23/01/2025

Thị trường khoa học công nghệ không thể thiếu truyền thông

Vai trò của truyền thông được nhắc đến như một thành phần không thể thiếu trong mọi hoạt động kết nối, thúc đẩy, nuôi dưỡng thị trường khoa học công nghệ vốn còn khá non trẻ ở Việt Nam…

 

Thị trường khoa học công nghệ không thể thiếu truyền thông

 Vai trò của truyền thông được nhắc đến như một thành phần không thể thiếu trong mọi hoạt động kết nối, thúc đẩy, nuôi dưỡng thị trường khoa học công nghệ vốn còn khá non trẻ ở Việt Nam…

 

 

 

Thị trường khoa học công nghệ không thể thiếu truyền thông
Chiều 23-12, cán bộ Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM giới thiệu về máy lọc nước diệt vi khuẩn, tại Chợ trưng bày, giới thiệu thiết bị công nghệ ở số 79 Trương Định, quận 1, TP.HCM – Ảnh: H.THUẬN

Đây là một trong những điều được khẳng định tại cuộc trao đổi mở giữa các nhà khoa học, nhà sáng chế, doanh nghiệp, giới quản lý nhà nước và những người làm truyền thông, với chủ đề “Thị trường khoa học công nghệ và truyền thông”, vừa được tổ chức tại Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM vào sáng 23-12.

Nghẽn thông tin

Sự kết nối chặt chẽ của ba nhà (nhà khoa học – nhà quản lý – nhà doanh nghiệp) nhằm tạo ra những sản phẩm, dịch vụ khoa học công nghệ đạt chất lượng cao nhất, trong khả năng cho phép, là mong muốn của các bên liên quan. Song, nỗ lực này chẳng thể kết nối thông suốt với sản xuất, người tiêu dùng… nếu sự kết nối tiếp theo – cũng của ba nhà (nhà khoa học – nhà quản lý và nhà truyền thông) không được chú trọng đúng mức.

Còn ông Đoàn Hữu Đức – phó chủ tịch Hội Khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM – cho rằng công nghệ mang tính nhân bản, nên thị trường khoa học công nghệ là thị trường của lối sống, chứ không phải là thị trường của các viện hàn lâm khoa học. Ở góc độ này, theo ông Đức, cần đưa những gì có được của khoa học công nghệ đến với cuộc sống đời thường, gần gũi với cộng đồng, đừng đào sâu mãi với kiểu tư duy khoa học công nghệ là cái gì đó rất cao xa, vĩ mô…

Nhìn về phía truyền thông, cụ thể là báo chí, ông Đức kể lại rằng có một phóng viên lớn tuổi tâm sự với ông: hiện nay không ít phóng viên trẻ ở Việt Nam né tránh đề tài khoa học công nghệ, vì nó khô khốc, muốn viết cần hiểu chuyên môn, khó có người đọc.

Chính vì vậy, trong câu chuyện về vai trò của truyền thông đối với việc thúc đẩy, khơi thông… thị trường khoa học công nghệ, ông Đức nhấn mạnh: hãy bắt đầu từ đội ngũ các phóng viên.

Tìm thấy điểm tương đồng, ông Bùi Văn – giám đốc kênh truyền hình FBNC – cũng mang đến cuộc gặp gỡ nỗi trăn trở, đau đáu về đội ngũ làm báo trẻ trong lĩnh vực công nghệ. Ông thổ lộ khát khao luôn muốn nhìn thấy sự lăn xả, sự say mê đeo bám đề tài của lớp phóng viên theo mảng khoa học công nghệ…

Nuôi dưỡng thị trường non trẻ

Tại cuộc trao đổi mở này, có một thực tế khác được đặt ra, đó là nhà khoa học hay các nhà sáng chế… dường như không tìm được ngôn ngữ chung với đông đảo người sử dụng các sản phẩm, dịch vụ khoa học công nghệ có liên quan đến mình.

Một minh chứng rất cụ thể là đến với cuộc trao đổi, có nhà sáng chế giới thiệu loại vật liệu xây dựng mới của mình, được đánh giá là ích lợi, lạ… Ông đã dành khá nhiều thời gian nói về sáng chế của mình, nhưng nhiều người có mặt tại cuộc trao đổi lại chưa hiểu lắm về sáng chế của ông…

Trước thực tế như vậy, một số ý kiến cho rằng bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, thì cần có những tổ chức hay doanh nghiệp chuyên nghiệp có khả năng kết nối thông tin thông suốt với truyền thông, trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Cách này được xem là một trong những giải pháp hiệu quả để thẩm thấu, lan tỏa những gì có được của khoa học công nghệ đến với cuộc sống, sản xuất… và dần tạo nên thị trường sôi động, cạnh tranh, cũng chính là đầu ra rộng lớn cho ngành này.

