Ép tài xế đóng tiền bảo kê vào công ty chở hàng
70.000 – 150.000 đồng là số tiền mà các công ty vận tải phải đóng “thuế” cho một nhóm người để được vào Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (gọi tắt Công ty Coca-Cola, xa lộ Hà Nội, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM) chở hàng.
Ép tài xế đóng tiền bảo kê vào công ty chở hàng
70.000 – 150.000 đồng là số tiền mà các công ty vận tải phải đóng “thuế” cho một nhóm người để được vào Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (gọi tắt Công ty Coca-Cola, xa lộ Hà Nội, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM) chở hàng.
Ông Đỗ Trọng Nghĩa (48 tuổi, ngụ P.Linh Trung) thường xuyên có mặt tại cổng Công ty Coca-Cola vào buổi tối để “điểm danh” xe vào chở hàng lấy tiền bảo kê – Ảnh cắt từ clip điều tra. |
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, cầm đầu nhóm người này là ông Đỗ Trọng Nghĩa (ngụ P.Linh Trung). Từ 18g đến 6g ngày hôm sau, ông Nghĩa cùng đệ tử phong tỏa đoạn đường trước cổng Công ty Coca-Cola “điểm danh” xe vào chở hàng, ép tài xế đóng tiền bảo kê.
Đậu xe là đóng tiền
Ông Nghĩa đứng ngay gần chốt bảo vệ Công ty Coca-Cola chỉ tay điều tiết xe ra vào. Có lúc, ông này chạy qua chạy lại như con thoi để thu tiền.
Đêm 6-12, chỉ trong vòng 30 phút, ông này sắp hàng chục xe tải lớn nhỏ nối đuôi nhau đậu kín đoạn đường khoảng 300m trước cổng Công ty Coca-Cola. Do kín chỗ đậu, ông Nghĩa buộc nhiều xe tải phải đậu lòi “đuôi” ra xa lộ Hà Nội.
Khoảng 20g30, tài xế Thắng (ngụ Bình Dương) lái xe tải loại 1,4 tấn vào công ty nhận đơn hàng. Tài xế vừa tắt máy, ông Nghĩa đứng tại gần chốt bảo vệ chỉ trỏ yêu cầu tài xế này phải lui xe vào vị trí mà ông ta chỉ định.
Khi xe đã đậu, tài xế bị ông này quát: “Ông chở hàng cho ai, công ty nào? Phải sắp tài đàng hoàng chớ”. Khi tài xế nói chở hàng lần đầu không biết quy định, ông Nghĩa nói thẳng: “Ở đây ai vô cũng phải sắp tài, đóng tiền. Bảo vệ lo vòng trong, vòng ngoài là địa bàn của tôi, tôi quản lý hết”.
Nói xong, ông ta săm soi, ghi biển số xe vào một cuốn sổ dày cộp rồi ra giá “7 chục” (70.000 đồng – PV).
Tài xế thắc mắc về mức tiền thì ông Nghĩa quát: “Ở đây vô tới cổng là 70.000 đồng. Đậu xe là phải đóng tiền, không cần biết ông có chở hàng hay không. Không tin ông ra hỏi tất cả các xe tải đậu dọc đường coi họ có tốn tiền không, ông nghĩ tự nhiên mà đậu được sao”.
Tài xế nói chạy xe nhiều năm nhưng chưa thấy nơi nào thu tiền kiểu này. Ông Nghĩa nói: “Vô phải mua vé, đóng tiền. Đ.M, tôi làm mười mấy năm nay, ai cũng lờn mặt hết rồi, chỉ có ông là ngơ ngơ như bò đội nón”.
Tài xế Thắng vẫn “chậm hiểu”, ông Nghĩa chạy tới chặn đầu chiếc xe tải trên 30 tấn đang chuẩn bị qua cửa công ty, ép tài xế đóng tiền làm ví dụ, nói: “Chiếc đó tôi lấy 150.000 đồng/chuyến, xe nhỏ dưới 5 tấn như của ông đóng 70.000 đồng, chứ bây giờ vật giá leo thang không có xe nào 50.000 đồng cả”.
Dù chưa nhận hàng, nhưng tài xế này buộc phải móc bóp đóng cho ông Nghĩa 70.000 đồng mới được yên thân.
Ngày 9-12, ông Tuấn – chủ một chủ doanh nghiệp vận tải ở Bình Dương – gọi điện cho ông Nghĩa hỏi “luật lệ” đóng bảo kê khi vào Công ty Coca-Cola nhận hàng.
Ông Nghĩa hỏi ngay: “Công ty anh có mấy đầu xe, loại mấy giò (còn gọi là trục), giờ anh muốn đóng theo chuyến hay theo tháng?”. Chủ doanh nghiệp này nói chưa rõ và nhờ ông Nghĩa giải thích.
“Nếu đóng tháng tôi sẽ bớt, cả hai bên đều lợi. Ví dụ xe anh hai giò thì 100.000 đồng/chuyến, trừ 4 ngày chủ nhật còn 26 ngày, do vậy anh phải đóng 2,6 triệu đồng/tháng. Tôi bớt cho anh 5 xị (500.000 đồng) còn 2,1 triệu đồng”, ông này nói.
