26/12/2024

Vảy phấn hồng không nguyên nhân

Cách đây hai tuần, chị N.T. (26 tuổi, ở quận Phú Nhuận, TP.HCM) bắt đầu thấy những đốm màu hồng xuất hiện trên cơ thể mình, đầu tiên là phần ngực, sau đó lan ra hai bên sườn, lưng và tràn xuống bụng.

 

Vảy phấn hồng không nguyên nhân

Cách đây hai tuần, chị N.T. (26 tuổi, ở quận Phú Nhuận, TP.HCM) bắt đầu thấy những đốm màu hồng xuất hiện trên cơ thể mình, đầu tiên là phần ngực, sau đó lan ra hai bên sườn, lưng và tràn xuống bụng.

 

 

 

Vảy phấn hồng không nguyên nhân
Vảy phấn hồng làm xấu da người bệnh – Ảnh: T.M.

Những đốm màu hồng có vảy phấn trắng, gây ngứa ngáy, khó chịu rất nhiều. Kèm theo đó, chị còn có biểu hiện sốt nhẹ, đau họng. Khi đến kiểm tra tại bệnh viện chuyên khoa da liễu, chị N.T. được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh vảy phấn hồng.

Chị T. ngơ ngác nói: “Nào giờ tôi chỉ nghe bệnh vảy nến chứ vảy phấn hồng thì lần đầu được biết. Tôi cũng không ăn, uống hay sử dụng mỹ phẩm, trang sức nào lạ trong thời gian gần đây. Không hiểu vì sao lại mắc bệnh?”.

Không có nguyên nhân rõ ràng

Bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng, chuyên gia tư vấn da liễu, cho biết bệnh vảy phấn hồng (Pityriasis rosea) là bệnh da thường gặp ở người trẻ, nữ thường gặp nhiều hơn nam.

Đặc điểm của vảy phấn hồng là các tổn thương ở da có hình thoi, màu hồng, bờ hơi nhô, có ít vảy nằm dọc theo hình thoi, ở giữa có màu nhạt hơn. Những triệu chứng khác là tổn thương có hình tròn có ít vảy, sẩn nhô lên có màu hồng. Vị trí thường gặp là ở vùng hai bên hông, thân mình, mặt trong đùi, mặt trong cánh tay và có thể xuất hiện ở mặt trong một số trường hợp đặc biệt.

Theo các bác sĩ, nguyên nhân gây bệnh hiện vẫn còn chưa xác định, có khả năng do nhiễm vi khuẩn hoặc nhiễm virút. Bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng cho biết vảy phấn hồng là bệnh lành tính. Bệnh không có vi nấm, vi trùng, virút ở tổn thương da, do đó không lây cho người khác. Hơn 50% người bệnh có các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên, sốt, đau họng, đau đầu, mệt mỏi… trước khi nổi hồng ban tróc vảy.

Tự khỏi trong 2 tháng

Theo bác sĩ chuyên khoa da liễu Lê Đức Thọ, bệnh vảy phấn hồng thường dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh ngoài da khác như viêm da dị ứng, nấm da, chàm, vảy nến… Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào lâm sàng và kinh nghiệm của thầy thuốc chuyên khoa.

Vảy phấn hồng thường khỏi bệnh sau 4-8 tuần, một số trường hợp có thể kéo dài đến 12 tuần hay lâu hơn tùy theo cơ địa bệnh nhân và tỉ lệ bệnh tái phát khoảng 2%.

Người mắc bệnh cần uống thuốc chống ngứa gây buồn ngủ vào ban đêm nếu ngứa nhiều gây khó ngủ, tăng cường uống vitamin C, tránh kích thích va chạm nhiều trên da. Ngoài ra, việc phơi nắng sẽ giúp người bệnh mau lành hơn.

Người bệnh không cần kiêng ăn uống và nên hạn chế bôi thuốc. Các bác sĩ khuyên bệnh nhân mắc vảy phấn hồng hạn chế gãi vì có thể làm ngứa nhiều thêm, bội nhiễm sang thương, chàm hóa và để lại sẹo xấu khi lành bệnh.

TRÀ MY – MẠNH KHANG