25/12/2024

Tập trung ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần nhận thức đầy đủ việc chỉnh đốn đi đôi với đổi mới, xây dựng Đảng là một yêu cầu khách quan, một việc làm tự nhiên, thường xuyên của bất cứ một đảng cách mạng chân chính nào…

 

Tập trung ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần nhận thức đầy đủ việc chỉnh đốn đi đôi với đổi mới, xây dựng Đảng là một yêu cầu khách quan, một việc làm tự nhiên, thường xuyên của bất cứ một đảng cách mạng chân chính nào…


 


Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo hội nghị  /// Ảnh: TTXVN

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo hội nghịẢNH: TTXVN

Ngày 9.12, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc phổ biến, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”.
Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị tổ chức hội nghị trực tuyến từ T.Ư đến 63 tỉnh, TP trực thuộc để nghiên cứu, học tập nghị quyết. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh; các Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ viên T.Ư Đảng; lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở T.Ư và các tỉnh, TP trong cả nước đã dự hội nghị.
Tránh nói nhiều làm ít
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần nhận thức đầy đủ việc chỉnh đốn đi đôi với đổi mới, xây dựng Đảng là một yêu cầu khách quan, một việc làm tự nhiên, thường xuyên của bất cứ một đảng cách mạng chân chính nào, ở bất kỳ giai đoạn nào.
Tổng bí thư yêu cầu phải nắm vững những nội dung cơ bản, tư tưởng cốt lõi của Nghị quyết T.Ư 4 (NQ T.Ư4) để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện một cách có hiệu quả. Tổng bí thư chỉ rõ: “Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là cuộc chiến đầy cam go, nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến vận mệnh của Đảng ta, chế độ ta. Quan điểm chỉ đạo của Đảng là kiên quyết, kiên trì thực hiện, với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, tiến hành thường xuyên, liên tục ở các cấp, các ngành, đồng bộ cả ở T.Ư và cơ sở. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình trước Đảng, trước Tổ quốc để thực hiện nghị quyết một cách nghiêm túc và có hiệu quả, tránh tình trạng thờ ơ, vô cảm, đứng ngoài cuộc hoặc có tư tưởng chỉ trông chờ, phán xét người khác”.
Tổng bí thư nhấn mạnh việc thực hiện NQ T.Ư4 phải đồng bộ với các nghị quyết khác của T.Ư, Quốc hội và Chính phủ để đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, ổn định tình hình; tạo niềm tin trong Đảng, trong nhân dân. Không phải là “đóng cửa” để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu các cấp phải thật sự đoàn kết, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là phải có những giải pháp đủ mạnh, những việc làm cụ thể để làm chuyển biến rõ rệt tình hình; kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”; tập trung giải quyết dứt điểm những vụ việc bức xúc đã được chỉ ra.
“Phải đề cao kỷ cương, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kết hợp với sự giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm; chú trọng phát huy vai trò của báo chí và công luận trong quá trình thực hiện nghị quyết. Kết hợp công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình với việc xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách; kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội. Tinh thần của nghị quyết là phải hành động, hành động thiết thực, rõ hiệu quả; tránh nói nhiều làm ít hoặc chỉ nói mà không làm; đồng thời phải tăng cường đôn đốc, kiểm tra. Các cấp ủy, tổ chức Đảng từ T.Ư đến cơ sở phải nắm chắc tình hình, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện nghị quyết ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình; tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, khi quán triệt, triển khai nghị quyết thì rầm rộ nhưng khi thực hiện thì tắc trách, không có tập thể, cá nhân nào chịu trách nhiệm”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Đội ngũ cán bộ chủ chốt phải làm gương
Tại hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính đã quán triệt nội dung và kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết, tập trung giới thiệu 5 vấn đề lớn: Vì sao Ban Chấp hành T.Ư phải tiếp tục ban hành Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Mục đích, yêu cầu, phạm vi, quan điểm chỉ đạo và quá trình chuẩn bị nghị quyết; Những nội dung cơ bản của nghị quyết; Dự báo một số khó khăn và hướng khắc phục trong quá trình thực hiện nghị quyết; Một số vấn đề về kế hoạch tổ chức thực hiện nghị quyết.
