Những người mẹ của Thuỳ Nhi
Thuỳ Nhi là tên cô bé “bí ẩn”. Cô bé mà những bà mẹ nuôi con bệnh gặp hằng ngày trong phòng sơ sinh của khoa nhi. Đây cũng chính là ngôi nhà của Thuỳ Nhi suốt bốn năm qua.
Những người mẹ của Thuỳ Nhi
Thuỳ Nhi là tên cô bé “bí ẩn”. Cô bé mà những bà mẹ nuôi con bệnh gặp hằng ngày trong phòng sơ sinh của khoa nhi. Đây cũng chính là ngôi nhà của Thuỳ Nhi suốt bốn năm qua.
Thuỳ Nhi cùng các “mẹ” quây quần ăn cơm trưa ngay tại phòng sơ sinh bệnh lý – Ảnh: Quốc Nam |
So với chăm sóc những trẻ bình thường thì chăm Thuỳ Nhi khổ hơn gấp nhiều lần. Nhưng mấy chị em an ủi nhau rằng cháu sinh ra bị tật nguyền đã quá bất hạnh rồi, mình mà bỏ rơi nữa thì cháu sống sao nổi |
Điều dưỡng viên Nguyễn thị Hồng Hạnh |
Nửa đêm. Phòng dành cho trẻ sơ sinh bệnh lý tại khoa nhi Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) lặng như tờ. Bỗng cánh cửa phòng trực của các điều dưỡng viên hé ra. Một bàn tay co quắp bấu vào thanh cửa, rồi khuôn mặt một cô bé khoảng 4 tuổi ló ra thì thầm gọi: “Mẹ ơi, con đói…”.
Những y bác sĩ trực tại đây chia nhau người đến ôm cô bé, người đi lấy cháo đút từng thìa cho bé ăn. Trong khi đó, các bà mẹ đang ngồi đợi đến giờ cho con bú trước cửa phòng dành cho trẻ sơ sinh có bệnh lý phải cách ly ngơ ngác hỏi nhau: “Chẳng lẽ các bác sĩ đưa cả con đến đây trong ca trực?”.
Đứa trẻ có trái tim bên phải và 10 người mẹ
Thùy Nhi là tên cô bé “bí ẩn” ấy, cô bé mà những bà mẹ nuôi con bệnh gặp hằng ngày trong phòng sơ sinh của khoa nhi này. Đây cũng chính là ngôi nhà của Thuỳ Nhi suốt bốn năm qua. Và đúng như lời của những bà mẹ của trẻ sơ sinh nói, phòng có ba ca trực, mỗi ca ba người cộng thêm một người phụ trách hành chính, Thuỳ Nhi đều gọi là mẹ. Và không phải ngẫu nhiên mà cô bé 4 tuổi này lại gọi như thế.
Nữ điều dưỡng trưởng Trần Thị Hoài Thông là người mẹ lớn tuổi nhất của Thuỳ Nhi. Mẹ Thông cũng là người gắn bó và gần gũi nhất với cô bé này từ ngày Thùy Nhi trở thành thành viên của khoa nhi gần bốn năm trước. Điều dưỡng Thông nhớ rất rõ ngày Thùy Nhi chào đời. Đó là ngày 29-1-2013.
“Còn hơn một tháng nữa là Thuỳ Nhi tròn 4 tuổi. Chín y bác sĩ, một nhân viên hành chính trong khoa thay nhau làm mẹ của cháu. Điều này chưa từng xảy ra trước đây và cũng có thể là cả sau này. Bốn năm trời ròng rã đã qua…” – điều dưỡng Thông như nghèn nghẹn khi nhắc lại câu chuyện của Thuỳ Nhi.
Mẹ ruột của Thuỳ Nhi vào khoa phụ sản bệnh viện này sinh con. Vừa mới chào đời, Thuỳ Nhi đã có những dấu hiệu của dị tật. Hai chân và hai tay Thuỳ Nhi co quắp như gập lại. Nhìn đứa con mình dứt ruột sinh ra trong tật nguyền, người mẹ trẻ lẳng lặng bỏ đi. Cũng như những đứa trẻ có bệnh lý khác, Thuỳ Nhi được đưa về phòng sơ sinh bệnh lý của khoa nhi để chăm sóc.
