23/12/2024

“Ngân hàng thực đơn” 360 món cho trẻ

Bữa ăn học đường hiện nay ra sao và cần tháo gỡ gì cho các trường học là những vấn đề được nêu trong hội nghị triển khai phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng thuộc dự án Bữa ăn học đường do Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế tổ chức ngày 15-12 .

 

“Ngân hàng thực đơn” 360 món cho trẻ

 Bữa ăn học đường hiện nay ra sao và cần tháo gỡ gì cho các trường học là những vấn đề được nêu trong hội nghị triển khai phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng thuộc dự án Bữa ăn học đường do Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế tổ chức ngày 15-12 .

 

 

 

"Ngân hàng thực đơn" 360 món cho trẻ
Dự án Bữa ăn học đường tại Đà Nẵng – Ảnh: T.H.

“Nhật Bản có luật về dinh dưỡng học đường từ năm 1954, theo đó cán bộ phụ trách dinh dưỡng trong mỗi trường học không chỉ là người lên thực đơn cho trẻ mà còn là người đảm trách việc giáo dục về dinh dưỡng” – ông Hiroharu Motohashi, tổng giám đốc Công ty Ajinomoto Việt Nam, chia sẻ tại hội nghị.

Đổi nhận thức về bữa ăn

Hiện nhiều bếp ăn bán trú trong các nhà trường mới chỉ đáp ứng nhu cầu ăn trưa cho trẻ chứ chưa thiết kế được một bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng để giải quyết những bất cập liên quan tới chiều cao, thể lực cho trẻ em.

Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng quốc gia Việt Nam, hiện vẫn phải tiếp tục đương đầu với thách thức lớn về dinh dưỡng trong đó có gánh nặng kép là tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em khu vực nông thôn và tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em thành phố.

Ngoài ra, còn tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn phổ biến ở cả trẻ em khu vực nông thôn và thành phố.

Từ năm 2012 dự án Bữa ăn học đường được thực hiện với sự đề xuất phối hợp thực hiện của Công ty Ajinomoto Việt Nam với sở GD-ĐT các tỉnh, thành.

Cụ thể tại TP.HCM, dự án triển khai ở 245 trường với trên 220.000 học sinh. Tại Đà Nẵng có 96 trường triển khai, với 53.000 học sinh. Tại Hải Phòng có 100 trường tham gia, với 50.000 học sinh.

Dự án đã xây dựng mô hình bếp ăn bán trú, hỗ trợ các nhà trường xây dựng khẩu phần ăn, thực đơn cho học sinh đảm bảo dinh dưỡng, loại bỏ các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Kết quả khảo sát tại Đà Nẵng, TP.HCM cho thấy có 81,5% ý kiến đánh giá thực đơn do dự án cung cấp đã kết hợp đa dạng thực phẩm; 93,6% đánh giá thực đơn cân bằng về dinh dưỡng…

Trước những kết quả thực hiện có ý nghĩa của dự án, năm 2016, Bộ GD-ĐT tổ chức khảo sát tình hình bữa ăn bán trú tại 63 tỉnh, thành. Có 3.692 trường học có bán trú, với 95% trường có bếp ăn tập trung với số học sinh trên 2,6 triệu.

Hầu hết ý kiến thu nhận đều cho biết cần cải thiện việc lên thực đơn bữa ăn và tập huấn chuyên môn về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm cho nhà bếp, nhân viên nhà bếp, y tế trường học và giáo viên bộ môn liên quan.

Ông Ngũ Duy Anh, vụ trưởng Vụ Công tác HSSV, Bộ GD-ĐT, đã khẳng định với việc thực hiện dự án Bữa ăn học đường, cái được đầu tiên là thay đổi nhận thức của các nhà trường, của ngành GD-ĐT, của phụ huynh, cán bộ, giáo viên về việc cung cấp bữa ăn cho học sinh, tầm quan trọng trong việc thiết kế bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ em.

