TP.HCM cải tạo hơn 5.000 trạm phát sóng di động
UBND TP.HCM vừa có kế hoạch cải tạo hơn 5.000 trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) trên địa bàn TP sang loại cột ăngten gọn hơn, phù hợp cảnh quan đô thị.
TP.HCM cải tạo hơn 5.000 trạm phát sóng di động
UBND TP.HCM vừa có kế hoạch cải tạo hơn 5.000 trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) trên địa bàn TP sang loại cột ăngten gọn hơn, phù hợp cảnh quan đô thị.
Một trạm thu phát sóng thông tin viễn thông di động đặt trên nhà dân ở đường Phạm Hùng, Q.8, TP.HCM – Ảnh: HỮU KHOA |
Theo đó, giai đoạn 2017-2020, số lượng trạm BTS cần thực hiện cải tạo, chuyển đổi là 1.475 trạm. Trong đó ưu tiên cải tạo, chuyển đổi ở khu vực trung tâm TP và 13 quận nội thành hiện hữu với một phần ở sáu quận mới của TP.HCM.
Đến năm 2025, TP sẽ hoàn tất cải tạo, chuyển đổi 3.742 trạm.
UBND TP.HCM yêu cầu doanh nghiệp viễn thông rà soát các trạm BTS loại II lắp đặt trên công trình hiện hữu với thiết kế tự đứng bốn chân, dây co… cũng như độ cao cột ăngten chưa phù hợp với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông đến năm 2025 để thiết kế, thi công cải tạo, chuyển đổi cột ăngten cồng kềnh thành cột ăngten không cồng kềnh hoặc “ngụy trang” cho phù hợp cảnh quan đô thị.
Ngoài ra, UBND TP khuyến khích doanh nghiệp viễn thông triển khai hạ tầng trạm BTS với cột ăngten tích hợp hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị như: biển báo, tín hiệu giao thông, đèn chiếu sáng… đặt trên vỉa hè, hành lang an toàn giao thông, vòng xoay giao thông tại một số khu vực trên địa bàn TP. Tăng cường chia sẻ dùng chung hạ tầng cột ăngten giữa các doanh nghiệp viễn thông với nhau.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Sở Thông tin – truyền thông TP, đơn vị tham mưu cho UBND TP ban hành kế hoạch này, cho biết đây là vấn đề mà sở đã ấp ủ từ nhiều năm nay. Đến tháng 6-2016, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại TP đến năm 2025 được UBND TP phê duyệt. Đây là cơ sở để thực hiện kế hoạch cải tạo, chuyển đổi các trạm BTS như trên.
Kế hoạch này sẽ góp phần thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị, đồng thời củng cố việc phát triển bền vững hạ tầng viễn thông TP. Về cách thực hiện sẽ tương tự như việc ngầm hoá cáp viễn thông, các doanh nghiệp viễn thông là chủ đầu tư cải tạo, chuyển đổi trạm BTS. Khi đầu tư cải tạo, chuyển đổi, các doanh nghiệp viễn thông phải thiết kế loại cột ăngten phù hợp với quy định.
Theo quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại TP.HCM đến năm 2025, khu vực lõi trung tâm TP 930ha, khu trung tâm văn hoá lịch sử, thương mại, khu vực quảng trường và các khu đô thị kiểu mẫu, độ cao ăngten cho phép tối đa 6m; cánh tay đòn cột ăngten không quá 0,5m.
Khu vực 13 quận nội thành hiện hữu (trừ khu vực lõi trung tâm), độ cao ăngten không quá 50% độ cao công trình chính và không quá 9m; cánh tay đòn cột ăngten không quá 0,5m.
Còn khu vực sáu quận (2, 7, 9, 12, Thủ Đức và Bình Tân), độ cao ăngten không quá 75% độ cao công trình chính và không quá 12m; cánh tay đòn cột ăngten không quá 0,5m. Khu vực các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn và Củ Chi, độ cao ăngten không quá 100% độ cao công trình chính và không quá 15m; cánh tay đòn cột ăngten không quá 0,5m.
Nhà mạng: chưa nhận được… kế hoạch cải tạo!? Vài năm gần đây, sự bùng nổ nhu cầu thông tin liên lạc qua điện thoại di động của người dân đã khiến số lượng các trạm BTS tại các thành phố lớn tăng mạnh. Điều này khiến các doanh nghiệp viễn thông phải tăng mật độ các trạm BTS để phục vụ nhu cầu kết nối của người dân. Thực tế cho thấy các loại trạm BTS hiện nay thiết kế cồng kềnh, độ cao không phù hợp. Đã từng xảy ra không ít vụ sập, gãy trạm BTS do gió, bão… Mật độ các trạm BTS trong các khu dân cư càng dày càng khiến người dân thêm bất an, đó là chưa kể mỹ quan đô thị trở nên xấu xí… Trước đó vào tháng 4-2016, Sở Thông tin – truyền thông TP đã gửi đến các nhà mạng 16 thiết kế mẫu trạm BTS để các đơn vị viễn thông áp dụng cho phù hợp với định hướng phát triển chung của TP. Thế nhưng ngày 3-1, chúng tôi liên hệ với các nhà mạng nhiều lần nhưng họ vẫn chưa có phản hồi nào về kế hoạch cải tạo, chuyển đổi trạm BTS của TP.HCM. Đại diện một nhà mạng chỉ cho biết: “Chúng tôi chưa nhận được kế hoạch nào, các thông tin này còn quá mới” (!?). |