23/12/2024

Bỏ dần thói quen ép rượu bia: bằng cách nào?

Từ cảnh báo “Ép uống rượu bia ở VN đã trở thành tệ nạn”, nhiều ý kiến cho rằng cần phải thực thi hiệu quả hơn các biện pháp phòng tránh lạm dụng rượu bia, từ đó loại bỏ dần thói quen “ép” uống rượu bia.

 

Bỏ dần thói quen ép rượu bia: bằng cách nào?

 Từ cảnh báo “Ép uống rượu bia ở VN đã trở thành tệ nạn”,  nhiều ý kiến cho rằng cần phải thực thi hiệu quả hơn các biện pháp phòng tránh lạm dụng rượu bia, từ đó loại bỏ dần thói quen “ép” uống rượu bia.

 

 

 

Bỏ dần thói quen ép rượu bia: bằng cách nào?
Đừng ép nhau uống rượu bia trong các buổi tiệc – Ảnh: T.T.D.

Lạm dụng rượu bia là một trào lưu không hay, mà ép uống càng không hay hơn nữa. Về mặt sinh học, khả năng uống rượu bia của từng người là khác nhau, có người không chịu được rượu bia hoặc không uống được nhiều, mà cứ ép người ta uống có khác gì đày đọa họ? Nên bỏ chuyện đó đi!

Ông LÝ TRẦN TÌNH (nguyên giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội)

* Ông Nguyễn Phương Nam (Tổ chức Y tế thế giới tại VN):

Quan niệm sai lầm

Ép rượu là một thói quen không đẹp trong cuộc sống của người Việt. Người xưa có dạy “rượu sinh ra để nếm” nhưng nay thì uống phải thật say, uống đến mức nôn mửa, uống hết mình mới là thật tình… Đó là quan niệm sai lầm và là hậu quả của tình trạng kém hiểu biết về tác hại của lạm 
dụng rượu bia.

Thói quen của nhiều người bây giờ là tiệc tùng phải có rượu bia mới vui, nhưng thật ra có rất nhiều thứ để mỗi cuộc gặp gỡ vui vẻ, chúng ta có thể nói với nhau những câu chuyện hay ho, thú vị hơn là uống đến say nôn ọe ra, lăn ra ngủ tại chỗ hay nhảy lên xe lái ra đường và có nguy cơ gây tai nạn, khổ cho chính mình và người khác. Những hành vi này xã hội phải lên án và tôi cho rằng những hành vi ấy làm xấu hình ảnh người Việt.

 

Ở một số vùng có tập tục không uống rượu bia trong bữa tiệc thì cho là không nhiệt tình, không hòa nhập. Những quy kết ấy rất sai, mỗi người có quyền của mình, quyền uống hay không uống. Nhưng nếu mỗi người chúng ta chấp chận bị ép thì tình trạng “uống tự sát” như vậy khó giảm.

Để hạn chế tệ nạn ép rượu bia, tôi cho là phải làm giá rượu bia đắt lên. Phải tăng thêm thuế rượu bia để người trẻ khó mua rượu bia hơn và sau đó là thực thi nghiêm các quy định như cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi.

Về lâu dài phải đưa các câu chuyện về tác hại rượu bia vào trường học, nâng dần nhận thức của giới trẻ để thế hệ trẻ biết về tác hại của rượu bia và có thói quen “uống văn hoá”, còn ép nhau uống rượu bia sẽ trở nên vô văn h.

Tuy nhiên, giải pháp nào cũng cần phải được thực thi hiệu quả. Muốn chính sách có hiệu quả phải bắt nguồn từ các nhà lãnh đạo. Như ở Mông Cổ, quốc gia dùng nhiều rượu bia, sau này có luật phòng chống tác hại rượu bia, trong thông điệp năm mới sau đó tổng thống đã chúc năm mới bằng một cốc sữa.

Ông Trương Đình Bắc (phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế):

Thêm quy định, hương ước

Ép rượu bia tùy từng vùng chứ không phải phổ biến ở tất cả các vùng, nhưng phổ biến nhất là ở miền núi. Từ sau khi có chỉ thị 244 về phòng chống lạm dụng rượu bia, các nơi cũng bỏ được tình trạng uống rượu trong bữa sáng và cả bữa trưa. Nhưng với ép rượu, nhiều nơi chưa bỏ được. Một số nhóm, một số người còn coi mời mà người ta không uống là không tôn trọng người mời!

