23/01/2025

Tránh tắc nghẽn: đổi cách làm hạ tầng

Tiếp tục bàn câu chuyện “Cao ốc tràn lan, giao thông tắc nghẽn” (Tuổi Trẻ ngày 27-12), KTS Nguyễn Ngọc Dũng, Hội Kiến trúc sư TP.HCM, cho rằng cần có cách làm căn cơ hơn để giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông ở TP.HCM.

 

Tránh tắc nghẽn: đổi cách làm hạ tầng

Tiếp tục bàn câu chuyện “Cao ốc tràn lan, giao thông tắc nghẽn” (Tuổi Trẻ ngày 27-12), KTS Nguyễn Ngọc Dũng, Hội Kiến trúc sư TP.HCM, cho rằng cần có cách làm căn cơ hơn để giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông ở TP.HCM.

 

 

 

Tránh tắc nghẽn: đổi cách làm hạ tầng
Người dân sống trên đường Chu Văn An, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cho rằng các cao ốc, chung cư mọc lên nhưng đường quá nhỏ là nguyên nhân gây nên tình trạng ùn tắc và kẹt xe (ảnh chụp chiều 26-12) – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sở Giao thông vận tải TP.HCM nói rằng mình không được tham gia góp ý về quy hoạch dự án cao ốc, trung tâm thương mại là chưa chính xác.

Phải có kế hoạch 
thực hiện quy hoạch

Thực tế, ngay từ khâu lập quy hoạch phân khu 1/2.000 thì Sở Giao thông vận tải đã được tham gia nghiên cứu, góp ý kiến, thể hiện quan điểm.

Các ngành chuyên môn từ xây dựng, môi trường, giao thông vận tải, kiến trúc… đều được tham gia để các chỉ tiêu về dân số, mật độ giao thông trong đồ án quy hoạch phù hợp với tiêu chuẩn chung.

 

Các dự án cao ốc, trung tâm thương mại đều trên cơ sở quy hoạch, khi cơ quan chức năng xem xét chủ trương đầu tư một dự án thì ngành giao thông cũng được góp ý kiến thông qua sự tham gia vào Hội đồng quy hoạch kiến trúc TP.

Câu hỏi đặt ra ở đây là Sở Giao thông vận tải đã làm hết trách nhiệm của mình trong việc “gác cổng” những vấn đề giao thông cho TP hay chưa?

Tuy nhiên, giải quyết vấn đề kẹt xe cho các đô thị lớn ở Việt Nam và tại TP.HCM hiện không thể đổ hết trách nhiệm lên vai ngành giao thông. Hạn chế rất lớn của ta hiện nay là chưa có kế hoạch thực hiện quy hoạch sau khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đồ án quy hoạch.

Cơ quan chức năng không có kế hoạch đầu tư các dự án, hạng mục công trình sau khi phê duyệt đồ án quy hoạch dẫn đến tình trạng đường giao thông, hạ tầng cơ sở chưa được đầu tư mà công trình đã xuất hiện.

Hạ tầng cũ kỹ nhận thêm áp lực mới thì sẽ xuống cấp và hệ quả kẹt xe, ngập nước là chuyện đương nhiên xảy ra và có thể dự báo trước. Lúc đó, Nhà nước tốn tiền nâng cấp hạ tầng, còn người dân xung quanh công trình chịu cảnh nhếch nhác, xuống cấp hơn so với khi chưa có dự án.

Trong khi đó, gần như lợi nhuận từ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đầu tư hạ tầng cho khu vực rơi vào túi chủ đầu tư mà không phục vụ lại cộng đồng.

Nhiều năm nay, giới chuyên môn lên tiếng đề xuất Nhà nước phải tính toán đến việc lập kế hoạch thực hiện quy hoạch, nhất là ở các khu đô thị, để bảo đảm nguyên tắc hạ tầng cơ sở phải được xây dựng trước khi cấp phép đầu tư cho công trình. Tuy nhiên, gần như đề xuất này chưa được cơ quan nhà nước tiếp thu.

Xem đầu tư giao thông là nguồn lợi

Lâu nay, Nhà nước luôn xem việc đầu tư hạ tầng cơ sở và hạ tầng xã hội là trách nhiệm của chính quyền và dùng tiền ngân sách để đầu tư mà không xem việc đầu tư giao thông là một nguồn lợi kinh tế lớn.

Ngân sách thì có hạn nên việc mở rộng đường, mở đường mới chỉ được thực hiện khi có nhu cầu bức bách chứ không phải là kế hoạch chủ động của chính quyền để đón đầu làn sóng đầu tư, tạo hạ tầng, tăng giá trị sử dụng đất.

Nếu xem đầu tư giao thông là một ngành kinh tế, một nguồn lợi cho ngân sách thì Nhà nước không những không tốn tiền xây dựng cầu, đường mà còn dư tiền để xây dựng các hạng mục hạ tầng xã hội khác phục vụ cho người dân.

Cách làm là Nhà nước đầu tư hạ tầng từng cụm đô thị, giải phóng mặt bằng hai bên đường, lấy đất bán đấu giá và đổi cho nhà đầu tư để làm đường và nhà tái định cư cho dân.

Như vậy, lợi nhuận từ giá đất tăng do đầu tư hạ tầng, chuyển mục đích sử dụng đất từ nhà thấp tầng thành cao ốc sẽ được phân chia đều cho Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.

Đây là cách mở rộng đường giao thông, chỉnh trang đô thị không sử dụng ngân sách mà còn đem lại nguồn lợi lớn cho Nhà nước.

Lúc này, các ngành từ xây dựng, quy hoạch, tài nguyên và môi trường… cùng tham gia tính toán đầu tư cho một khu vực chứ không phải cách làm rời rạc, riêng lẻ từng ngành như hiện nay.

Trước mắt, TP.HCM có thể cho thực hiện thí điểm mô hình trên ở một hoặc hai khu vực nhất định, rút kinh nghiệm để thực hiện chung cho toàn TP.

Theo tôi, đó là cách căn cơ để giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông ở TP.HCM và các đô thị khác trên cả nước.

TS VÕ KIM CƯƠNG (nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM):

Cần kiểm soát mật độ dân cư

Việc quy hoạch các công trình tòa nhà, trường học… thuộc quản lý của Sở Quy hoạch kiến trúc.

Tuy nhiên, mỗi dự án trước khi đưa vào thực hiện đều được đưa ra một hội đồng phản biện để đánh giá tác động môi trường chiến lược và đánh giá xem dự án khi đi vào thực hiện sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giao thông, đời sống người dân.

Sở Giao thông vận tải sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình đánh giá này, do vậy, Sở Giao thông vận tải cũng nên nghiên cứu kỹ các dự án và có ý kiến chính thức để tránh những ảnh hưởng đến giao thông đô thị.

Hiện nay, rất nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM rơi vào tình trạng đường thì quá nhỏ hẹp, ít các đường nhánh để xe cộ lưu thông nhưng lại liên tục xây cao ốc, chung cư… Do vậy, TP.HCM cần nghiên cứu hai giải pháp để khắc phục vấn đề trên.

Thứ nhất, chúng ta đẩy mạnh các giải pháp hạn chế xây dựng khu dân cư, kiểm soát mật độ dân cư để giảm lưu lượng xe đi lại.

Ngoài ra, TP nhanh chóng có các hướng nghiên cứu mở rộng đường không đủ chuẩn, quy hoạch các tuyến đường nhánh để chuyển lượng xe đi vào các tuyến đường này, giảm áp lực trên tuyến đường chính.

T.DUNG - N.ẨN ghi

KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG , D.N.HÀ ghi