25/12/2024

Làm gì để giảm thiểu sự biến tướng của hầu đồng?

Trong thời gian sắp tới, chúng tôi tiếp tục kiểm kê về di sản. Cập nhật số lượng người hát văn, người gia đồng rồi các điện thờ hầu Mẫu thường xuyên để quản lý, TS Nguyễn Thị Hiền cho hay.

 

Làm gì để giảm thiểu sự biến tướng của hầu đồng?

Trong thời gian sắp tới, chúng tôi tiếp tục kiểm kê về di sản. Cập nhật số lượng người hát văn, người gia đồng rồi các điện thờ hầu Mẫu thường xuyên để quản lý, TS Nguyễn Thị Hiền cho hay.



 

Thanh đồng Kim Huệ, Phủ Dầy, Nam Định trong một lễ hầu đồng có đại sứ các nước ở VN tham dựẢNH: BTC CUNG CẤP

TS Nguyễn Thị Hiền (ảnh), thành viên đoàn VN trình hồ sơ Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ lên UNESCO, đã trả lời phỏng vấn Thanh Niên xung quanh việc có nhiều ý kiến lo lắng nguy cơ bùng nổ mê tín dị đoan sau khi đạo mẫu được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện nhân loại.
Làm gì để giảm thiểu sự biến tướng của hầu đồng? - ảnh 1

TS Nguyễn Thị Hiền là Phó viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia. Bà đã nghiên cứu tín ngưỡng thờ Mẫu nhiều năm nay và cũng là thành viên của đoàn VN trình hồ sơ tại Ethiopia.

Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, bà Hiền nói: “Theo tôi, vấn đề thực hành tín ngưỡng là một hệ thống đức tin. Từ góc độ nhân học, lên đồng, tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ là những thể hiện của đức tin này. Chúng ta không nên tách bạch lên đồng là mê tín dị đoan, còn chầu văn là âm nhạc truyền thống, hay lễ hội truyền thống là những gì đang lưu giữ. Toàn bộ những điều đó cũng như toàn bộ tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ là một hệ thống liên hợp. Nên chúng ta không thể nói lên đồng là mê tín dị đoan. Về việc một số người cho rằng sẽ có bùng nổ mê tín dị đoan là lo quá xa vì không phải ai cũng gia đồng mở phủ được. Muốn lên gia đồng mở phủ phải là những người có căn có số. Con số này không nhiều nên cũng không lo bùng nổ”.
* Cũng có những câu chuyện như bị lừa tiền khi tham gia hầu đồng, hoặc có người tuy không có căn đồng nhưng cũng làm ông đồng và lôi kéo người khác tham gia tín ngưỡng nhằm vụ lợi. Bà nghĩ sao?
– Việc lợi dụng tín ngưỡng để vụ lợi cũng giống như trong các ngành khác, đều có cả. Ở đâu cũng có người vô đạo đức lợi dụng để làm tiền. Tuy nhiên, tôi cho rằng những người đó không thuộc cộng đồng của những người theo đạo Mẫu.
Tôi nghĩ đấy là vấn đề mang tính hệ thống. Nếu người ta thực sự quan tâm và hiểu về tín ngưỡng này hơn thì loại người lừa lọc cũng sẽ tự mất đi. Và chúng ta cũng không thể vì những người lợi dụng như thế mà cấm lên đồng được. Nếu hạn chế gia đồng mở phủ, vô hình trung chúng ta lại vi phạm quyền của cộng đồng được bảo tồn duy trì tín ngưỡng.
* Nhưng cũng có nghiên cứu cho thấy đã xảy ra hiện tượng lạm dụng tình dục với người đồng tính trong cộng đồng này, thưa bà?
– Nếu xem phim tài liệu Ái nam ái nữ (Love man love woman) của tác giả Trinh Thi (Viện Goethe) sẽ thấy chuyện những người đồng tính nam trong lên đồng. Trong lên đồng khi thánh nhập vào người gia đồng, họ thể hiện những quyền năng. Khi đó họ được thể hiện mình. Trong những người nhập đồng đó có người thể hiện rất rõ về quyền năng giới tính là một người phụ nữ mang tính đàn ông hay đồng cô căn cô thể hiện là căn cô rất ẻo lả. Vì thế nên những người trong lên đồng được thể hiện họ là đồng tính rõ nét hơn ngoài xã hội. Khi xã hội từ chối họ thì trong cộng đồng này họ được thể hiện là mình, thể hiện rõ họ hơn. Còn chuyện lạm dụng tình dục thì tôi chưa được biết đến.
* Vậy cũng sẽ không ai ngăn cấm hầu đồng phải không, thưa bà?
– Trước thời kỳ đổi mới 1986, tín ngưỡng này chưa được nhìn nhận đúng đắn về giá trị và không được thực hành một cách đầy đủ. Nhờ có Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (2004), luật Di sản văn hoá (2001, sửa đổi 2009), tín ngưỡng này đã được Chính phủ quan tâm bảo tồn và phát huy. Nhà nước hỗ trợ chủ yếu kinh phí tu bổ, phục dựng các không gian thờ cúng, tổ chức lễ hội như lễ hội Phủ Dầy.
Chính phủ cũng đã ban hành một số chính sách để quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng như Nghị định 92/2012/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Nhờ đó, việc tổ chức lễ hội, nghi lễ ở các đền các phủ thờ Mẫu tam phủ được thực hiện tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho những người theo tín ngưỡng này.
 
