08/01/2025

Tuổi Trẻ vào cuộc, xe buýt an toàn hơn

“Sau khi Tuổi Trẻ ra loạt bài Giang hồ cắm chốt lừa đảo dọc quốc lộ, tôi đi xe buýt số 12 đã thấy thay đổi rất nhiều” – bạn đọc B.T.V., người phản ảnh với Tuổi Trẻ câu chuyện bị lừa đảo khi đi xe buýt, bày tỏ.

 

Tuổi Trẻ vào cuộc, xe buýt an toàn hơn

 “Sau khi Tuổi Trẻ ra loạt bài Giang hồ cắm chốt lừa đảo dọc quốc lộ, tôi đi xe buýt số 12 đã thấy thay đổi rất nhiều” – bạn đọc B.T.V., người phản ảnh với Tuổi Trẻ câu chuyện bị lừa đảo khi đi xe buýt, bày tỏ.

 

 

 

Tuổi Trẻ vào cuộc, xe buýt an toàn hơn
Nhóm Chánh “già” đang uy hiếp một phụ nữ người Nghệ An trên xe buýt số 12, chiếm đoạt 200.000 đồng

Bạn đọc B.T.V. đã được Tuổi Trẻ trân trọng trao giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” tháng 11-2016 từ việc báo tin nóng trên. Nhận giải thưởng cùng bạn đọc này là bốn bạn đọc khác báo tin nóng “Dân chặn xe trên quốc lộ sau vụ TNGT” (Tuổi Trẻ Online ngày 17-11) và “Theo dấu nông sản Trung Quốc vào Việt Nam” (khởi đăng từ ngày 28-11-2016) hoặc gửi tác phẩm hay đến Tuổi Trẻ: “Nhà giáo, xử khéo để tránh tai nạn nghề nghiệp” (Tuổi Trẻ Online ngày 2-11-2016), “Xúc động clip người dân xếp hàng đưa bánh mì cho bộ đội” (Tuổi Trẻ Online ngày 12-11).

“20 năm đọc Tuổi Trẻ, tôi tin vào cách làm việc nhanh nhạy, dấn thân và chặt chẽ của quý báo. Do vậy, đêm 16-11, khi thấy dân chặn xe đòi làm chứng việc cảnh sát 113 rượt đuổi và xảy ra vụ tai nạn, tôi đã nói với người nhà gọi đến Tuổi Trẻ. Quả thật là phóng viên Tuổi Trẻ đã có mặt ngay để thông tin nhanh vụ việc

Bạn đọc M.  (Đồng Nai – báo tin “Dân chặn xe trên quốc lộ sau vụ TNGT”)

Từ nỗi lo 
không an toàn…

“Tôi thường đi tuyến xe buýt số 12 từ thác Giang Điền đến Bến Thành. Có lần bị móc túi lấy điện thoại nhưng tôi phát hiện kịp và chụp tay người móc túi nên họ chỉ chửi rủa rồi bỏ xuống xe ở trạm gần nhất. Rồi một tuần sau đó, tôi lại bị một nhóm bốn người lên xe bán thuốc dạo ép cầm thuốc rồi đòi 200.000 đồng.

Khi tôi nói không có tiền, họ xúm vào đánh tôi. Nhận thấy tuyến xe này không an toàn cho hành khách nên tôi đã gọi cho Tuổi Trẻ để mong các anh chị phóng viên có thể phản ánh lên mặt báo và cơ quan chức năng vào cuộc” – bạn đọc B.T.V. kể lại lý do báo tin cho Tuổi Trẻ.

Từ thông tin của bạn đọc này, Tuổi Trẻ đã điều tra để ra loạt bài “Giang hồ cắm chốt lừa đảo dọc quốc lộ” (đăng từ ngày 14-11-2016).

Sau khi báo đăng, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu Công an tỉnh phối hợp Công an TP.HCM điều tra, củng cố chứng cứ và xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo, cướp tiền, hành hung hành khách trên xe buýt.

“Đây là lần đầu tiên tôi báo tin cho Tuổi Trẻ. Không ngờ các anh phóng viên lại có thể điều tra chi tiết như vậy và có hiệu quả rõ rệt. Nay tôi đi xe buýt số 12 đã thấy thay đổi rất nhiều.

Trên xe dán thông báo không phục vụ các hành khách bán dạo trên xe và cảnh báo mọi người cảnh giác cũng như không còn tình trạng móc túi, ăn cắp. Tôi hi vọng việc này sẽ duy trì về sau để những hành khách như tôi được yên tâm chọn xe buýt làm phương tiện đi lại cho mình” – bạn đọc B.T.V. bày tỏ.

Cùng nỗi lo an toàn, nhưng là an toàn từ “bữa cơm sạch”, bạn đọc V. không chỉ báo tin nóng mà còn hỗ trợ phóng viên trong suốt quá trình tác nghiệp loạt bài “Theo dấu nông sản Trung Quốc vào Việt Nam”.

