24/01/2025

Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2016: những “hạt mầm” khát vọng

Hôm nay 23-12, hội đồng bình chọn của Thành đoàn TP.HCM họp và bỏ phiếu bình chọn những gương mặt nổi bật nhất cho danh hiệu “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM” 2016 từ 11 ứng viên được chọn trong 126 đề cử.

 

Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2016: những “hạt mầm” khát vọng

 Hôm nay 23-12, hội đồng bình chọn của Thành đoàn TP.HCM họp và bỏ phiếu bình chọn những gương mặt nổi bật nhất cho danh hiệu “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM” 2016 từ 11 ứng viên được chọn trong 126 đề cử.

 

 

 

Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2016: những “hạt mầm” khát vọng
Từ trái qua: Lê Tú Chinh, Nguyễn Lạc Hà, Nguyễn Trung Hiếu và Nguyễn Viết Thanh – Ảnh: Q.NG. – K.ANH

Mới học lớp 6 nhưng bộ sưu tập huy chương, giải thưởng về toán học của Tô Huỳnh Phúc (Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) khiến nhiều người tò mò.

Những chiếc huy chương vàng ấy dẫn lối để cậu bé mặc sức tung tẩy với môn học trí tuệ, nhất là trước những bài toán hóc búa. Có kỳ thi Phúc đạt kết quả gần như tuyệt đối, 99,6/100 điểm.

“Em cứ làm thôi, bài nào chưa tìm ra cách giải thì đọc sách, tìm trên mạng chứ không bỏ cuộc vì khi tìm ra một lời giải, cảm giác rất 
thích” – Phúc khoe.

Được sát cánh cùng đồng đội góp sức mình giữ bình yên cho người dân TP, nhìn thấy nụ cười, nghe câu cảm ơn của bà con khi được nhận lại tài sản bị cướp, mọi gian khó sẽ chẳng là gì. Tội phạm mới xuất hiện và ngày càng tinh vi nên mong mỗi người dân cùng cảnh giác cao nhất để giữ gìn sự bình an cho chính mình, đừng vô tình tạo cơ hội cho tội phạm

LÊ THANH VỦ

Vươn tới chân trời 
khoa học

Bà Huỳnh Thanh Hà – mẹ Phúc – cho biết ngay lúc chưa vào lớp 1, cậu bé đã có thể đọc và viết tốt nhờ lấy sách của anh trai tự học. Gia đình cũng không ép học nhưng thói quen làm bạn với những con số đã đi theo cậu bé từ nhỏ. Ngay cả lúc giải trí, Phúc cũng chọn làm toán chứ không phải các trò chơi như bạn bè đồng lứa khác.

 

Cũng mê và hiện có trong tay huy chương bạc Olympic toán quốc tế 2016, Phạm Nguyễn Mạnh (Trường phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM) tiết lộ bạn đang cố gắng để trở thành một trong những đại diện của VN và đổi màu huy chương trong kỳ thi này năm tới. Mạnh học toán mọi lúc mọi nơi, tập tính nhẩm và chỉ dùng đến giấy khi tắc ở khâu nào đó mà trong đầu chưa nhẩm ra.

Mạnh nói toán học là đam mê của cuộc đời và muốn được gắn bó lâu dài với môn này. Nên định hướng du học cũng là một thử thách mà bạn đang tìm cách chinh phục dù đó không phải là điều quá khó với hành trang sẵn có của Mạnh.

Thú vị là ngoài toán, Mạnh rất thích học lịch sử vì “mình có được những bài học kinh nghiệm để vận dụng trong từng hoàn cảnh cụ thể của bản thân từ những bài học sử của cha ông”.

Trong khi đó, việc trở thành nghiên cứu sinh tại Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (ĐH Quốc gia TP.HCM), bỏ qua giai đoạn cao học là một cột mốc đáng nhớ với Nguyễn Lạc Hà, chàng trai đến từ Cần Thơ.

Nhìn vào kết quả công bố những bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành uy tín của thế giới lung linh là thế, song như anh tự nhận “đã có lúc thất bại đau đớn suốt mấy năm đầu khi quyết định dấn thân vào con 
đường làm khoa học”.

Luận án tiến sĩ đã hoàn thành, Hà đang chờ phản biện để bảo vệ chính thức. Luận án mà Hà nói đã mất hơn hai năm định hình hướng nghiên cứu và bắt tay vào viết, chưa kể thất bại trước đó cùng với rất nhiều sự chia sẻ của các thầy cô cùng những người thân.

