Học phí chất lượng cao gấp 100 lần học phí thường
Chưa khẳng định được thực sự rõ rệt về chất lượng cao trong trường công, nhưng lại cho tăng học phí lên gấp trăm lần so với trường công lập khiến dư luận có quyền nghi ngại về quyết định vội vàng của Hà Nội.
Học phí chất lượng cao gấp 100 lần học phí thường
Chưa khẳng định được thực sự rõ rệt về chất lượng cao trong trường công, nhưng lại cho tăng học phí lên gấp trăm lần so với trường công lập khiến dư luận có quyền nghi ngại về quyết định vội vàng của Hà Nội.
HĐND TP.Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND, ngày 17.7.2013 về “Cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn thủ đô”. Trong đó có quy định mức trần học phí của cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao (CLC) được áp dụng từ năm học 2016 – 2017 đến hết năm học 2019 – 2020.
Cụ thể, đối với trường mầm non, tiểu học năm học 2016 – 2017 là 3,9 triệu đồng/học sinh (HS)/tháng, mỗi năm học tăng thêm 40.000 đồng/tháng, đến năm học 2019 – 2020 là 5,1 triệu đồng/HS/tháng. Với bậc THCS, THPT năm học 2016 – 2017 là 4,1 triệu đồng/HS/tháng, mỗi năm học tăng thêm 40.000 đồng/tháng, đến năm học 2019 – 2020 là 5,3 triệu đồng/HS/tháng (hiện hành là 40.000 đồng/tháng).
Lý giải của Sở GD-ĐT Hà Nội về đề xuất tăng mức trần học phí là nhằm mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2016 – 2020 toàn TP đầu tư xây dựng thêm 20 trường công lập CLC, tiếp cận với chuẩn khu vực và quốc tế.
Theo thống kê của Phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở GD-ĐT Hà Nội: Ngân sách đầu tư thêm để “biến” những trường công lập bình thường thành trường CLC là khá lớn, như xây dựng mới Trường THCS Nam Từ Liêm 97 tỉ đồng, Trường tiểu học khu đô thị Sài Đồng được đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị với tổng kinh phí 40 tỉ đồng, Mẫu giáo Việt Triều 6,5 tỉ đồng…
TIN LIÊN QUAN
Học phí trường công chất lượng cao có thể lên tới 5,3 triệu đồng/tháng
Liên Sở GD-ĐT và Sở Tài chính Hà Nội vừa đề xuất mức trần học phí tăng cao nhất là 5,3 triệu đồng/học sinh/tháng cho năm học 2019 – 2020 đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao.
Chất lượng có tăng gấp… 100 lần?
Bình luận về mức học phí này, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh, nói: “Tôi chưa hiểu CLC là cao về cái gì? Nhưng xem ra thì cao về học phí là chắc chắn. Trường Lương Thế Vinh là tư thục, nhà nước không cho một đồng nào… thế mà chỉ dám thu học phí 1,5 triệu đồng/tháng. Tôi không hiểu thu học phí 5 triệu đồng/tháng thì tiêu gì cho hết tiền? So với học phí của THPT bình thường thì trường CLC gấp đến 100 lần”.
Tuy nhiên, ngay cả những yêu cầu về CLC theo đề án của Hà Nội thì chính bản thân các trường cũng cho rằng rất phi thực tế nên không khả thi, ví dụ về chất lượng đội ngũ, tiêu chí với trường CLC là phải có 40% giáo viên dạy giỏi. Hiệu trưởng một trường THPT CLC ở Hà Nội chỉ ra rằng hiện nay mỗi năm trường chỉ cử được 3 giáo viên đi thi, mà không phải ai cũng đoạt giải, do vậy trong khoảng 5 năm tới, các trường CLC có cố gắng lắm cũng chỉ đạt tỷ lệ 20% giáo viên giỏi.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cũng từng phát biểu đã là trường CLC thì các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chuẩn đầu ra… phải đảm bảo CLC. Do vậy, không thể hôm nay ra quyết định, ngày mai một trường đã trở thành CLC ngay được. Để thực sự là trường CLC, phải là công sức, tâm huyết và trách nhiệm chắt chiu từng ngày của cả tập thể.
Phụ huynh chưa tin
Theo luật Thủ đô, đối với trường phổ thông bình thường muốn phát triển thành trường CLC phải qua 3 bước. Trước hết phải qua thẩm định, đảm bảo được là trường chuẩn sau đó mới xây dựng theo tiêu chí CLC… Tuy nhiên, phụ huynh còn rất nghi ngại và khó đoán định về CLC ở những cơ sở công lập.
Một phụ huynh từng chuyển con khỏi trường công lập khi trường đó được thực hiện theo mô hình trường CLC, thu học phí cao, cho biết: “Vẫn cơ sở vật chất đó, đội ngũ đó, đầu tư thêm ít máy móc, giảm bớt sĩ số HS… nhưng mức học phí thì tăng đột ngột khiến tôi không đủ niềm tin rằng chất lượng sẽ cao tương ứng với học phí”.
Một phụ huynh khác cho hay khi trường công tăng học phí với lý do là trường CLC thì chị gửi con vào trường tư thục. Chị cho rằng, không ít trường tư thục đầu tư bài bản ngay từ đầu, họ có quyền tuyển dụng giáo viên tốt, hơn nữa mối quan hệ giữa nhà trường với gia đình ở các trường tư cởi mở hơn rất nhiều nên trao đổi thông tin thường thẳng thắn hơn. “Tôi không tin chỉ vì được thu học phí cao mà hiệu trưởng và đội ngũ giáo viên lâu nay là trường công lại thay đổi được thói quen điều hành, ứng xử ngay được”, vị phụ huynh này nêu lý do.
