10/01/2025

Cho tư nhân tham gia dịch vụ công ích

Tại hội thảo ngày 5-1 về cơ chế chính sách cung ứng dịch vụ công ích tại các đô thị ở VN, hầu hết ý kiến cho rằng phải áp dụng cơ chế thị trường, cho tư nhân tham gia các dịch vụ công ích.

 

Cho tư nhân tham gia dịch vụ công ích

 Tại hội thảo ngày 5-1 về cơ chế chính sách cung ứng dịch vụ công ích tại các đô thị ở VN, hầu hết ý kiến cho rằng phải áp dụng cơ chế thị trường, cho tư nhân tham gia các dịch vụ công ích.

 

 

 

Cho tư nhân tham gia dịch vụ công ích
Nước tại chung cư Phước Lộc Thọ (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM) từng được phát hiện hàm lượng clo không đạt chuẩn. Tới đây, người dân có thể khởi kiện hoặc không trả tiền cho các dịch vụ chất lượng kém – Ảnh: Hữu Khoa

Theo các chuyên gia, có như vậy mới giảm được tiền đầu tư từ ngân sách và nâng cao hiệu quả chất lượng dịch vụ công như xử lý rác thải, nước thải, cung cấp 
nước sạch…

Đấu thầu để tư nhân tham gia

Ông Nguyễn Đình Cung, viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, phân tích mỗi năm số tiền mà ngân sách dành cho dịch vụ công ích ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM rất lớn (Hà Nội: 4.000 tỉ đồng/năm).

Dù vậy, người dân chưa thực sự hài lòng với chất lượng của nhiều dịch vụ công. Do đó, đây sẽ là trọng tâm của tái cơ cấu trong thời gian tới.

Trong lĩnh vực dịch vụ công ích, ông Cung nhấn mạnh là chưa có sự bình đẳng giữa doanh nghiệp (DN) nhà nước với kinh tế tư nhân.

Thực tế, dịch vụ công ích lâu nay được các địa phương chọn phương thức đặt hàng tới 99% và giao kế hoạch cho DN nhà nước mà không đấu thầu nên cơ hội DN tư nhân tham gia gần như là không, dù việc đấu thầu lựa chọn DN tư nhân tham gia giúp tăng chất lượng dịch vụ, giúp giảm chi tiêu cho ngân sách.

Hiệu quả tiết kiệm tiền thuế của người dân rất rõ, như tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hoà), tỉ lệ tiết kiệm từ đấu thầu các gói thầu cung cấp dịch vụ công ích của đơn vị này luôn đạt trên 60% trong năm 2016.

Ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế Phòng thương mại và công nghiệp VN (VCCI), cho biết tỉ lệ DN hài lòng về các dịch vụ công ích rất thấp. Đối với dịch vụ cung cấp điện, tỉ lệ DN có vốn đầu tư nước ngoài ở Hải Phòng và TP.HCM hài lòng chỉ hơn 30%.

Thậm chí nhiều DN rất phàn nàn về việc bị cắt điện mà không hề nhận được thông báo trước. “Cần phải lấy tiêu chuẩn thị trường, sức ép của thị trường để thay đổi, nâng cao chất lượng dịch vụ công” – ông Đậu Anh Tuấn đề nghị.

Cần thay đổi tư duy quản lý

Ngoài việc cần phải đẩy mạnh đấu thầu cho DN tư nhân tham gia các dịch vụ công ích, ông Lê Thanh – giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền – cho rằng cần thay phương thức quản lý của cơ quan nhà nước mới nâng cao chất lượng dịch vụ công ích.

Ông Thanh nêu: thực tế là cơ quan quản lý không quan tâm đến chất lượng cuối cùng của dịch vụ công ích. Đơn cử như dịch vụ vệ sinh đường phố: cơ quan quản lý đặt hàng, giao cho DN phải quét đường, rửa đường chứ đường có sạch không thì không quan tâm.

Hay dịch vụ nạo vét cống cũng vậy: chỉ biết có nạo vét, còn nạo vét làm cho cống thông hay không là chuyện khác. Theo ông, nếu cứ duy trì cách quản lý như hiện nay, không thay đổi tư duy quản lý thì không cách gì dịch vụ công ích có thể có chất lượng được.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Cư, phó viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), cho rằng không nên cho tư nhân tham gia tất cả các dịch vụ công ích mà nên lựa chọn những dịch vụ nhất định.

Ông ví dụ: đối với dịch vụ xử lý nước thải có thể giao cho tư nhân tham gia nhưng thu gom rác, nhất là ở đô thị lớn, việc cho tư nhân tham gia cần cân nhắc. Lý do: trong một số trường hợp, theo ông, nếu công ty tư nhân xảy ra đình công thì dịch vụ sẽ bị đình trệ.

Người dân có quyền khiếu kiện 
khi dịch vụ kém

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Cư cho biết đang xây dựng cơ chế để tới đây người dân có quyền khiếu kiện DN hoặc không trả tiền nếu chất lượng dịch vụ kém.

Như việc cấp nước sạch: nếu cung cấp nước bẩn hoặc mất nước quá lâu thì người dân hoàn toàn có thể kiện DN cung cấp.

Để chất lượng dịch vụ công ích tốt hơn, Bộ Xây dựng đang tính tới đây người thụ hưởng dịch vụ sẽ phải có trách nhiệm đóng góp một phần chi phí chứ không hoàn toàn chỉ lấy nguồn từ ngân sách như hiện nay.

LÊ THANH