“Tôi luôn tự đấu tranh với bản thân, nguyên tắc là không tự bó buộc mình, phải luôn tìm cái mới, ngay cả thất bại cũng cần tìm nguyên nhân để có thể chọn được hướng đi tốt nhất” – Hà bộc bạch.

Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2016: những “hạt mầm” khát vọng
Từ trái qua: Tô Huỳnh Phúc, Phạm Nguyễn Mạnh, Lê Thanh Vủ và Bùi Vũ Nguyệt Minh – Ảnh: Q.NG. – Q.ĐỊNH

Thành công từ khổ luyện

5 tuổi, Bùi Vũ Nguyệt Minh đã bộc lộ năng khiếu và 8 tuổi đã chính thức trở thành học viên piano hệ trung cấp của Nhạc viện TP.HCM. Ngày học văn hoá, tối đi học đàn tại nhạc viện, đến năm lớp 8 thì Minh phải chuyển qua Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.10 học để có nhiều thời gian hơn cho việc luyện ngón đàn, biểu diễn và tham gia các cuộc thi piano trong nước, quốc tế. Giải thưởng về piano trong nước lẫn quốc tế đến nay khấm khá lắm rồi.

Hiện Minh là trợ lý cho GS.TS Tom Zelle – nhạc trưởng người Đức, hiện giảng dạy tại ĐH North Park tại Chicago (Mỹ). Cô bé ấy vừa giành giải ba cuộc thi piano quốc tế lần 8 International Piano Memorial Isidor Bajic tổ chức tại Serbia và đậu bậc dự bị ĐH Indiana (Mỹ), tuyển thẳng vào studio của huyền thoại âm nhạc Menahem Pressler, một trong những nghệ sĩ dương cầm hàng đầu thế giới. Nhiều cánh cửa mở ra với tài năng âm nhạc ấy, gần nhất là chương trình Piano MERIT – Music Academy of the West (Mỹ) mà Minh là một trong những sinh viên quốc tế đầu tiên chiến thắng học bổng này.

11 tuổi, Lê Tú Chinh bén duyên với đường chạy sau sự kiện thầy thể dục đăng ký cho thi đấu toàn trường và giành luôn giải nhất. Năm 2008, Chinh có mặt trong đội điền kinh của TP và năm 2015 đã ghi tên mình vào đội tuyển trẻ quốc gia.

Bảy HCV, một HCB các giải đấu quốc gia, quốc tế trong năm 2016, đặc biệt HCV 200m nữ giải vô địch trẻ châu Á là thành quả khiến nhiều đối thủ e dè, tưởng thưởng xứng đáng cho những tháng ngày khổ luyện trên đường chạy của cô gái sớm mồ côi mẹ ấy. Cô gái thể thao này hiện đang là sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Sư phạm thể dục thể thao.

Bốn năm đầu quân về Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Đức (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) đóng tại vùng sâu tỉnh Bình Phước, y sĩ Nguyễn Viết Thanh (28 tuổi), trưởng khoa tâm thần, đã “cùng ăn, cùng ở” với người bệnh tâm thần. Anh đã tìm nhiều cách để có những phương pháp hỗ trợ nâng đỡ tinh thần, tăng hiệu quả điều trị.

Từ việc khám và sàng lọc, khoảng 50 bệnh nhân tương đối tỉnh được anh và đồng nghiệp chọn ra để có chế độ sinh hoạt, lao động kèm phác đồ điều trị hợp lý. Và 14 bệnh nhân đã phục hồi ký ức, nhớ lại gia đình, được về nhà.

Những ngày tết, Thanh thường chọn ăn tết cùng bệnh nhân bởi với anh, bệnh nhân như người thân, có gì họ cũng kể anh nghe. “Ở vùng sâu, chúng tôi khó có điều kiện tham gia các khoá học nâng cao trình độ nên hầu như phải học qua Internet, tự tìm thêm từ sách chuyên 
ngành” – Thanh chia sẻ.

Với “kỹ sư nông dân” Nguyễn Trung Hiếu, kiến thức từ ĐH Nông lâm TP.HCM cùng những ngày làm thuê ở trại cá giúp anh tự tin quyết định ra riêng, gầy dựng trại cá giống Trung Hiếu (H.Củ Chi). Cũng thất bại “lên bờ xuống ruộng”, nhiều đêm mất ngủ, thử nghiệm nhiều cách và Hiếu đã tìm ra bí quyết nhân giống thành công cá lăng.