Nhìn từ thực tế, TP.HCM đã sớm triển khai những cách làm để nuôi dưỡng thị trường khoa học công nghệ, mang tính kết nối cung – cầu trong nhiều năm nay. Đó là mô hình chợ công nghệ thiết bị thường xuyên; các loại chợ công nghệ, thiết bị đa ngành, chuyên ngành…

Ông Lương Tú Sơn – phó giám đốc Trung tâm thông tin và thống kê khoa học công nghệ, Sở Khoa học và công nghệ TP – cho biết trong năm 2016 sàn giao dịch công nghệ đã tiếp nhận 145 yêu cầu về công nghệ, thiết bị; cung cấp thông tin, kết nối tư vấn, chuyên gia… và đi đến ký kết thành công bảy hợp đồng chuyển giao công nghệ trị giá gần 8 tỉ đồng.

Theo ông Sơn, việc cung cấp thông tin, kết nối để hỗ trợ, thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ như vậy cũng chỉ mới là một nỗ lực. Báo chí, các kênh truyền thông cần chuyển tải nhiều hơn nữa thông tin ở lĩnh vực này, đặc biệt là truyền cảm xúc, kích thích cho khoa học phát triển tốt hơn.

Từ phía báo chí, nhiều ý kiến tại cuộc trao đổi cũng đã thẳng thắn đóng góp để sự kết nối truyền thông – doanh nghiệp tốt hơn. Ví dụ như trong một số sự kiện về khoa học công nghệ, các phóng viên thường nhận được thông tin nghèo nàn, thiếu chăm chút, chất lượng thông tin kém, kể cả việc không dành thời gian cho báo chí… Vì vậy, khi đối diện với những trở ngại này, báo chí gặp không ít khó khăn, dù muốn chuyển tải nhiều hơn thông tin cũng “lực bất tòng tâm”!

Tại cuộc trao đổi, nhiều điểm nghẽn của thị trường khoa học công nghệ đã được phân tích, và dĩ nhiên nghẽn thông tin cũng nằm trong phạm vi bàn luận này. Đã có nhiều đề xuất giải pháp tháo gỡ, cơ chế chính sách hỗ trợ để thúc đẩy thị trường này phát triển. Nhưng trước tiên, như ý kiến đồng tình của nhiều người, cần một sợi dây kết nối cung – cầu trong thị trường khoa học công nghệ tốt hơn, mà ở đó các kênh truyền thông hoạt động hiệu quả, đủ sức lan toả, có khả năng thẩm thấu nhanh vào đời sống…

Thạc sĩ Bùi Thị Kim Dung (giảng viên chính Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM):

Niềm tin vào thị trường rất quan trọng

Trên thực tế các nhà khoa học, nhà sáng chế… không có mấy người nói được ngôn ngữ của đông đảo những người sử dụng các sản phẩm, dịch vụ khoa học. Làm sao để giúp họ về sự trở ngại này? Đó chính là vai trò của truyền thông trong việc kết nối, thúc đẩy và đơn giản hóa ngôn ngữ khoa học, để lĩnh vực này thật sự gần gũi với mọi ngóc ngách của đời sống sản xuất, dân sinh.

Tôi cho rằng chính nhà truyền thông trong mối quan hệ “tay ba” (nhà khoa học – Nhà nước – nhà truyền thông) sẽ tạo nên những giá trị to lớn trong việc hình thành, nuôi lớn thị trường khoa học công nghệ. Cần xem đây là mảng kinh tế truyền thông thực thụ, còn rất tiềm năng và có giá trị lớn, chứ không đơn thuần chỉ đưa thông tin đến xã hội.

Tuy nhiên, truyền thông hiệu quả phải là phương thức truyền thông hai chiều – chuyển tải thông tin tin cậy về các sản phẩm, dịch vụ khoa học công nghệ; và lắng nghe, tiếp nhận những thông tin phản hồi, đòi hỏi từ cuộc sống, từ người dùng… Còn Nhà nước, trong mối quan hệ này phải hình thành cho được thể chế, để đảm bảo thị trường có niềm tin. Niềm tin là rất quan trọng, nên Nhà nước phải thể hiện cho được vai trò của mình trước đòi hỏi này.

QUỐC THANH, [email protected]