24/01/2025

Giá nhà ở xã hội có thể giảm thêm

Nhà ở xã hội (NƠXH) giá vẫn cao, có doanh nghiệp khẳng định tại TP.HCM hoàn toàn có thể có nhà giá khoảng 400 triệu đồng… Nhiều giải pháp được đưa ra để giúp giảm giá nhà cho dân.

 

Giá nhà ở xã hội có thể giảm thêm

Nhà ở xã hội (NƠXH) giá vẫn cao, có doanh nghiệp khẳng định tại TP.HCM hoàn toàn có thể có nhà giá khoảng 400 triệu đồng… Nhiều giải pháp được đưa ra để giúp giảm giá nhà cho dân.

 

 

 

Giá nhà ở xã hội có thể giảm thêm
Gia đình anh Võ Tài (Q.Tân Phú, TP.HCM) rất muốn có một nơi cư trú ổn định lâu dài, nhưng vẫn chưa sẵn sàng mua nhà xã hội ở chung cư vì còn nhiều rào cản như công việc, đi lại… – Ảnh: TỰ TRUNG

Dù nhận được rất nhiều ưu đãi trong chính sách nhưng theo các chuyên gia, giá bán NƠXH còn cao, khiến người thu nhập thấp… không với tới.

Giá NƠXH như nhà ở thương mại

Hiện nay, có dự án NƠXH giá bán gần như tương tự giá nhà ở thương mại giá rẻ (ít ưu đãi hơn rất nhiều – PV).

Một chủ đầu tư đang đầu tư dự án nhà ở thương mại tại Q.Bình Tân, TP.HCM khẳng định hiện doanh nghiệp này đang bán căn hộ giá chỉ 15 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá bán căn hộ NƠXH tại H.Bình Chánh cũng từ 13-14 triệu đồng/m2.

Thực tế do không đủ tiền mua căn hộ, nhiều người phải ra các vùng xa trung tâm, khu ngoại thành để mua đất nền hoặc nhà giá rẻ. Thậm chí có người “liều” chấp nhận rủi ro, mua đất dính quy hoạch chỉ để có chỗ ở.

Ông Nguyễn Văn Lâm mua đất ở đường Phạm Thế Hiển (Q.8) nói có biết sau này có thể bị giải tỏa làm dự án ven kênh rạch nhưng do mới gom góp được khoảng 200 triệu, trong khi các dự án khác giá trên 1 tỉ đồng nên ông đành chọn mua miếng đất ven kênh ở tạm.

Theo một đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nguyên nhân giá NƠXH hiện nay cao còn do doanh nghiệp phải gánh chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí lãi vay cao. Mặt khác, Nhà nước không kiểm soát những “cơn sốt” vật liệu xây dựng khiến giá nhà đội lên.

Giá có thể giảm thêm

Ông Nguyễn Văn Đực – phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành – cho biết để có nhiều NƠXH với giá thấp, Nhà nước nên cho phép doanh nghiệp được đầu tư vào NƠXH theo phương thức thương mại bình thường.

Nghĩa là nếu chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được Nhà nước ưu đãi về chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc (như tăng hệ số sử dụng đất, cho xây căn hộ trên 25m2…) hoặc hưởng các chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ hạ tầng điện, nước… như áp dụng cho NƠXH thì ngay TP.HCM sẽ có thể có nhiều căn hộ giá chỉ từ 200-400 triệu đồng.

“Có chính sách khuyến khích rõ ràng sẽ có nhiều chủ đầu tư tham gia, tạo sự cạnh tranh, giá cả sẽ tự điều chỉnh có lợi cho khách hàng. Nếu vẫn giữ khung xét duyệt như hiện nay, người nghèo rất khó có nhà” – ông Đực nói.

Đại diện Tổng công ty Viglacera, chủ đầu tư dự án NƠXH, tiết lộ giải pháp giảm giá nhà mà các doanh nghiệp khác có thể tham khảo: tận dụng tối đa các vật liệu xây dựng do chính mình sản xuất, sử dụng gạch bêtông khí chưng áp công nghệ tiên tiến để xây…

Ngoài ra việc mời đơn vị thiết kế uy tín, tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cho từng hạng mục và toàn bộ hạ tầng… đã giúp bố trí vật liệu hợp lý, giảm chi phí… Việc huy động máy móc thi công, nhân viên một cách khoa học cũng giúp tiết kiệm và đẩy nhanh tiến độ dự án.