Anh nông dân ấy giờ đã có thể cười thật tươi vì bí quyết mới giúp số cá giống sau mỗi lần “ép” thu được nhiều hơn gấp chục lần so với quy trình cũ. Và mỗi tháng khoảng 3-5 triệu con cá giống từ trại cá Trung Hiếu đã đi nhiều tỉnh trên cả nước.

11 ứng viên

* Nguyễn Trung Hiếu (30 tuổi) – chủ trại cá giống Trung Hiếu (H.Củ Chi).

* Đoàn Thiên Phúc (27 tuổi) – giám đốc điều hành Công ty cổ phần giải pháp phần mềm SetechViet.

* Lê Thanh Vủ (26 tuổi) – đội CSHS đặc nhiệm PC45 Công an TP.HCM.

* Lê Duy Phúc (25 tuổi) – Trung tâm Điều độ hệ thống điện TP.HCM.

* Nguyễn Viết Thanh (28 tuổi) – Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Đức (Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM).

* Tô Huỳnh Phúc (11 tuổi) – lớp 6A5 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.

* Phạm Nguyễn Mạnh (17 tuổi) – lớp 12 chuyên toán Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM).

* Nguyễn Xuân Giềng (23 tuổi) – trợ giảng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).

* Nguyễn Lạc Hà (27 tuổi) – nghiên cứu sinh Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (ĐH Quốc gia TP.HCM).

* Bùi Vũ Nguyệt Minh (16 tuổi) – lớp 8/9 piano hệ trung cấp Nhạc viện TP.HCM.

* Lê Tú Chinh (19 tuổi) – vận động viên điền kinh Trung tâm TDTT Thống Nhất.

Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2016: những “hạt mầm” khát vọng
Đoàn Thiên Phúc (trái) và Nguyễn Xuân Giềng – Ảnh: Q.NG.

Tự tin khởi nghiệp

Đoàn Thiên Phúc và Nguyễn Xuân Giềng xuất thân từ ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), chọn con đường khởi nghiệp dẫu biết có không ít gian nan.

Đoàn Thiên Phúc cho biết bạn đang ở chặng đường xây dựng nền tảng, hình thành hệ thống khách hàng. Phúc chia sẻ: “Tôi nghĩ với bất cứ trường hợp khởi nghiệp nào, lĩnh vực nào, điều này cũng rất cần thiết và tạo đà cho những bước vững chắc sau này”.

Còn Nguyễn Xuân Giềng thì đang cùng các bạn khác trong nhóm khởi nghiệp làm sản phẩm khung tranh thông minh. Hiện các bạn đang tìm đối tác phù hợp để đưa sản phẩm ra thị trường sớm nhất có thể. Anh nói: “Tôi thấy hệ sinh thái khởi nghiệp của TP.HCM đang rất tốt nên không chỉ người trẻ mà cả những người không còn trẻ nữa đều có cơ hội khởi nghiệp. Điều tôi tự nhắc mình và cũng muốn nói với bạn bè là phải chuẩn bị đủ các điều kiện liên quan mới khởi nghiệp, không xem chuyện này như một phong trào”.

Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2016: những “hạt mầm” khát vọng
Lê Duy Phúc – Ảnh: K.ANH

Ghi tên mình vào nhiều sáng kiến

Với anh Lê Duy Phúc, Trung tâm Điều độ hệ thống điện (Tổng công ty Điện lực TP.HCM), năm 2016 là thời điểm anh ghi tên mình vào nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu được công nhận, ứng dụng thực tế. Sáng kiến “Thực hiện thu thập dữ liệu đo lường các ngăn trung thế phục vụ vận hành tại trạm 220kV Bình Tân và Hiệp Bình Phước” đã giúp giảm chi phí, tiết kiệm hơn 430 triệu đồng.

Hay đề tài nghiên cứu “Ứng dụng hệ thống tự động hóa cho trạm ngắt theo giao thức IEC 61850” của anh Phúc được đánh giá cao, tiết kiệm hơn 500 triệu đồng khi đầu tư mỗi trạm hệ thống. Tính ra, với 10 trạm đã được lắp đặt, đơn vị tiết kiệm hơn 5 tỉ đồng. Hiện nay anh Phúc và nhiều đồng nghiệp ở trung tâm đang theo học cao học để nâng cao trình độ, phục vụ trực tiếp cho công việc ở đây.

QUỐC LINH – KIM ANH