Chủ doanh nghiệp này cho biết công ty có 4 xe loại hai giò chạy thường xuyên và xin ông Nghĩa giảm. Ông Nghĩa nói: “Rồi, hồi nãy 1 xe là 2,1 triệu đồng, giờ 4 xe là 8,4 triệu đồng. Tôi lấy anh 7 triệu đồng giá hữu nghị, lời ăn lỗ chịu”.
Theo ông Nghĩa: “Địa bàn này là bất khả xâm phạm, bất cứ băng nào kéo đến gây chuyện hoặc tranh giành địa bàn đều phải nộp tiền và… biến. Còn đứa nào biết tôi làm đây mà vô phá tôi lấy cặp giò, đừng giỡn mặt”.
Clip tài xế bị ép đóng tiền bảo kê – Thực hiện: Hà An – Đức Phú
Hốt bạc
Theo điều tra, ông Nghĩa hiện có hai ngôi nhà ở phường Linh Trung (Q.Thủ Đức) và phường Hiệp Phú (Q.9). Trước đây, ông này từng làm nhân viên ở một công ty trong Khu công nghệ cao Q.9.
Nhiều năm trở lại đây, với mối quan hệ rộng của mình ông ta công khai lập chốt thu bảo kê vào ban đêm, từ 18g đến 6g. Đây là thời điểm có rất nhiều xe tải ở khắp các tỉnh đổ về công ty nhận hàng.
Dù mới đậu xe nhưng ông Nghĩa đã ép một tài xế phải đóng 70.000 đồng tiền “tươi” – Ảnh cắt từ clip điều tra |
Để quán xuyến việc thu tiền bảo kê mỗi đêm, ông Nghĩa thu nạp nhiều đệ tử tuổi đời từ 25-40. Hiện nhằm tránh thất thoát nguồn thu, ông Nghĩa trực tiếp đứng chốt đếm xe, thu tiền.
Mỗi đêm ông Nghĩa dùng xe đạp địa hình rảo khắp tuyến đường trước cổng Công ty Coca-Cola giám sát những tài xế “trốn thuế”. Bất cứ xe nào xuất hiện, ông này đều ghi chép tỉ mỉ biển số, số tiền thu được vào một cuốn sổ để tiện theo dõi.
Ông Nghĩa cho biết việc thu tiền bảo kê các công ty vận tải được ông duy trì nhiều năm nay.
Theo ông này, những năm trước mỗi xe chỉ đóng 5.000 – 10.000 đồng/chuyến. Tuy nhiên, tiền bảo kê tăng hằng năm và đến nay là từ 70.000 – 150.000 đồng/chuyến (tùy xe).
Mỗi đêm, ước tính có khoảng 130 – 140 xe tải lớn nhỏ vào nhận đơn hàng. Với số lượng xe và mức tiền mà ông Nghĩa bắt các doanh nghiệp vận tải đóng, thu nhập mỗi đêm của ông này ít nhất là 14 triệu đồng (trên 300 triệu đồng/tháng).
Ông T., tài xế của một doanh nghiệp vận tải thường xuyên vào Công ty Coca-Cola nhận đơn hàng, cho biết các doanh nghiệp rất bức xúc khi bị nhóm người này ép đóng tiền bảo kê. Dù bức xúc nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều phải cắn răng chịu đựng, không dám tố cáo tới chính quyền địa phương vì lo ảnh hưởng đến công việc làm ăn.
“Nhóm người này hoạt động công khai lâu lắm rồi, có khoảng 6 – 7 đối tượng. Tài xế không đóng tiền thì không xong, nhóm này sẽ đứng chặn trước đầu xe, rồi đuổi không cho đậu lấy hàng, thậm chí đe doạ phá xe, hành hung tài xế”, ông T. bức xúc.
“Tính ra mỗi tháng 1 xe của công ty phải đóng hụi chết cho nhóm này 3,6 triệu đồng, cả 7 đầu xe mất trên 25 triệu đồng. Để bù lỗ vào khoản tiền này, chúng tôi buộc phải tăng cước vận chuyển, thiệt thòi cuối cùng vẫn là người dân”, tài xế này khẳng định.
Sẽ kiểm tra xử lý Trao đổi với Tuổi Trẻ, Công ty Coca-Cola Việt Nam cho biết hiện chưa có đủ thông tin để phản hồi về vụ việc này. Công an P.Linh Trung cũng nói chưa nhận được thông tin về hiện tượng thu tiền bảo kê trước Công ty Coca-Cola. Tuy nhiên, khi phóng viên cung cấp tên tuổi của ông Đỗ Trọng Nghĩa, lãnh đạo công an phường nói: “Tôi biết ông này rồi. Từ thông tin của báo cung cấp, chúng tôi sẽ mời ông này lên làm việc để xác minh sự việc”. Ông Trần Quốc Hưng, chủ tịch UBND P.Linh Trung, cho biết chưa nắm được thông tin trên và sẽ cho kiểm tra. |
Mời bạn đọc xem thêm phim “Chặn cửa công ty, ép tài xế đóng bảo kê” trên tv.tuoitre.vn. |