Chương trình – sách giáo khoa mới: ‘Mở’ để tăng quyền lựa chọn
Nếu chương trình cho phép người học được chọn môn, chọn giáo viên… thì sách giáo khoa cũng phải ‘mở’ từ khâu biên soạn đến khâu chọn sách và quan trọng hơn phải gợi mở để học sinh thấy hấp dẫn.
Chương trình – sách giáo khoa mới: ‘Mở’ để tăng quyền lựa chọn
Nếu chương trình cho phép người học được chọn môn, chọn giáo viên… thì sách giáo khoa cũng phải ‘mở’ từ khâu biên soạn đến khâu chọn sách và quan trọng hơn phải gợi mở để học sinh thấy hấp dẫn.
Học sinh có thể không chọn sách giáo khoa nào
Trả lời phỏng vấn phóng viên Thanh Niên, GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thường trực Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK), cho rằng yêu cầu “mở” đối với SGK trong tương lai là tất yếu.
|
Nếu như sách hiện hành chỉ có một bộ do Bộ GD-ĐT tổ chức tác giả, biên soạn, phát hành, hướng dẫn sử dụng… thì tới đây Bộ chỉ ban hành chương trình và tiêu chí đánh giá. Dựa vào đó các cá nhân, tổ chức được đăng ký biên soạn. Khi áp dụng sách mới, giáo viên và học sinh (HS) có thể chọn bất kỳ quyển nào hoặc những cái hay của tất cả các cuốn sách được phép xuất bản để học. Thậm chí, HS có thể không chọn SGK nào mà giáo viên có thể tự biên soạn tài liệu dạy học, miễn là đáp ứng được chuẩn kiến thức kỹ năng mà chương trình đặt ra cho mỗi môn học, mỗi cấp học…
Theo GS Đinh Quang Báo, bộ tiêu chí này nếu được thông qua sẽ được ban hành dưới dạng thông tư của Bộ quy định về tiêu chí đánh giá SGK. Tác giả viết sách sẽ dựa vào đó để biên soạn, hội đồng thẩm định cũng dùng nó để đánh giá có đạt yêu cầu hay không, giáo viên dùng nó để chọn và tổ chức dạy học cho có chất lượng.
Còn GS Nguyễn Tiến Dũng, ĐH Toulouse (Pháp), cho biết: “Ở các nước tiên tiến trên thế giới, người ta đưa ra các bảng tiêu chí đánh giá chất lượng sách học, trong đó có những bảng ngắn gọn gồm 5 – 10 tiêu chí và những bảng chi tiết hơn, ví dụ như bảng tiêu chí gồm 34 điểm của Bộ Giáo dục Hồng Kông…”.
Sách giáo khoa phải hấp dẫn học sinh
Theo GS Dũng, SGK hiện hành có nhiều cuốn viết không hay, đi ngược lại một số tiêu chí cơ bản. Chẳng hạn có sách tập đọc bắt HS lớp 1 đánh vần toàn những từ vô nghĩa, hoàn toàn xa vời với HS, không quen thuộc ngay cả đối với người viết. Hay như có sách toán viết: “Căn bậc hai của a bình phương thì bằng trị tuyệt đối của a, căn bậc hai của A bình phương bằng trị tuyệt đối của A”. Viết như vậy là trái ngược với các tiêu chí như gọn gàng, làm phức tạp hóa vấn đề, gây nghi ngờ về sự am hiểu vấn đề của tác giả, có xu hướng khuyến khích học vẹt…
GS Dũng chia sẻ thêm: “Một số bài toán lớp 6 trong SGK chương trình VNEN hiện hành tôi xem mà giật mình, thậm chí thốt lên “điên à khi cho HS lớp 6 làm toán như thế này”. Toàn là những bài toán đánh đố HS, nó chỉ có “tác dụng” làm cho HS sợ toán và nghĩ về môn học này rất xấu. HS không thấy cái mình đang học có tính thực tế thì rõ ràng là nó sẽ chán”…
Về mặt kỹ thuật làm sách, GS Dũng cũng đề xuất không nên để sách dày quá mà có thể chia thành nhiều tập, hình minh hoạ phải thực sự giúp ích cho việc học. SGK hiện hành hình minh hoạ nhiều khi bị thô quá.
Tăng thù lao viết SGK
Đại diện lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục VN cho biết dự kiến nhà xuất bản này sẽ thay đổi chế độ đối với người viết sách, cao hơn mức quy định hiện hành, sẽ trả theo tiết trong sách. Ví dụ, mỗi tiết sẽ trả thù lao tác giả viết là 4,5 triệu đồng. Thứ hai, SGK hiện hành thì năm đầu tiên được nhận 100% thù lao, nhưng năm thứ hai tái bản chỉ nhận 50% của năm đầu, năm thứ ba tái bản thì chỉ nhận 50% của năm thứ hai nhưng sắp tới sẽ trả 100% thù lao cho mỗi lần tái bản sách, không phân biệt năm thứ nhất, thứ hai… Như vậy, cuốn SGK có tuổi đời càng dài thì thu nhập của các tác giả càng tốt hơn.
|
Tuệ Nguyễn