Uống được rượu bia không phải là thang đo đạo đức hay giá trị gì của bản thân, trong khi khả năng của mỗi người là khác nhau, có người có khi chỉ uống nửa chén đã say rồi. Người uống được lại đi ép người không uống được, nửa chén đã say thì khác gì gây khó khăn cho họ. Ép rượu bia như vậy tôi cho là 
hành vi không đẹp.

Hiện đã có nhiều văn bản, quy định về phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia, nhưng nếu từng cơ quan, làng xã có thêm quy định, có hương ước của riêng mình, phòng chống sẽ hiệu quả hơn. Ví dụ như nhiều làng xã bây giờ có hương ước không mời rượu bia, thuốc lá trong đám ma, đám cưới; hay các cơ quan chế tài hành vi uống rượu bia trong giờ hành chính…

Về lâu dài, cần thông tin mạnh mẽ tác hại của rượu bia trong trường học để các bạn trẻ biết rượu bia, thuốc lá là có hại và họ không “thử”. Đây là những chất có hại, nếu đã thử và nhất là thử nhiều lần thì có nguy cơ bị lệ thuộc, tức là bị nghiện. Khi đó việc phòng chống tác hại 
sẽ rất khó khăn.

TS.BS Phạm Xuân Dũng (phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM):

Tự kiểm soát ngay cả khi bị “ép”

Uống quá nhiều rượu bia là yếu tố nguy cơ gây ra một số bệnh ung thư đường tiêu hoá, gan… Vì vậy để bảo vệ sức khoẻ cho chính mình, mỗi người cần kiểm soát giới hạn sử dụng rượu bia, ngay cả khi bị “ép” phải sử dụng.

Muốn hạn chế tình trạng uống rượu bia quá nhiều, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ như luật định, tuyên truyền tác hại khi uống nhiều rượu bia, ý thức của từng cá nhân…

Tại một số nước, ở những nơi vui chơi giải trí có bán rượu bia còn có cả những bảng khuyến cáo không được uống vượt quá số ly (rượu, bia) nếu muốn tham gia giao thông; giá bia rượu bán ở các nhà hàng, quán bar… tăng nhiều lần so với giá được bán tại cửa hàng, siêu thị. Giá bán rất cao tại những nơi công cộng cũng hạn chế được mức uống 
của khách hàng.

Việc tuyên truyền thường xuyên uống rượu bia sẽ có nguy cơ gây ra nhiều bệnh, có thể gây ra tai nạn giao thông và những hệ lụy khác… chắc chắn tác động đến ý thức từng người, giúp thay đổi suy nghĩ, thay đổi hành vi.

Ám ảnh bị mời rượu bia

“Nam vô tửu như kỳ vô phong” – câu nói cửa miệng này đã trở thành lời chê trách của mọi người đối với tôi, mỗi khi tôi từ chối một lời mời bia rượu.

Tôi là một thanh niên miền Tây – nơi nổi tiếng với lòng hiếu khách bằng văn hoá “ăn nhậu”. Từ nhỏ, tôi luôn chứng kiến cảnh rượu chè bê bết của người lớn mà thấy ngán ngẩm, nên tự nhủ với lòng rằng sẽ cố gắng thoát khỏi sự cám dỗ của “ma men”. Cuối cùng tôi đã thành công.

Tuy nhiên vì không uống rượu bia nên những bữa tiệc, những cuộc vui đối với tôi lại là một ám ảnh và không ít lần đã “chuốc hoạ vào thân”, vì không uống khi có người mời bia rượu.

Như lần đi dự đám cưới, một vị khách đến mời tôi một ly bia, tôi đã từ chối lịch sự là mình không uống được bia nhưng người đó không chịu, ép tôi uống cho bằng được. Tôi tiếp tục thuyết phục, thậm chí năn nỉ nhưng người đó vẫn cứ ép. Cuối cùng phải nhờ đến mọi người can ngăn, tôi mới thoát khỏi trận đòn vì “khi dễ” người mời bia.

Cuộc sống có người này người khác, có người thích và uống được rượu bia, nhưng cũng có người không thích và không uống được. Tại sao cứ phải ép nhau say xỉn, tại sao phải chuốc rượu nhau đến khi gục xuống bàn?

TRẦN ĐỨC HIỀN (Long An)

LAN ANH – THUỲ DƯƠNG ghi