Tại đây, sau khi kiểm tra, các bác sĩ phát hiện thêm nhiều bất thường khác tồn tại trong cơ thể đứa trẻ bất hạnh: tim nằm bên phải, không có phản xạ bú, nuốt, cơ hàm không hoạt động. “Cả mấy chị em đều lắc đầu vì không biết đứa trẻ sẽ vượt qua bằng cách nào để tồn tại” – điều dưỡng Thông kể.
Nơi ở hiện tại của Thuỳ Nhi là phòng trực của những người mẹ tại phòng sơ sinh bệnh lý – Ảnh: Quốc Nam |
Những ngày sau đó mới thật sự gian nan. Vì không có phản xạ bú, nuốt nên việc cho ăn hoặc uống sữa hằng ngày trở thành việc khó nhất. Không có cách nào khác, mỗi ca trực phải dùng ống luồn trực tiếp vào dạ dày để đưa chất dinh dưỡng vào cho Thuỳ Nhi.
“So với chăm sóc những trẻ bình thường thì chăm Thuỳ Nhi khổ hơn gấp nhiều lần. Nhưng mấy chị em an ủi nhau rằng cháu sinh ra bị tật nguyền đã quá bất hạnh rồi, mình mà bỏ rơi nữa thì cháu sống sao nổi” – điều dưỡng viên Nguyễn Thị Hồng Hạnh chia sẻ.
Mấy chị em trong khoa nhi tự phân công nhau chuẩn bị chế độ đặc biệt chăm sóc cho Thuỳ Nhi. Ban đầu, kinh phí mua sữa và sinh hoạt được trích từ quỹ từ thiện của bệnh viện. Sau đó, các y bác sĩ trong khoa liên hệ được với một số nhà hảo tâm giúp đỡ thêm chi phí nuôi Thùy Nhi.
Phòng sơ sinh bệnh lý mỗi ca có ba người trực. Ngoài công việc chính là chăm sóc các trẻ sơ sinh có bệnh lý, các y bác sĩ trong ca đó phải chịu trách nhiệm chăm sóc luôn cho Thuỳ Nhi. Thuỳ Nhi được sắm riêng một chiếc lồng nhỏ có bánh xe. Chiếc lồng này đặt ngay bên bàn làm việc của ca trực để các y bác sĩ trong ca tiện chăm sóc.
Mỗi ca phải cho Thuỳ Nhi tập vận động cơ hàm để nhai. Rồi tập dần cho Thuỳ Nhi phản ứng nuốt. Chưa kể phải lo tất cả việc tắm rửa, vệ sinh hằng ngày cho Thùy Nhi. Sáu tháng, một năm, rồi đến bốn năm trôi qua cùng theo một vòng quay mỗi ngày như thế.
“Thường trẻ sơ sinh dù có bị bỏ rơi đi chăng nữa chúng tôi chỉ chăm sóc một vài tháng rồi lại trả về khoa nhi, sau đó có thể làm thủ tục cho người nhận nuôi. Nhưng Thuỳ Nhi là một câu chuyện đặc biệt. Và mười y bác sĩ trong phòng sơ sinh bệnh lý này đã trở thành mẹ của Thuỳ Nhi lúc nào không hay” – điều dưỡng Thông nói.
Lo lắng tương lai
Đang dở câu chuyện thì Thuỳ Nhi thức dậy. Hơn một năm nay, Thuỳ Nhi đã lớn nên không thể nằm trong chiếc lồng trước đây được nữa. Căn phòng nhỏ, chỉ vừa đủ bỏ một chiếc giường hẹp dành cho cán bộ trực nghỉ ngơi trở thành phòng của Thuỳ Nhi. ThuỳNhi sau một thời gian được các “mẹ” tập luyện thì nay đã có thể tự lần từng bước đi từ giường ra ghế. Khoảng vài mét thôi, nhưng đôi bàn chân co quắp của Thuỳ Nhi cũng đỏ ửng lên.
Chừng ấy thôi nhưng các “mẹ” của Thuỳ Nhi đã mừng rơi nước mắt. Không ai nghĩ một ngày đôi chân kia có thể tự bước đi. “Mẹ Thông hết bệnh chưa? Răng trời lạnh mà mẹ Thông không mặc áo ấm?” – Thùy Nhi chủ động cất tiếng hỏi mẹ Thông bằng giọng trọ trẹ. Thật ra, Thùy Nhi phát âm vẫn rất khó khăn vì khả năng hoạt động của cơ hàm vẫn chưa hoàn thiện.