Để thâm nhập vào chợ trời nông sản ở Pò Chài, TP Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, anh và phóng viên đã vượt qua rất nhiều khó khăn nhưng anh vẫn không nản lòng. Anh cũng hài lòng khi loạt bài đánh động được sự quan tâm của dư luận.

Như ở Tiền Giang, lãnh đạo tỉnh đã cùng lực lượng chức năng kiểm tra, chấn chỉnh và nhắc nhở việc kinh doanh nông sản Trung Quốc tại TP Mỹ Tho.

Chia sẻ hình ảnh đẹp

Clip về người dân xếp hàng đưa bánh mì cho bộ đội đã gây xúc động, thu hút đông đảo cộng đồng mạng quan tâm, chia sẻ, được anh Lê Thành Luân, ngụ ở Lương An Trà, huyện Tri Tôn (An Giang), quay và chia sẻ trên Facebook.

Anh Luân kể vào năm 2011 anh đi nghĩa vụ quân sự được phân về Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang. Vừa vào quân ngũ gặp ngay mùa lũ lớn, đơn vị anh cùng nhiều đơn vị quân đội khác trực tiếp xuống đồng ruộng đắp đê ngăn lũ giúp dân bảo vệ mùa màng ròng rã ba tháng trời.

Tuy dầm mưa dãi nắng, các chiến sĩ luôn vui vẻ, nhiệt tình và thân thiện. Bà con rất cảm kích, luôn coi các anh như con cháu, có món ăn, thức uống nào ngon cũng dành đem cho. Những chuyến đi hành quân dã ngoại sau đó, đến đâu đơn vị anh cũng được người dân giúp đỡ tận tình.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh trở về quê làm nghề mua bán nhưng lòng vẫn luôn nhớ những hình ảnh quân dân gắn bó ngày đó, tiếc là không thể lưu giữ lại hình ảnh để làm kỷ niệm.

Chiều 11-11, sau chuyến đi bỏ hàng xa vừa trở về nhà, tình cờ gặp hình ảnh người dân ở chợ Lương An Trà nhiệt tình tiếp tế thức ăn, đồ uống cho bộ đội.

Chợt nhớ kỷ niệm một thời trong quân ngũ ngày xưa, anh xúc động lấy điện thoại di động ra quay để lưu lại hình ảnh này, rồi tải lên Facebook. “Mình quay lại để làm kỷ niệm, sau đó đưa lên mạng để mọi người chia sẻ hình ảnh đẹp này” – anh Luân bày tỏ.

Ông Lê Thanh Hải, chủ quán nước tại chợ Lương An Trà, cho biết sau khi đọc bài viết trên Tuổi Trẻ, người dân ở chợ Lương An Trà rất cảm động, vui vẻ nhắc nhở nhau những lần tới sẽ cố gắng làm đồ ăn, thức uống thật ngon tiếp tế cho bộ đội và cả quay phim, chụp ảnh nhiều hơn nữa để lưu giữ kỷ niệm tình quân dân.

Làm nhà giáo phải hết sức nhẫn

Thầy giáo Lê Xuân Chiến (giáo viên dạy văn Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) kể rằng hơn 15 năm trong nghề, thầy đã đúc kết những kinh nghiệm, bài học, những tai nạn nghề nghiệp đáng tiếc mà bản thân mình cùng đồng nghiệp trải qua.

“Trong thực tế, không chỉ giáo viên trẻ mà ngay cả giáo viên lớn tuổi vẫn bị vướng vào tai nạn nghề nghiệp như thường. Vậy chi bằng biết trước những thử thách để phòng thân trong nghề giáo” – thầy Chiến chia sẻ.

Bài viết “Nhà giáo, xử khéo để tránh tai nạn nghề nghiệp” ngay lập tức nhận được nhiều chia sẻ, đồng cảm của bạn đọc, đặc biệt là giáo viên, mở màn cho hàng loạt các bài báo bàn luận thêm về cách ứng xử trong môi trường sư phạm như thế nào cho phù hợp.

Trong bài viết, thầy Chiến nêu lên những kinh nghiệm cần phải chú ý đối với nghề giáo như: phát ngôn, đi đứng cẩn trọng, thận trọng khi chia sẻ trên Facebook… Những học sinh bất cần chọc giận thầy cô thì mong thầy cô làm chủ cảm xúc, tuyệt đối không để sơ suất trong lời nói, cử chỉ, hành động.

Làm nhà giáo đôi khi phải chịu thiệt một chút, chịu đựng và hết sức “nhẫn” nữa. Và đặt tình yêu thương học trò lên trên hết.

LÊ TRUNG

Đ.QUYÊN – Đ.VỊNH – H.M.