Hấp dẫn thực đơn

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã ban hành quyết định số 5020/QĐ-BGDĐT về việc thành lập hội đồng thẩm định phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng.

Phần mềm đã được hội đồng đánh giá có giá trị thực tiễn đối với trẻ em, học sinh và nhất trí đề nghị triển khai nhân rộng phần mềm tới các trường tiểu học bán trú trên phạm vi toàn quốc vào ngày 11-11-2016.

Dự kiến, phần mềm cung cấp miễn phí cho các trường tiểu học có bếp ăn bán trú trên toàn quốc qua website của dự án Bữa ăn học đường: www.buaanhocduong.com.vn từ tháng 1-2017.

Phần mềm này sẽ cung cấp một ngân hàng thực đơn phong phú gồm 120 thực đơn sẵn có với trên 360 món ăn không lặp lại cho bữa trưa đã được cân bằng dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi, đa dạng và ngon miệng, được phân chia theo 3 khu vực miền Bắc, Trung và Nam.

Phần mềm này còn giúp các trường tạo thực đơn mới bằng cách kết hợp các món ăn có sẵn trong ngân hàng thực đơn để tạo ra thực đơn ngon miệng và cân bằng dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, phần mềm giúp các trường có thể tự tạo thực đơn mới bằng các nguyên liệu tự chọn phù hợp với địa phương và kiểm tra tính dinh dưỡng của các thực đơn nhà trường hiện đang sử dụng. Đồng thời giúp nhà trường tính toán và quản lý chi phí bữa ăn của học sinh.

Cùng với phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, dự án Bữa ăn học đường cũng triển khai apphich minh họa thực phẩm “3 phút thay đổi nhận thức” cho các trường tiểu học bán trú để giáo dục học sinh về dinh dưỡng và công dụng của thực phẩm, qua đó khuyến khích học sinh ăn đa dạng các loại thực phẩm, đặc biệt là hình thành thói quen ăn nhiều rau củ tốt cho sức khoẻ.

“Phát biểu tại Hội nghị, TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế nhận định Phần mềm Xây dựng Thực đơn Cân bằng Dinh dưỡng thuộc Dự án Bữa ăn học đường đã xây dựng được các bữa ăn hợp khẩu vị, đa dạng và phong phú về thực phẩm, phù hợp với tùng vùng miền, thuận lợi cho các trường tiểu học có bán trú thực hiện”

“Dự án còn hỗ trợ công cụ giáo dục dinh dưỡng “3 phút thay đổi nhận thức” nhằm giáo dục học sinh kiến thức về dinh dưỡng, giúp các em hào hứng với bữa ăn và tập được thói quen ăn lành mạnh, đa dạng thực phẩm hơn. Cục Y tế dự phòng đánh giá cao công ty Ajinomoto Việt Nam đã cùng Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế triển khai dự án cũng như hỗ trợ hiệu quả công tác tổ chức bữa ăn bán trú trong nhà trường, góp phần nâng cao dinh dưỡng, sức khỏe và thể trạng cho thế hệ tương lai”.

Phần mềm là công cụ hữu ích trong việc giúp nhà trường xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, có thể triển khai rộng rãi ở các trường học trên toàn quốc”

(Ý kiến hội đồng thẩm định của Bộ GD-ĐT)

“Phương pháp triển khai xây dựng phần mềm đảm bảo tính khoa học, đạt độ tin cậy cao. Phần mềm có tính ứng dụng cao, tiện dụng và có tính phân quyền cao”

(Ý kiến hội đồng thẩm định của Viện Dinh dưỡng quốc gia)

“Hậu quả của thừa cân, béo phì có nhiều nguy cơ gây bệnh rối loạn mỡ máu, đái tháo đường ở trẻ em. Đây là vấn đề chưa được các bậc phụ huynh cũng như các nhà trường quan tâm đúng mức”

(TS Bùi Thị Nhung – trưởng khoa dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia)

 
V.HÀ