“Nghị quyết lần này có một số giải pháp mới, mạnh mẽ, quyết liệt như: Đổi mới và bắt buộc học tập lý luận chính trị; Cam kết rèn luyện giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Cơ chế kiểm soát quyền lực; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, đề cao pháp luật của nhà nước, công khai kết quả xử lý vi phạm; Sự thống nhất về chính sách và kỷ luật giữa Đảng và Nhà nước; Hợp đồng có thời hạn với viên chức; Tăng thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu để xử lý cán bộ thuộc quyền; Tăng cường sự giám sát của nhân dân trong xây dựng Đảng; Phát huy vai trò của báo chí, các cơ quan truyền thông; Có cơ chế tạo động lực như chính sách tiền lương, nhà ở…”, ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đồng thời khẳng định NQ T.Ư4 thể hiện rõ quyết tâm chính trị rất cao, nỗ lực rất lớn và tư tưởng nhất quán của Đảng ta về tầm quan trọng đặc biệt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.
Nghị quyết xác định rõ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhất là đề ra 4 nhóm giải pháp đồng bộ, chính diện, quyết liệt, trong đó có giải pháp, cơ chế làm ngay, có giải pháp phải kiên trì triển khai lâu dài, có giải pháp cấp bách, có giải pháp mang tính đột phá.
Điểm mới lần này là nghị quyết thể hiện được tinh thần “mọi lúc, mọi nơi, mọi người” cùng tham gia thực hiện nghị quyết; trong đó, vai trò quyết định vẫn là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, nhất là các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành T.Ư và Bí thư cấp ủy các cấp.
Hiệu quả thực hiện là yêu cầu hàng đầu
Phát biểu tổng kết hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh nhấn mạnh việc quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết đạt hiệu quả thiết thực là yêu cầu quan trọng hàng đầu, làm cho Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, đồng thời củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.
Thường trực Ban Bí thư đề nghị các đại biểu dự hội nghị tiếp tục nghiên cứu kỹ để nắm vững, quán triệt sâu sắc nội dung nghị quyết, từ đó lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, phổ biến, tuyên truyền làm cho cán bộ, đảng viên thấm nhuần sâu sắc, thấy được sự cần thiết phải kiên quyết, kiên trì khắc phục những yếu kém, khuyết điểm với quyết tâm chính trị cao. Các cấp uỷ, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, tổ chức Đảng… phải xây dựng chương trình hành động của cấp mình, kiểm tra giám sát việc xây dựng chương trình hành động của cấp dưới; xác định những việc cần làm và phải kiên quyết làm ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị sát với tình hình thực tế, đem lại hiệu quả thiết thực.
Các tổ chức Đảng, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ, trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng để gương mẫu, tự giác thực hiện nghị quyết; phát huy tính chủ động, sáng tạo và sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện nghị quyết; tiến hành khẩn trương, tránh biểu hiện nóng vội, trông chờ hoặc triển khai một cách hình thức. Việc tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết này phải được hoàn thành trong tháng 1.2017.
Thường trực Ban Bí thư yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng phải nắm vững các nhiệm vụ, giải pháp, nghiêm túc rà soát, chỉ ra cụ thể tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình có những biểu hiện nào suy thoái hoặc “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” nào để có biện pháp khắc phục một cách hiệu quả nhất.
Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân năm 2016 phải gắn với việc tự phê bình và phê bình theo tinh thần NQ T.Ư4 về xây dựng Đảng. Để đảm bảo việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình đạt hiệu quả thiết thực, các cấp uỷ, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, tổ chức Đảng phải xác định trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo làm rõ những hạn chế, yếu kém, liên hệ với những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tìm ra nguyên nhân và đề ra biện pháp, kế hoạch khắc phục. Những nơi có vấn đề phức tạp, cần được lãnh đạo, chỉ đạo làm rõ, có gợi ý kiểm điểm nghiêm túc.
Cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu các cấp phải thật sự đoàn kết, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là phải có những giải pháp đủ mạnh, những việc làm cụ thể để làm chuyển biến rõ rệt tình hình; kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”; tập trung giải quyết dứt điểm những vụ việc bức xúc đã được chỉ ra


 

TTXVN