* Chúng ta sẽ phát huy tín ngưỡng thế nào, theo cam kết với UNESCO?
– Chúng ta đã chứng minh trong hồ sơ việc Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo đã tôn trọng tín ngưỡng này ra sao. Chúng ta cũng tôn trọng khi ghi danh các nghi lễ chầu văn và lễ hội ở Phủ Dầy vào danh sách di sản phi vật thể quốc gia, thể hiện nhà nước VN đã quan tâm đến các thực hành của tín ngưỡng này.
Chúng ta cũng nói rõ trong hồ sơ rằng cộng đồng đã luôn góp sức xã hội hóa, khôi phục các gian thờ, điện thờ, thực hành tín ngưỡng cũng như trao truyền cho các thế hệ trẻ như những người hát văn trẻ. Giờ đây, chúng ta có những CLB hát văn, họ cũng đi theo hát trong các giá đồng… Ở đó người già chỉ nghề truyền ngón, là trao truyền di sản cho người trẻ. Nó phù hợp với công ước UNESCO, để bảo vệ di sản trong cộng đồng trong tương lai.
* Bà cũng nhìn nhận việc lợi dụng tín ngưỡng để vụ lợi cũng giống như trong các ngành khác, vậy chúng ta sẽ làm gì để tránh biến tướng xấu như nhiều người nghi ngại, thưa bà?
– Trong thời gian sắp tới, chúng tôi tiếp tục kiểm kê về di sản. Cập nhật số lượng người hát văn, người gia đồng rồi các điện thờ hầu Mẫu thường xuyên để quản lý. Cũng sẽ có chương trình tư liệu hoá và cần nhiều nghiên cứu hơn về văn bản Hán Nôm, các bài hát văn rồi sự đa dạng của tín ngưỡng từ lễ hội đến lên đồng.
Trong kế hoạch hành động sẽ tìm hiểu và khôi phục một số lễ hội đã bị mai một do thương mại hoá. Cũng sẽ có kế hoạch hành động để giảm thiểu sự biến tướng của hầu đồng. Về kế hoạch cụ thể, tỉnh Nam Định (nơi trình hồ sơ) sẽ có chương trình cụ thể, kế hoạch hành động bảo vệ tín ngưỡng cụ thể hơn.
Kế hoạch bảo tồn di sản thờ Mẫu từ năm 2017 – 2022
Bộ VH-TT-DL đã phê duyệt lịch trình cho các hoạt động bảo tồn di sản thờ Mẫu từ năm 2017 – 2022. Theo đó, từ năm 2017 – 2019 tập trung thực hiện các hoạt động nhận thức xã hội về lên đồng, phục hồi một số hoạt động lễ hội, sưu tầm, nghiên cứu, tư liệu hóa, xây dựng trang web về tín ngưỡng thờ Mẫu; từ năm 2020 – 2022 tập trung thực hiện các hoạt động truyền dạy hát văn, quảng bá di sản, hoàn thành và cập nhật kiểm kê quốc gia về việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ nói riêng, thờ Mẫu ở VN nói chung. Tổ chức giao lưu hát văn, lên đồng tại các đền phủ và với các hội shaman giáo ở trong lẫn ngoài nước.
Cũng theo chương trình hành động này, Bộ VH-TT-DL đề xuất việc đại diện cộng đồng, các phủ thờ Mẫu phối hợp với bộ, các tổ chức phi chính phủ tổ chức các hội thảo về luật Di sản văn hoá và Công ước UNESCO về di sản. Điều này sẽ nâng cao nhận thức về di sản phi vật thể. Nó cũng giúp kết nối, tạo bình đẳng, hài hoà giữa thủ nhang, bản hội, tạo nên một cộng đồng thờ Mẫu thống nhất. Nhờ đó, giảm thiểu sự cạnh tranh không lành mạnh, tránh lợi dụng các cơ sở thờ tự để buôn thần bán thánh, thương mại hóa.



Trinh Nguyễn 
(thực hiện)