23/12/2024

Học sinh gãy chân, hiệu trưởng phát phiếu khảo sát… chứng minh vô can

Học sinh bị thương nặng khi chơi trên sân trường, nhiều người nghi ngờ có thể do xe taxi chở cô hiệu trưởng vào trường va phải.

 

Học sinh gãy chân, hiệu trưởng phát phiếu khảo sát… chứng minh vô can

Học sinh bị thương nặng khi chơi trên sân trường, nhiều người nghi ngờ có thể do xe taxi chở cô hiệu trưởng vào trường va phải. 

 

 

 

Học sinh gãy chân, hiệu trưởng phát phiếu khảo sát... chứng minh vô can
Minh hoạ NOP

Thay vì thăm hỏi, cô hiệu trưởng lại phát phiếu khảo sát cho 100% cán bộ, giáo viên và học sinh toàn trường để làm chứng việc mình vô can.

Đó là trường hợp của một học sinh học lớp 2 tại một trường tiểu học thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Bị gãy xương do lực tác động mạnh

Trong đơn kêu cứu khẩn cấp, cha cháu bé cho biết gia đình đã được thông báo cháu bị thương do chạy chơi trên sân trường và vấp ngã. Cô giáo chủ nhiệm đã cùng gia đình đưa cháu đi viện.

Chẩn đoán của Bệnh viện Nhi trung ương là cháu bị gãy xương đùi phải, nhưng sau khi bó bột vẫn không ổn vì vết thương quá nặng. Cháu bé tiếp tục được chuyển sang Bệnh viện Việt Đức và được chỉ định phải mổ, nẹp vít xương.

Bác sĩ điều trị cho cháu bé này đánh giá nếu chỉ chạy chơi bị ngã mà không có tác động mạnh từ bên ngoài thì khó có thể bị gãy xương đùi nặng như thế. Vì xương đùi là nơi cứng nhất, nếu người không có bệnh lý về xương thì phải bị một lực tác động mạnh (va đập) mới có thể gây tổn thương.

Trong kết luận của bác sĩ, cháu bé bị gãy xương đùi nhưng lại có vết xước ở sau hông trái, dự đoán có thể sau khi bị đâm mạnh, cháu ngã ngửa về phía sau gây sây sát.

“Khi xảy ra sự việc, gia đình tôi còn lo điều trị cho cháu nên chưa suy nghĩ gì đến nguyên nhân gây tai nạn. Mãi tới khi được bác sĩ cho biết thì tôi mới hỏi con.

Cháu kể giờ ra chơi cháu và các bạn đang chơi trên sân trường (khu vực sân sau lối ra cổng phụ) thì có chuông báo vào lớp. Cháu và các bạn đang chạy vào lớp thì cháu va vào một chiếc xe màu xanh đang đi vào trường. Cháu nhận ra trên xe có cô hiệu trưởng và một cô giáo khác.

Gia đình tôi có hỏi các bạn học của con thì các cháu cũng thừa nhận con tôi bị ôtô đâm trong sân trường” – trao đổi với Tuổi Trẻ, cha cháu bé nhắc lại sự việc.

Tuy vậy, khi gia đình đến làm việc với trường, lãnh đạo nhà trường vẫn khẳng định cháu bé bị ngã do chạy chơi trên sân trường. Khi gia đình trình bằng chứng là đánh giá chuyên môn của bác sĩ thì các cô giáo ở trường lại cho rằng cháu bé có thể chạy và va vào xe của giáo viên đang đỗ trong trường.

Khảo sát toàn trường “không có ôtô ra vào”

Thay vì tìm hiểu kỹ sự việc và kết hợp với gia đình chăm sóc, điều trị cho cháu bé, cô hiệu trưởng lại chỉ đạo phát phiếu khảo sát đối với tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh để chứng minh mình vô can trong chuyện trên.

“Con tôi bảo lúc cháu bị xe đâm có vài bạn ở đó. Cháu chơi ở sân sau, nên cùng lắm chỉ có khoảng một lớp học sinh chơi cùng và chỉ có một số cháu chứng kiến, biết sự việc. Nhưng nhà trường đã lấy khảo sát toàn trường, trong đó có nhiều học sinh không biết gì về sự việc này, để chứng minh sự vô can của giáo viên và lãnh đạo trường” – cha cháu bé bày tỏ bức xúc.

Theo báo cáo của lãnh đạo trường này do cô hiệu trưởng ký, ghi rõ kết quả khảo sát: “100% cán bộ, giáo viên khẳng định không có ôtô ra vào trường trong giờ học và giờ ra chơi; 100% học sinh cho biết không có ôtô ra vào trường trong giờ học và giờ ra chơi. Nếu có hiện tượng học sinh bị ngã là do nô đùa, đuổi nhau, chạy quá nhanh”.

Báo cáo này cho thấy cô hiệu trưởng và giáo viên của trường vô can trong vụ tai nạn nhưng lại gợn lên những điều đáng suy nghĩ. Liệu 100% cán bộ, giáo viên và 100% học sinh khi được khảo sát có chắc chắn việc “không có ôtô ra vào” và nhìn thấy cháu bé “do chạy nhanh mà ngã” không? Hay khi viết vào phiếu, các thầy cô và học sinh phải nói điều mình không chứng kiến?

Trong báo cáo gửi Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy, lãnh đạo trường tiểu học này còn đưa ra nghi vấn: tại sao cháu bé bị thương ngày 1-12, nhưng tận 3-12 mới bó bột? Như vậy có sự bất thường trong xử lý của cơ sở y tế.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, cha cháu bé này cho biết: “Thắc mắc đó chỉ chứng tỏ sự vô trách nhiệm của nhà trường. Con tôi bị thương ngày 1-12 và được bó bột ngay ở Bệnh viện Nhi trung ương, sau đó chuyển sang Bệnh viện Việt Đức, xử lý vào ngày 3-12. Trong thời gian đó chỉ có giáo viên chủ nhiệm của cháu vào thăm với tư cách cá nhân. Ngày 20-12, khi tôi có đơn kêu cứu gửi các nơi thì cô hiệu trưởng mới liên lạc với gia đình để thăm con tôi. Cháu bé hiện vẫn phải nghỉ học và theo chỉ định của bác sĩ, phải hai tháng nữa cháu mới đi lại được. Chúng tôi chỉ muốn làm rõ sự việc để chuyện này không xảy ra với cháu bé nào nữa”.

Lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy cho biết hiện cơ quan công an đã vào cuộc điều tra sự việc này.

VĨNH HÀ