08/01/2025

Căn bệnh ‘đặc biệt tế nhị’ khiến nhiều phụ nữ bị trầm cảm nặng

Khoảng hơn 1/3 phụ nữ trong độ tuổi trên dưới 40 và sau sinh bị chứng tiểu không tự chủ. Loại bệnh đặc biệt tế nhị khiến người bệnh không dám hỏi ai, mang gánh nặng tâm lý và ngại ngùng ngay cả với chồng mình.

 

Căn bệnh ‘đặc biệt tế nhị’ khiến nhiều phụ nữ bị trầm cảm nặng

Khoảng hơn 1/3 phụ nữ trong độ tuổi trên dưới 40 và sau sinh bị chứng tiểu không tự chủ. Loại bệnh đặc biệt tế nhị khiến người bệnh không dám hỏi ai, mang gánh nặng tâm lý và ngại ngùng ngay cả với chồng mình.




1/3 phụ nữ trong độ tuổi trên dưới 40 và sau sinh bị bệnh tế nhị, gây trầm cảm này /// Ảnh: ShutterStock

1/3 phụ nữ trong độ tuổi trên dưới 40 và sau sinh bị bệnh tế nhị, gây trầm cảm nàyẢNH: SHUTTERSTOCK

Tự ti, “đỏ mặt” vì chuyện… són tiểu
Theo phó giáo sư – tiến sĩ – bác sĩ Huỳnh Nguyễn Khánh Trang (Bệnh viện Hùng Vương), có khoảng hơn 30% phụ nữ trong độ tuổi trên dưới 40 bị chứng tiểu không tự chủ khi gắng sức, mà cách gọi nôm na là tiểu són.
“Tiểu không kiểm soát khi gắng sức được nhận định là bệnh lý ngày càng có tính chất phổ biến. Tuy nhiên, bệnh đặc biệt tế nhị khiến người bệnh không dám hỏi ai, mang gánh nặng tâm lý và làm giảm chất lượng cuộc sống”, bác sĩ Trang nhận định.
Chị H.M.V. (32 tuổi, ngụ TP.HCM) sau khi sinh con thứ hai cả năm nay không dám gần gũi với chồng. Mọi hoạt động của chị cũng đều phải “đi nhẹ nói khẽ cười duyên”. Trước kia, vốn là người hoạt bát và sôi nổi tham gia các hoạt động vui chơi, vận động của cơ quan nhưng chị bỗng nhiên tách biệt, “lặng lẽ” với các phong trào, chương trình vận động tập thể.
“Có lần, tôi ngượng chín, chỉ ước có cái hố chui xuống khi lỡ không kiểm soát được việc… són tiểu. May mà, không ai biết”, chị V. tâm sự.
Từ khó chịu, không dám hỏi ai để đi khám, chị chỉ biết tự tìm hỏi “bác Google” các mẹo trị. Tình trạng không cải thiện, đặc biệt, chị gần như không dám gần gũi với chồng, khiến chị chuyển sang trầm cảm nặng.


Theo bác sĩ Trang, bệnh tiểu không tự chủ khi gắng sức là một gánh nặng tâm lý làm giảm chất lượng cuộc sống. Người phụ nữ mắc bệnh lý này thường cảm thấy tự ti, xấu hổ, mệt mỏi và rối loạn giấc ngủ.

Bệnh cũng gây mất khả năng tập trung làm việc, giảm năng suất lao động, các quan hệ xã hội bị hạn chế.
Bệnh dễ gặp với phụ nữ sau sinh
Theo bác sĩ Trang, tiểu không kiểm soát khi gắng sức là tình trạng bệnh nhân bị thoát nước tiểu ngoài ý muốn khi áp lực nội bụng tăng, do hoạt động mạnh như xách đồ nặng, hắt hơi, ho, thậm chí cả khi quan hệ tình dục.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này. Thường gặp là do thừa cân, thai nghén (thai to, sinh nhiều lần, sinh khó), tuổi tác, mãn kinh và bệnh lý đi kèm (táo bón, viêm tiết niệu), sa tạng chậu,…
Bác sĩ Trang cho biết, với phụ nữ sau sinh, bệnh xuất hiện do tầng sinh môn bị suy yếu.
Căn bệnh 'đặc biệt tế nhị' khiến nhiều phụ nữ bị trầm cảm nặng - ảnh 2

Để phòng chứng tiểu không tự chủ khi gắng sức, nữ giới cần tập thể dục thể thao kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý để có sức khỏe tốt – Ảnh: ShutterStock 


“Tầng sinh môn ở nữ giới được ví như một “chiếc võng”, nâng đỡ toàn bộ niệu đạo của bàng quang. Bất kỳ lý do nào làm “cái võng” suy yếu, mất khả năng nâng đỡ sẽ khiến niệu đạo bị sa xuống, không tạo được áp lực đủ lớn thắng áp lực trong bàng quang, khiến nước tiểu có thể rỉ ra bất cứ lúc nào, không kiểm soát được”, bác sĩ Trang giải thích.
Khi người phụ nữ mang thai và trong quá trình sinh nở, toàn bộ sàn chậu co giãn mạnh để sinh em bé. Sinh xong, nếu sản phụ vận động mạnh, ngồi xổm hay hoạt động nhiều sẽ làm tăng áp lực trong ổ bụng, làm sàn chậu yếu đi, không đủ khả năng nâng đỡ các tạng trong ổ bụng, dẫn đến sa tử cung, sa âm đạo, sa trực tràng và cả tiểu không kiểm soát khi gắng sức.
Căn bệnh 'đặc biệt tế nhị' khiến nhiều phụ nữ bị trầm cảm nặng - ảnh 3

TIN LIÊN QUAN

Cảnh báo tắc ruột do ăn chất… xơ

Trái cây là một trong những thực phẩm được khuyên dùng để giúp tiêu hoá chống táo bón, tuy nhiên một số loại quả lại có thể là nguy cơ gây tắc ruột.

Chưa sinh con, vẫn có thể mắc bệnh

Theo tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Trung Vinh (Bệnh viện Triều An), sinh nở chắc chắn góp phần phát sinh tiểu són. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh lý gặp ở cả những phụ nữ chưa sinh con lần nào. Có một số trường hợp đến khám tại bệnh viện bị tình trạng tiểu són từ lúc còn trẻ nhỏ và kéo dài đến tuổi trưởng thành.
“Bệnh ở mức độ nhẹ, thỉnh thoảng mới xảy ra. Ở mức độ nặng, bệnh nhân phải cần tã lót và phải nghĩ đến can thiệp phẫu thuật để điều trị”, bác sĩ Vinh cho biết.
Theo bác sĩ Vinh, với trường hợp, tiểu són trong lúc mang thai thì bệnh chỉ nên được điều trị sau khi thai phụ sinh con. Bởi lẽ, triệu chứng này có thể không trở lại cho đến khi mãn kinh.

Các bác sĩ khuyến cáo, trước tiên, người bệnh phải vượt qua ngại ngùng đến khám và điều trị tại bệnh viện khi có những dấu hiệu bệnh. Đồng thời chia sẻ với bạn đời để được cảm thông và hỗ trợ trong quá trình chữa bệnh.

Việc điều trị bệnh này không khó, các trường hợp bệnh nhẹ sẽ được cho dùng thuốc, tập phục hồi chức năng. Đối với trường hợp nặng, có thể phẫu thuật.
Để phòng bệnh, bác sĩ Trang khuyên, nữ giới cần tập thể dục thể thao kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý để đẩy lùi thời gian mãn kinh, kiểm soát cân nặng.



 

Thanh Vy