bằng dược sĩ đại học – là người phụ trách chuyên môn. Những người đứng ra bán thuốc tại nhà thuốc có thể là những người có bằng cao đẳng, trung cấp, sơ cấp dược.

Luật dược còn cho phép dược sĩ, kể cả người đang đi làm việc, được đứng tên mở nhà thuốc ở bất cứ đâu, không bị giới hạn về địa giới hành chính. Luật dược (điều 30) quy định dược sĩ (người phụ trách chuyên môn) khi vắng mặt được uỷ quyền cho dược sĩ khác phù hợp chuyên môn trông thay.

Theo điều 28 Luật dược, hành vi cho thuê, cho mượn, cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề dược sẽ bị tước chứng chỉ. Đương nhiên để tước chứng chỉ thì cơ quan chức năng phải chứng minh hành vi cho thuê, mượn, đây là việc không hề dễ dàng.

Chính quy định như trên nên hiện nay nhiều người lợi dụng thuê mướn bằng dược sĩ để mở nhà thuốc và gây khó khăn cho cơ quan chức năng kiểm tra xử lý.

Như vậy để siết chặt hoạt động kinh doanh với nhà thuốc nhằm đảm bảo chất lượng phục vụ người bệnh thì phải xem xét lại quy định về điều kiện mở nhà thuốc, tăng chế tài xử phạt tiền và tước giấy phép. Còn hiện tại cơ quan chức năng chỉ có thể tăng cường thanh tra, hậu kiểm để xử lý theo quy định. (
Ái Nhân)

LÊ THANH HÀ, [email protected]