Công trình Mường Thanh Khánh Hoà cấp phép trước, xin ý kiến sau
Tại kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Khánh Hoà (khoá VI) khai mạc sáng 12-12, cử tri tỉnh Khánh Hòa yêu cầu tỉnh xử lý nghiêm các vi phạm của công trình Mường Thanh Khánh Hoà.
Công trình Mường Thanh Khánh Hoà cấp phép trước, xin ý kiến sau
Tại kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Khánh Hoà (khoá VI) khai mạc sáng 12-12, cử tri tỉnh Khánh Hòa yêu cầu tỉnh xử lý nghiêm các vi phạm của công trình Mường Thanh Khánh Hoà.
Công trình Mường Thanh Khánh Hòa hiện đã xây dựng được 43 tầng, trong khi giấy phép điều chỉnh chỉ cho phép xây dựng 40 tầng – Ảnh: TRUNG TÂN |
Cố tình vi phạm
Cử tri cho rằng công trình này không tuân thủ quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt (các toà nhà cao tối đa 40 tầng).
Cử tri đặt câu hỏi: vì sao UBND tỉnh Khánh Hoà không có giải pháp xử lý việc chủ đầu tư không chấp hành chỉ đạo của UBND tỉnh yêu cầu dừng thi công công trình, điều chỉnh quy hoạch, không chấp hành quyết định thu hồi giấy phép của Sở Xây dựng Khánh Hoà?
Tại văn bản trả lời ý kiến của cử tri do ông Lê Đức Vinh – chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà - ký cho biết: do cảng hàng không Nha Trang đã được di dời ra sân bay Cam Ranh và việc huấn luyện bay tạm chuyển vào sân bay Cam Ranh (TP Cam Ranh, Khánh Hoà), nên “quỹ đất quốc phòng tại sân bay Nha Trang được giao về UBND tỉnh Khánh Hoà để phục vụ việc phát triển kinh tế – xã hội địa phương”. Vì vậy, yêu cầu hạn chế chiều cao tĩnh không các công trình tại TP Nha Trang không còn.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, ngày 24-5-2014 Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên (chủ đầu tư dự án) có văn bản xin chấp thuận độ cao tĩnh không đối với công trình Mường Thanh Khánh Hoà và được Cục tác chiến (Bộ tổng tham mưu Bộ Quốc phòng) chấp thuận độ cao tĩnh không tối đa của công trình này là 150m.
Do vậy, UBND tỉnh đã chấp thuận cho chủ đầu tư xây dựng công trình này là 47 tầng và 1 tầng kỹ thuật, chiều cao tối đa là 147,5m.
Dựa vào chủ trương này, Sở Xây dựng Khánh Hoà cấp giấy phép cho công trình này được xây dựng tối đa 48 tầng.
Tuy nhiên cũng tại văn bản trả lời cử tri nói trên, UBND tỉnh Khánh Hoà cho rằng “nhận thấy việc thoả thuận chiều cao cho công trình trên chưa thực hiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho điều chỉnh một số nội dung về định hướng tầng cao là chưa phù hợp”.
Vì vậy, UBND tỉnh đã có văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh chiều cao đối với công trình Mường Thanh Khánh Hoà.
Ngày 6-12-2015, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải (nay là bí thư Thành uỷ TP Hà Nội) yêu cầu “trước mắt UBND tỉnh Khánh Hoà tập trung thực hiện đúng đồ án điều chỉnh chung TP Nha Trang đến năm 2025, đảm bảo không gian cảnh quan khu vực ven biển của vịnh Nha Trang”.
Chấp hành ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp có sự tham gia của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên và ban hành thông báo yêu cầu doanh nghiệp lập phương án điều chỉnh kiến trúc công trình không vượt quá 40 tầng.
Chủ đầu tư cũng có văn bản cam kết sẽ hoàn thiện công trình nêu trên từ tầng 39 trở xuống nhưng sau đó không thực hiện, vẫn cố tình vi phạm, xây vượt lên 43 tầng.
Đắk Lắk: đưa vấn đề ra HĐND tỉnh
Liên quan đến vụ khách sạn Mường Thanh Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) xây dựng và đi vào hoàn thiện mới có giấy phép xây dựng, trao đổi với PV Tuổi Trẻ chiều 12-12 trong ngày khai mạc kỳ họp HĐND tỉnh Đắk Lắk, Chủ tịch HĐND tỉnh Y Biêr Niê cương quyết: “Chúng tôi sẽ nêu vấn đề này ra trước HĐND để xem các sở ngành giải trình như thế nào.
Theo tôi được biết, đến nay công trình này vừa được Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk cấp phép (ngày 9-12). Tại sao Mường Thanh xây dựng rồi mà tới bây giờ tỉnh mới cấp phép?”.
Ông Y Biêr Niê cho biết trong vụ khách sạn Mường Thanh, chính ông đã có đề nghị với các sở ngành, UBND tỉnh Đắk Lắk cần lưu ý về đơn vị này ngay từ giai đoạn Mường Thanh có ý định đầu tư vào Đắk Lắk.
“Tôi đã nói với các sở ngành rằng Mường Thanh là đơn vị tuân thủ luật pháp không tốt, từ Hà Nội tới một số tỉnh thành nữa. Dù muốn thu hút đầu tư nhưng cũng cần lưu ý phải tuân thủ luật pháp.
Còn hiện nay, khách sạn Mường Thanh đã xây tới tầng thứ mười mấy mà mới nói đến chuyện giấy phép thì tôi thấy không được”.
Trước câu hỏi về vai trò giám sát của HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk trong việc các công trình xây không phép, trong đó có vụ việc của Mường Thanh Buôn Ma Thuột, ông Y Biêr Niê cho biết HĐND và các đơn vị có thẩm quyền giám sát theo kế hoạch và các chương trình lớn hoặc khi có đơn thư khiếu nại, cần phải có sự vào cuộc và thẩm quyền của HĐND tỉnh.
Trong vụ việc của Mường Thanh thì thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh Đắk Lắk, các sở ngành trực thuộc UBND tỉnh Đắk Lắk phải có trách nhiệm giám sát.
“Quan điểm của tôi là tất cả mọi việc dù có thu hút, có kêu gọi kiểu gì đi chăng nữa cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật, không thể bỏ qua công đoạn đó được. Đó là nguyên tắc! Cũng giống như Thủ tướng nói rằng không thể kêu gọi đầu tư bằng mọi giá mà phải đánh đổi môi trường.
Ở đây cũng vậy, chúng ta không thể đầu tư bằng mọi giá mà cho phép làm tắt các thủ tục theo quy định của pháp luật như thế được”.