Nhìn từ sàn đấu giá tranh Việt
Những bức tranh tiền tỉ, hay những triển lãm, giải thưởng mỹ thuật hàng tỉ đồng… giờ đây không còn là cú sốc nữa, mà hoàn toàn là một hướng đầu tư đầy tiềm năng vào thị trường mỹ thuật Việt Nam.
Nhìn từ sàn đấu giá tranh Việt
Những bức tranh tiền tỉ, hay những triển lãm, giải thưởng mỹ thuật hàng tỉ đồng… giờ đây không còn là cú sốc nữa, mà hoàn toàn là một hướng đầu tư đầy tiềm năng vào thị trường mỹ thuật Việt Nam.
Bức Thiếu nữ (lụa) của Lê Văn Xương do chính con gái ông (nhân vật trong bức ảnh) giới thiệu được bán với giá 22.500 USD – Ảnh: DUYÊN PHAN |
Tối 17-12, phiên đấu giá tranh đầu tiên của Lythi Auction diễn ra tại khách sạn Caravelle (TP.HCM). Được kỳ vọng là sàn đấu giá tranh thực sự đầu tiên tại Việt Nam, buổi đấu giá của Lythi Auction đã thu hút đông đảo người mua tranh, hoạ sĩ, công chúng quan tâm… tham dự.
Chưa chuyên nghiệp như kỳ vọng
Tuy nhiên, buổi đấu giá để lại cho người tham gia những cảm xúc “buồn thương” lẫn lộn. Không phải lý do là số ít tranh bán được, bởi vì đó là điều được dự đoán trước. Sự chưa thỏa mãn của người tham dự nằm ở chỗ tính chuyên nghiệp của một phiên đấu giá tranh.
Phiên đấu giá tối 17-12 có vẻ nằm trong “quỹ đạo” xưa nay của thị trường mỹ thuật, nghĩa là tranh được lùng mua thường là tranh của các hoạ sĩ… đã mất. Các bức tranh của các họa sĩ đã qua đời như Lê Phổ, Trần Đông Lương, Lê Văn Xương… đều bán được, dù giá gõ búa không chênh lệch so với giá khởi điểm là mấy.
Còn lại, tranh các họa sĩ đương đại nổi tiếng Việt Nam hiện nay như Lê Thiết Cương, Lê Kinh Tài, Bùi Tiến Tuấn, Nguyễn Hoài Hương, Lương Lưu Biên… đều không bán được.
Tuy nhiên, số tranh không bán được hay những trục trặc của khâu âm thanh, ánh sáng… không phải là sự thất bại của một phiên đấu giá. Nhiều hoạ sĩ bày tỏ sự không hài lòng về việc điều hành cứng nhắc của nhà đấu giá.
Nhiều nhà sưu tập được họa sĩ mời tới lẳng lặng rời buổi đấu giá giữa chừng, với lời xin lỗi nhã nhặn: “Thực sự mình không đòi hỏi nhiều ở phiên đấu giá đầu tiên, nhưng cũng không nghĩ rằng một phiên đấu giá mỹ thuật lại thiếu chuyên nghiệp như thế này…”.
Việc người điều hành gợi ý giá cụ thể cho người tham gia, hoặc gọi điện thoại, bật loa ngoài, công bố tin nhắn, tên người tham gia đấu giá… khiến cho những người từng đi đấu giá tranh chỉ biết nhìn nhau… cười đau khổ(!).
Chứng kiến buổi đấu giá, bà Mã Thanh Cao – nguyên giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM – tâm sự: “Tôi cảm thấy vừa buồn lại vừa thương. Tôi thương vì đây là việc nên làm. Thị trường mỹ thuật cần có một nơi như vậy. Nhưng tôi cũng buồn vì họ đã chuẩn bị không kỹ lưỡng. Lẽ ra họ phải có tính chuyên nghiệp cao hơn!”.
Bước chuyển động ngầm
Có thể sự khởi đầu chưa trọn vẹn, nhưng sự ra đời của Lythi Auction đang là một hoạt động trong những dự án đón bắt thị trường mỹ thuật Việt Nam.
Còn nhớ hồi cuối năm 2015, Urban Art – một nhà đầu tư nước ngoài – đã đánh dấu sự tham gia thị trường mỹ thuật Việt Nam bằng triển lãm bề thế của họa sĩ Lê Kinh Tài, Nguyễn Quang Vinh, điêu khắc gia Bùi Hải Sơn ở GEM Center (TP.HCM).
Gần đây, cuộc thi tìm kiếm tài năng trẻ The V-Art đã công bố tên tuổi 20 họa sĩ vào chung khảo, với số tiền hứa hẹn đầu tư cho những giải thưởng ở mức 2,5 tỉ đồng trong vòng năm năm. Tất cả được kỳ vọng tạo nên cú hích cho thị trường mỹ thuật Việt Nam.
Cách đây vài năm, một gallery ở Singapore đã đầu tư cho loạt tranh của hoạ sĩ Lê Kinh Tài với số tiền 4,8 tỉ đồng – con số được xem như một cú sốc. Nhưng giờ đây, những khoản tiền tỉ như vậy đang được xem là bình thường và hoàn toàn nghiêm túc của các nhà đầu tư dành cho thị trường mỹ thuật Việt Nam.
Và giờ đây, sự ra đời của sàn đấu giá Lythi Auction được xem là bước đón đầu cho nhu cầu đầu tư vào tranh Việt đang “rục rịch” những bước chuyển động ngầm nhưng đầy hứa hẹn.
Trong buổi đấu giá tranh tối 17-12, bức Mẫu đơn đỏ (sơn dầu) của Lê Phổ bán được 40.000 USD (giá khởi điểm 30.000 USD). Bức Chân dung thiếu nữ (chì trên giấy) của Trần Đông Lương được bán 23.000 USD (giá khởi điểm 22.000 USD). Bức Thiếu nữ (lụa) của Lê Văn Xương bán 22.500 USD (giá khởi điểm 22.000 USD). Bức Hoa cẩm chướng (sơn dầu trên lụa) của Nguyễn Ngọc Đan bán 2.500 USD (giá khởi điểm 2.000 USD). |