Đến giờ ăn, “mẹ” Hạnh nhận nhiệm vụ cho Thuỳ Nhi ăn. Cháo của Thuỳ Nhi cũng do một người “mẹ” khác phụ trách đi chợ nấu mang vào cho Thuỳ Nhi từ đầu mỗi ca trực. Sau khi đút từng thìa cháo cho Thuỳ Nhi ăn xong, các mẹ trong ca trực mới ngồi quây quần bên phần cơm hộp mua sẵn của mình.
Xong bữa cơm, tranh thủ lúc các trẻ sơ sinh khác vẫn đang ngủ, “mẹ” Hạnh và “mẹ” Linh rút từ trong ngăn bàn ra một tập sách gồm những tranh ảnh động vật và hoa quả. Hai người mẹ giở từng trang, chỉ từng loài vật, loại trái cho Thuỳ Nhi đánh vần theo.
“Thuỳ Nhi 4 tuổi rồi. Ngoài tay chân bị tật thì trí não của Thuỳ Nhi vẫn phát triển bình thường như những đứa trẻ khác. Nên các “mẹ” phải tính đến chuyện dạy cho Thuỳ Nhi quen dần với việc học. Bắt đầu bằng những hình ảnh đơn giản nhất như thế này” – “mẹ” Hạnh nói.
Mỗi đêm, các “mẹ” phải tranh thủ nắn bóp đôi bàn chân, bàn tay co quắp của Thuỳ Nhi với hi vọng một ngày bé sẽ đi lại được bình thường – Ảnh: Quốc Nam |
Lúc Thuỳ Nhi được 2 tuổi, qua nhiều kênh thông tin, một bác sĩ người Mỹ gốc Việt từ TP.HCM đã quyết định bay ra Đồng Hới phẫu thuật miễn phí chân và tay cho Thuỳ Nhi khỏi tình trạng co quắp. Viễn cảnh về đứa bé thân yêu với chân tay lành lặn khiến những người mẹ trong phòng sơ sinh bệnh lý này mừng đến run người.
Rồi người bác sĩ đó cũng đến thật. “Mẹ” Thông kể Thuỳ Nhi được đưa vào phòng mổ, dù không phải ca trực nhưng những người “mẹ” của Thùy Nhi cũng tập trung trước cửa phòng mổ nín thở ngồi chờ. Vừa đưa Thùy Nhi ra, thấy Thùy Nhi, các “mẹ” cùng ùa tới rồi khóc ngon lành khi thấy tay chân Thuỳ Nhi bị bó lại.
Tuy nhiên, may mắn đã không mỉm cười. Khi phẫu thuật, tay và chân của Thuỳ Nhi đã được kéo thẳng ra nhưng sau khi tháo bột lại bị gập như cũ. Điều “mẹ” Thông, “mẹ” Hạnh lo nhất là Thuỳ Nhi rồi sẽ lớn lên. Rồi cũng phải đi học, trong khi điều kiện ở phòng sơ sinh này chỉ dành cho trẻ sơ sinh. “Các “mẹ” cũng nghĩ tới việc gửi Thuỳ Nhi đến các trung tâm bảo trợ xã hội. Nhưng vẫn không đành, vì Thuỳ Nhi mang quá nhiều dị tật trên thân thể và chưa thể tự chăm sóc cho bản thân mình.
“Mẹ” Hạnh kể khi Thuỳ Nhi được hơn 1 tuổi, mẹ ruột của Thuỳ Nhi lại vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới để sinh con. Những người mẹ nuôi của Thùy Nhi nhận ra người mẹ này và quyết định đưa Thuỳ Nhi qua gặp mẹ ruột. Người mẹ này dù chỉ thấy con được vài ngày sau khi sinh, nhưng nhìn Thuỳ Nhi cũng nhận ra con mình. Tuy nhiên, ngay sau đó Thuỳ Nhi lại được trả về cho những người mẹ nuôi. Mấy ngày sau, người mẹ ruột này cũng bồng con lẳng lặng rời bệnh viện như lần trước, không một lời hỏi han đến Thuỳ Nhi cho đến nay. |