23/01/2025

Đủ lý do để… lười vận động

Khi được hỏi có tham gia tập các môn thể dục ở cường độ cao hay không, có đến gần 70% người Việt cho biết không tham gia.

 10.000 BƯỚC CHÂN, THAY ĐỔI CUỘC SỐNG

Đủ lý do để… lười vận động

Khi được hỏi có tham gia tập các môn thể dục ở cường độ cao hay không, có đến gần 70% người Việt cho biết không tham gia.

 

 

 

Đủ lý do để... lười vận động
Không khó để cảm nhận bằng mắt thường về chuyện thanh niên la cà quán nhậu nhiều hơn rèn luyện sức khoẻ. Trong ảnh: ăn nhậu trên đường Trường Sa, P.13, Q.Phú Nhuận, TP.HCM tối 28-12 – Ảnh: Hữu Khoa

Nếu mở được cuộc vận động thì rất tốt và đã đến lúc mỗi người phải quan tâm hơn đến sức khoẻ của mình”

Bà Lê Bạch Mai (phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia)

Theo bà Lê Bạch Mai, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, có đủ lý do khiến người Việt lười thể thao thể dục trong khi lượng chất đạm, chất béo ăn vào lại gia tăng nhanh, nên chỉ trong vòng 5 năm số mắc tăng huyết áp ở VN đã tăng hơn gấp rưỡi, số mắc đái tháo đường tăng trên 200% trong vòng 10 năm…

Nhiều lý do dẫn đến chuyện lười vận động

Theo điều tra quốc gia về yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm được Bộ Y tế thực hiện năm 2015 và công bố cuối năm 2016, có trên 28% số người Việt tham gia khảo sát không dành đủ 150 phút/tuần cho các hoạt động thể lực ở cường độ trung bình.

Con số này đặc biệt cao ở nữ giới với trên 35% nữ giới được khảo sát không có đủ 150 phút cho tập luyện nâng cao sức khoẻ bản thân mỗi tuần. Với các hoạt động thể lực cường độ cao thì có đến xấp xỉ 70% người Việt tham gia khảo sát cho biết là không tham gia.

Theo bà Mai, có nhiều yếu tố khiến người Việt lười thể dục. So với các nước phát triển, số lượng công viên, khu vui chơi tập trung miễn phí không có nhiều.

Do mật độ giao thông lớn và vỉa hè lại hay bị quán xá, xe cộ choán chỗ, cha mẹ cũng rất e ngại cho con ra ngoài đường chơi vì sợ không an toàn. Họ thà để trẻ ngồi trong nhà nhưng vẫn trước mặt bố mẹ, vẫn an toàn còn tốt hơn là chạy ra đường đầy bụi và xe cộ.

Một khảo sát gần đây ở nhóm trẻ thừa cân béo phì tại Hà Nội cho thấy nguyên do khiến trẻ thừa cân béo phì ngoài tình trạng ăn quá nhiều là tình trạng ít vận động, ngồi quá nhiều xem tivi và chơi các trò chơi trên máy tính, điện thoại làm giảm cơ hội tiêu hao năng lượng của trẻ.

Theo bà Mai, người lớn cần vận động thể lực 30-45 phút/ngày (tối thiểu 5 ngày/tuần), nhưng trẻ em cần tới 60 phút vận động/ngày.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cũng đồng ý rằng nhiều người Việt còn thiếu những hoạt động thể lực vừa thư giãn cơ thể vừa thư giãn về tinh thần.

“Người dân ở nông thôn rất vất vả, họ đầu tắt mặt tối suốt ngày lam lũ, đó cũng là vận động thể lực nhưng cần thời gian riêng để đi bộ, chạy hoặc rèn luyện sức khoẻ, rất cần những hoạt động thể lực khiến người ta được tái tạo cả về sức khỏe thể chất và tinh thần” – ông Phu cho biết.

Cần một “cuộc vận động”

Nhiều người thường nói vui “trẻ uống trà, già tập thể dục” về tình trạng nam thanh nữ tú thường lười hơn người già trong rèn luyện sức khoẻ. Gần đây các thiết bị tập luyện được lắp đặt nhiều hơn tại khu dân cư và số người tham gia rèn luyện sức khoẻ đã tăng hơn trước đây.

“Có rất nhiều hình thức tập luyện không tốn tiền phù hợp với khu vực nông thôn và khu dân cư, như mô hình đạp xe lọc nước ở TP.HCM rất nên nhân rộng ra các địa phương khác có tình trạng ô nhiễm nguồn nước”- ông Doãn Ngọc Hải, viện trưởng Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường, đề xuất.

Theo bà Mai, Tổ chức Y tế thế giới đã có khuyến cáo mỗi người nên đi bộ 10.000 bước/ngày. 10.000 bước này bao gồm cả các động tác thể dục, thể lực khác được quy đổi. Một chuyên gia về y tế cho biết ông tập dịch cân kinh (vẩy tay) và mỗi lần vẩy tay được tính là một bước chân.

“Chỉ tập một thời gian ngắn các bạn đã thấy khác, bụng nhỏ lại, người nhẹ nhàng thư thái và dễ chịu hơn” – bà Mai khuyến cáo về tác dụng của việc tập luyện.

Theo tính toán của Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình, tuổi thọ bình quân của người Việt đã đạt 73,6 tuổi, nhưng tuổi thọ khoẻ mạnh thì thấp hơn tuổi thọ bình quân tới xấp xỉ 10 tuổi! Nhiều người nghỉ hưu là bắt đầu ốm đau, thậm chí ốm đau từ trước khi nghỉ hưu. Bà Mai rất đồng tình với việc nên mở một cuộc vận động để người dân tích cực tham gia rèn luyện sức khoẻ hơn.

“Nếu mở được cuộc vận động thì rất tốt và đã đến lúc mỗi người phải quan tâm hơn đến sức khoẻ của mình. Rèn luyện toát mồ hôi chắc chắn là vất vả hơn so với ngồi chơi game, chơi Facebook hay nghe nhạc. Nhiều người hay kêu bận không tập được, nhưng thực ra thì thu xếp được hết và chính mỗi người sẽ thấy mình năng động hơn, yêu cuộc sống hơn sau khi tham gia tập luyện” – bà Mai nói.

Những con số đáng lo

Tỉ lệ người Việt thừa cân, béo phì: 15,6%; tỉ lệ người có tăng cholesterol máu: 30,2%; tỉ lệ người 40-69 tuổi có nguy cơ tim mạch hoặc đang bị tim mạch: 12,5%. Tính chung các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh không lây nhiễm (ăn ít rau, trái cây, ít hoạt động thể lực, đang hút thuốc lá, thừa cân, tăng huyết áp), có xấp xỉ 8% người 18-44 tuổi được khảo sát có từ 3 yếu tố nguy cơ trở lên.

(Nguồn: Điều tra quốc gia về nguy cơ bệnh không lây nhiễm, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới tại VN đồng thực hiện năm 2015)

LAN ANH