Tự ý ‘chôm’ tác phẩm vào sách kinh doanh
Nhiều nhà văn, nhà thơ bức xúc cho biết “đứa con tinh thần” của họ đã bị những người biên soạn sách tự ý lấy đưa vào tác phẩm kinh doanh mà không hề hỏi ý kiến, trả nhuận bút…
Tự ý ‘chôm’ tác phẩm vào sách kinh doanh
Nhiều nhà văn, nhà thơ bức xúc cho biết “đứa con tinh thần” của họ đã bị những người biên soạn sách tự ý lấy đưa vào tác phẩm kinh doanh mà không hề hỏi ý kiến, trả nhuận bút…
Mới đây nhất, nhà thơ Hồ Huy Sơn cho biết anh chỉ phát hiện ra tác phẩm bị in trái phép từ ngày 14.10.2016, mặc dù sách Luyện tập Tiếng Việt 3 trên giấy ô liđã được in từ năm 2012 và cuốn 35 đề ôn luyện Tiếng Việt 3 đã in từ năm 2014. “Tôi cảm thấy buồn và bất bình khi bài viết của mình bị sử dụng khi chưa có sự cho phép. Đây là một sự thiếu tôn trọng tới cá nhân tôi cũng như các tác giả nói chung”, Hồ Huy Sơn nói. Anh cũng đã lên tiếng về sự việc này trên trang cá nhân và phản ánh tới nhà xuất bản (NXB).
Trong công văn ngày 8.12 gửi tác giả Hồ Huy Sơn, Công ty CP xuất bản giáo dục Hà Nội (thuộc NXB Giáo dục VN) thừa nhận việc sử dụng bài viết Hãy can đảm lên của nhà thơ Hồ Huy Sơn in trong cuốn 35 đề ôn luyện Tiếng Việt 3 (tác giả Lê Phương Nga) khi chưa xin phép. Đồng thời công ty cam kết sẽ gỡ bỏ bài viết trên ra khỏi cuốn sách trong lần tái bản tới, theo yêu cầu của nhà thơ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một công văn từ phía công ty con trực thuộc NXB Giáo dục VN. Nhà thơ cho biết anh vẫn đang chờ đợi công văn thứ hai trả lời về tình trạng sử dụng trái phép tác phẩm Con đường rơm trong cuốn Luyện tập Tiếng Việt 3 trên giấy ô li (NXB Giáo dục VN và Công ty CP dịch vụ xuất bản giáo dục Gia Định).
|
Bị đòi mới trả nhuận bút
Liên quan vụ việc trên, từ ngày 16.11, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó tổng biên tập NXB Giáo dục VN, đã gọi điện và nhiều lần email trao đổi hòa giải với nhà thơ, đề nghị trả nhuận bút 2 bài viết trên với mức khoảng 600.000 đồng/bài nhưng không được nhà thơ đồng ý. Theo công văn của NXB Giáo dục VN ký ngày 24.11.2016 gửi nhà thơ Hồ Huy Sơn, tiền bản quyền 1 trang trích dẫn = 50% nhuận bút của 1 trang sách. Theo đó, nhà thơ sẽ được nhận 1.237.674 đồng, gồm: bài đăng trên cuốn 35 đề ôn luyện tiếng Việt 3được trả 907.813 đồng (cuốn này đã in được 96.000 bản), còn nhuận bút cho tác phẩm của nhà thơ trong cuốn Luyện tập Tiếng Việt 3 – tập 2, trình bày trên giấy ô li là 329.861 đồng (cuốn này đã in được 20.000 bản).
Đại diện NXB Giáo dục VN cũng đã xác nhận việc các tác giả biên soạn 2 cuốn sách trên sử dụng ngữ liệu của tác giả Hồ Huy Sơn khi chưa có sự đồng ý (tuy nhiên vẫn ghi rõ tên tác giả bên dưới), và cam kết sẽ trả tiền bản quyền đúng nhuận bút theo quy định. Tương tự, khi PV Thanh Niên liên lạc với ông Tùng để tìm hiểu sự việc thì được ông Tùng xác nhận có những thông tin nhà thơ Hồ Huy Sơn công bố.
Do không đạt được thỏa thuận về vấn đề chi trả nhuận bút, trong lá thư gửi NXB Giáo dục VN ngày 30.11, nhà thơ Hồ Huy Sơn tiếp tục yêu cầu gỡ bỏ hai tác phẩm ra khỏi 2 cuốn sách trên, yêu cầu NXB và những người liên quan phải xin lỗi tác giả bài viết.
Không phải cá biệt
Trong khi vụ việc trên chưa được giải quyết thấu đáo, tới cuối ngày 12.12, nhà thơ Hồ Huy Sơn tiếp tục phát hiện bài viết Hãy can đảm lên của mình được tác giả chủ biên Lê Phương Nga sử dụng vào hai cuốn sách 35 đề ôn luyện Tiếng Việt 4 (NXB Giáo dục) và Luyện tập Làm văn 4 (NXB Đại học Sư phạm) mà không xin phép. “Mỗi bài viết là sản phẩm của một quá trình sáng tạo khó nhọc, đều gắn liền với tên tuổi của một tác giả cụ thể, không phải “của chùa” để thích thì sử dụng mà không cần đến một sự xin phép. Các tác giả biên soạn sách không hề có sự xin phép cũng như thoả thuận với tác giả bài viết mà tự ý đưa vào sách. Điều này cho thấy sự cẩu thả, tùy tiện và thiếu tôn trọng đối với nghề xuất bản cũng như với tác giả bài viết”, Hồ Huy Sơn bức xúc.
Đáng nói, Hồ Huy Sơn không phải là trường hợp duy nhất bị trích đăng tác phẩm mà chưa xin phép tác giả. Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy cũng mới được biết một đoạn văn của mình được đăng trong cuốn Ôn luyện và kiểm tra Tiếng Việt lớp 5 – tập 1 (cũng của NXB Giáo dục VN). Nhà văn Đỗ Bích Thúy, người có trích đoạn cũng bị sử dụng trái phép trong sách Đề ôn luyện và kiểm tra định kỳ Tiếng Việt 5 (NXB Giáo dục VN), thẳng thắn: “Đây là hành vi ăn cắp chất xám. Không bị phát hiện thì sẽ lờ đi, bị phát hiện thì chối quanh, bên nọ đổ lỗi cho bên kia. NXB Giáo dục VN cho dù liên kết hay bán giấy phép thì vẫn phải chịu trách nhiệm đầu tiên trong sự việc này. Các nhà văn hầu hết đều dễ tính, ù xoà, dễ bỏ qua, đấy chính là điểm yếu để nhiều đơn vị làm sách lợi dụng”.
Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, người đã có nhiều tác phẩm dịch được xuất bản trong và ngoài nước, cho biết: “Thỉnh thoảng tôi vẫn được ai đó cho xem một tuyển tập ở trong nước có in các bài thơ của tôi mà tôi chưa từng nhận nhuận bút, sách biếu hay một lời đề nghị nào. Điều này khiến tôi vô cùng bức xúc. Theo yêu cầu của NXB tại Mỹ, người biên tập phải có được sự nhất trí bằng văn bản của tất cả các tác giả có thơ được tuyển chọn trong tuyển tập. Khi dịch truyện ngắn của tác giả nước ngoài sang tiếng Việt, tôi cũng phải liên lạc với tác giả, ký kết thoả thuận dịch với chính tác giả hoặc người đại diện văn học của họ”.
Lucy Nguyễn