Tại hội thảo “Xây dựng và phát triển trường CLC Hà Nội giai đoạn 2013 – 2015” do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức năm 2015, các trường được công nhận CLC cũng tỏ ra lo lắng khi việc giảm sút số HS do phụ huynh chuyển trường cho con khiến nguồn thu không bảo đảm để duy trì các điều kiện đáp ứng được mô hình trường CLC.
Sở GD-ĐT Hà Nội cũng thừa nhận một trong những khó khăn gặp phải sau một năm thực hiện chuyển đổi mô hình trường CLC là sĩ số HS bị giảm sút, thấp hơn so với đề án đặt ra.
Muốn học phí cao nhưng không muốn bỏ “bao cấp”
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, đối với các cơ sở giáo dục công lập CLC được nhà nước cấp kinh phí trong 3 năm kể từ khi được công nhận theo lộ trình giảm dần. Kết thúc 3 năm, các cơ sở này tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên.
Trên thực tế, một số trường đang lợi dụng việc cho phép thí điểm trường CLC để vừa được thu học phí cao vừa chưa phải chứng minh đạt được CLC ở những điều kiện giáo dục nào. Có trường còn kêu khó và đề nghị vẫn được cấp 100% ngân sách để trả lương cho giáo viên vì tuyển sinh không đủ chỉ tiêu.
GS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội, trong quá trình góp ý vào đề xuất nâng trần học phí trường CLC đã đề nghị: “Sau khi thí điểm mô hình CLC 5 năm, Sở GD-ĐT Hà Nội cần có đánh giá chi tiết về những cơ sở không đạt CLC, làm rõ vì sao không đạt được và nếu cần thiết có thể chấm dứt chứ không nên kéo dài, gây nên sự hiểu lầm của phụ huynh”.
Còn GS Nguyễn Lộc, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN, nêu quan điểm: “Nên có hỗ trợ về chính sách (như cấp đất, thuê đất) cho hệ thống trường tư để họ xây dựng trường CLC thực sự mà không phải thu học phí quá lớn do gánh nặng về tiền mua đất, thuê đất xây trường như hiện nay. Người giàu có thu nhập cao, muốn con em học trường tốt hơn, thì chọn trường tư”.
Chất lượng có cao tương ứng?
Năm học 2006 – 2007, Sở GD-ĐT TP.HCM chọn Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3) thí điểm mô hình trường tiên tiến có mức học phí xấp xỉ 900.000 đồng/tháng, cao gấp 30 lần học phí các trường THPT bình thường vào thời điểm đó. Sĩ số khoảng 30 HS/lớp (trong khi các trường công khác từ 40 – 50 HS/lớp), học 2 buổi/ngày cùng trang thiết bị hiện đại, rèn kỹ năng…
Trong báo cáo tổng kết thực hiện mô hình này của trường, từ năm học 2007 – 2008, trường đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100% và đậu ĐH, CĐ từ 70 – 98%. Tuy nhiên, những thành tích này không khiến các trường THPT khác “tâm phục khẩu phục”. Đã có một hiệu trưởng trường THPT phản biện rằng, so sánh với bảng xếp hạng các trường THPT toàn quốc có chất lượng của Bộ GD-ĐT (với tiêu chí điểm thi và quy mô dự thi ĐH, CĐ), có nhiều năm trường này không lọt vào bảng xếp hạng hoặc nếu có thì thứ hạng còn thua mấy trường thường ở khu vực ngoại thành.
Theo tìm hiểu của PV Báo Thanh Niên, lứa HS đầu tiên của trường theo mô hình này, sau khi tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 đạt kết quả xếp hạng 123/200 trường. Chỉ tính riêng tại TP.HCM, Trường THPT Lê Quý Đôn xếp sau các trường như THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), Nguyễn Hữu Cầu (H.Hóc Môn). Đến năm 2010, trường xếp hạng 173 và tiếp tục đứng sau các trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Hữu Huân, Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận), Nguyễn Công Trứ (Q.Gò Vấp), Mạc Đĩnh Chi (Q.6).
Đến năm học 2012 – 2013, Sở tiếp tục mở rộng thí điểm mô hình ở Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) và Nguyễn Hiền (Q.11). Ngay năm thứ hai áp dụng mô hình này, lãnh đạo trường Nguyễn Hiền và Nguyễn Du đã chia sẻ gặp không ít khó khăn về chất lượng đầu vào. Chẳng hạn, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), từ trường có điểm chuẩn vào lớp 10 thuộc tốp đầu trên 35 điểm thì sau 5 năm, đến nay điểm chuẩn năm học 2016 – 2017 của trường chỉ còn 31,75 điểm. Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11), năm đầu tiên khi áp dụng mô hình trường tiên tiến, điểm tuyển nguyện vọng 1 là 34,5 sau đó mỗi năm mỗi giảm, đến nay HS chỉ cần xấp xỉ 30 điểm là trúng tuyển.
Chiều 13.12, trao đổi với PV, lãnh đạo một trong 2 trường trên nhận xét: “Hiện nay, HS của trường là các em gia đình có điều kiện kinh tế nhưng khả năng kiến thức hạn chế hoặc chưa chăm chỉ học tập. Một số HS giỏi nhưng có hoàn cảnh khó khăn đã không dám đăng ký dự thi vào trường như trước đây”.
Đến đầu năm học 2016 – 2017, TP.HCM chính thức triển khai mô hình này với 24 trường từ mầm non đến THPT, nâng tổng số trường có mô hình này là 27.
Bích Thanh
|
Tuệ Nguyễn – Duy Anh