22/01/2025

6 dự án giảm kẹt xe đường vào sân bay Tân Sơn Nhất

TP.HCM đã chuẩn bị 6 dự án, sẽ triển khai ngay trong năm 2017 để giảm ùn tắc tại khu vực sân bay này.

 

6 dự án giảm kẹt xe đường vào sân bay Tân Sơn Nhất

TP.HCM đã chuẩn bị 6 dự án, sẽ triển khai ngay trong năm 2017 để giảm ùn tắc tại khu vực sân bay này.

 

 

 

6 dự án giảm kẹt xe đường vào sân bay Tân Sơn Nhất
Để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất cần quy hoạch đồng bộ và kết nối từ trong ra ngoài sân bay – Ảnh: H.KHOA

Ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, công nhận sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có một lối ra vào duy nhất, cơ sở hạ tầng phục vụ cảng chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch dẫn đến thường xảy ra ùn tắc. 

Vì vậy, ngay trong năm 2017, ông Cường khẳng định sở sẽ triển khai 6 dự án kéo giảm ùn tắc các tuyến đường vào sân bay Tân Sơn Nhất với tổng vốn đầu tư 1.380 tỉ đồng.

Trong 6 dự án sẽ khởi công năm tới, sẽ hoàn thành xây dựng 2 dự án trong năm 2017 gồm: xây dựng cầu vượt bằng thép tại nút giao thông Trường Sơn – đường nối Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – vành đai ngoài (Q.Tân Bình) và cầu vượt tại vòng xoay nút giao thông Nguyễn Thái Sơn – Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp – Q.Phú Nhuận).

Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 – TP.HCM (chủ đầu tư), cho biết dự án xây cầu vượt tại giao lộ Trường Sơn và đường nối Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – vành đai ngoài sẽ triển khai thi công vào đầu năm 2017 theo lệnh khẩn cấp đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nhằm kéo giảm kẹt xe ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.

Cầu vượt được thiết kế là công trình vĩnh cửu hình chữ Y, cho xe lưu thông theo hướng từ đường Trường Sơn vào nhà ga quốc tế, nhánh cầu vào nhà ga quốc nội. Công trình có tổng mức đầu tư 242 tỉ đồng và dự kiến hoàn thành sau 6 tháng thi công.

Tương tự, lãnh đạo Khu quản lý giao thông đô thị số 3 – TP.HCM cho biết trong tháng 1-2017 sẽ khởi công xây dựng cầu vượt vòng xoay Nguyễn Kiệm – Nguyễn Thái Sơn nhằm giảm ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Đồng thời sẽ cải tạo, mở rộng đường ra vào nút giao thông để đảm bảo cho xe thông thoát nhanh qua giao lộ. Tổng mức đầu tư công trình 504 tỉ đồng và dự kiến hoàn thành sau 8 tháng thi công.

Bốn dự án còn lại cũng bắt đầu triển khai ngay trong năm 2017 gồm dự án mở rộng đường Hoàng Minh Giám đoạn gần đường Phổ Quang (Q.Phú Nhuận), dự án mở rộng đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình) đoạn cạnh nút giao thông Lăng Cha Cả, đường Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình) đoạn từ Cộng Hoà vào sân bay và mở rộng đoạn đường 
Phan Thúc Duyện (Q.Tân Bình).

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (nguyên chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không, Đại học Bách khoa TP.HCM): 

Lấy đất sân golf để mở rộng sân bay

Diện tích sân bay Tân Sơn Nhất sau giải phóng lên tới 1.500ha, trải qua một thời gian dài diện tích này bị lấn chiếm và thu hẹp, trong đó có cả diện tích 157ha làm sân golf.

Nếu các diện tích bị lấn chiếm được thu hồi để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thì khả năng có thể đáp ứng đến 60 triệu hành khách/năm.

Có thể lấy đất của sân golf để mở thêm nhà ga hướng gần đường Tân Sơn hiện nay. Có thêm nhà ga này, không chỉ phân chia bớt lượng hành khách tập trung ở nhà ga hiện nay mà còn giúp giảm áp lực giao thông rất nhiều tại trục đường Trường Sơn, nút giao thông xung quanh Lăng Cha Cả.

Bởi khi đó hành khách có thêm một hướng đến sân bay và đi ra quốc lộ 1 để về các hướng miền Đông, miền Tây và từ Tây Ninh.

Chỉ cần làm được các chuyện này, sân bay Tân Sơn Nhất có thể đáp ứng được tới 40 triệu lượt khách/năm chứ chưa nói đến việc phải xây dựng thêm đường băng.

Ngoài ra, hiện nay lượng khách từ miền Tây lên sân bay Tân Sơn Nhất để đi các nơi là không ít.

Vì vậy thay vì hiện phải đưa máy bay về dưới đó đậu qua đêm thì nên nâng cấp, mở rộng đường bay từ sân bay Cần Thơ đi các nơi khác sẽ giúp giảm áp lực sân bay Tân Sơn Nhất trong điều kiện hiện tại.

QUANG KHẢI ghi

NGỌC ẨN