Nhờ điều này, thực tế Viglacera đã tiết kiệm được tới 2% tổng mức đầu tư, có giá bán thấp hơn nhiều dự án khác song cư dân vẫn được hưởng hệ thống công viên cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ, hồ bơi miễn phí, nhà trẻ, siêu thị…

Một vị đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề xuất muốn phát triển NƠXH cần phải thu hút những người muốn mua NƠXH tham gia tiết kiệm NƠXH. Vị này kiến nghị Nhà nước cần quy định lãi suất tiết kiệm NƠXH theo hướng khuyến khích nhiều người tham gia chương trình NƠXH.

Cơ chế “thoáng” 
để người nghèo có nhà

Ông Dư Phước Tân – trưởng phòng nghiên cứu quản lý đô thị thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – kiến nghị Nhà nước cần xem lại thủ tục chứng minh thu nhập với cơ chế xác nhận nhanh và linh hoạt hơn.

Không chỉ cần chính sách hỗ trợ vay với lãi suất thấp, ông Tân cho rằng có thể phải tính cho vay không lãi suất đối với hộ nghèo, cận nghèo. Ngoài ra, nên xem xét và kéo dài thời gian thuê, mua NƠXH với thời gian dài hơn, khoảng từ 30 năm đến 50 năm.

“Dù đã có chính sách giảm nhưng giá NƠXH nhất là dạng thuê mua còn cao, vì vậy cần điều chỉnh giá NƠXH xuống mức thấp hơn nữa” – ông Tân nói.

Cho biết hiện nay quỹ đất NƠXH chủ yếu chỉ lấy từ 20% các dự án nhà ở thương mại, ông Tân nêu doanh nghiệp phải tự bỏ tiền mua đất của dân nên chi phí tăng lên.

Ông Tân kiến nghị Nhà nước phải quyết liệt bố trí quỹ đất ưu tiên cho các dự án NƠXH, trong đó cần tận dụng quỹ đất nông trường, đất nhà xưởng nội thành đã di dời, bến bãi…

Thực tế tiến độ kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn tới giá thành nhà nên chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội Nguyễn Hữu Cường nêu cần rút ngắn lại. NƠXH vẫn phải qua các cơ quan từ Viện Quy hoạch, Sở Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên – môi trường, Phòng cháy chữa cháy đến Quốc phòng.

Ở các nước phát triển, ông Cường nêu nhà nước cho doanh nghiệp vay vốn và đầu tư sẵn hạ tầng, kết nối cộng đồng dân sinh, thiết chế văn hoá… Tại VN, ông Cường đề nghị Nhà nước cũng cần có chính sách tương tự.

Ngoài ra, để góp phần giảm giá nhà, ông Cường nêu cần áp dụng công nghệ xây dựng, máy móc hiện đại hơn để giảm thời gian thi công, tiết kiệm vật liệu…

* Ông Nguyễn Trọng Ninh (cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng):

Chủ đầu tư được hưởng lợi nhuận 10%

Khi xác định giá NƠXH, cơ quan có thẩm quyền khi thẩm định phải thực hiện nguyên tắc không được tính các ưu đãi của Nhà nước vào giá thành của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, lợi nhuận định mức đối với dự án NƠXH chỉ là 10% trên tổng mức đầu tư. Nên không có cơ sở khoa học và thực tế nào để nói rằng giá NƠXH cao hơn giá nhà ở thương mại giá rẻ.

Chủ đầu tư dự án NƠXH được hưởng các ưu đãi như: miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, được vay vốn ưu đãi với lãi suất chỉ bằng 50% lãi suất huy động…

Nên nếu được đầu tư xây dựng với quy mô và chất lượng như nhau ở cùng một vị trí thì giá bán dự án NƠXH bao giờ cũng thấp hơn khoảng 25-30% so với giá nhà ở thương mại.

LÂM HOÀI

Giá bán rất khác nhau

Hiện nay cùng chính sách nhưng do khác biệt về vị trí, hạ tầng và nhiều yếu tố khác như ưu đãi được hưởng, tổng vốn đầu tư, nhu cầu lợi nhuận… nên giá bán tại các khu NƠXH rất khác nhau, nhiều dự án NƠXH giá tương đương nhiều dự án nhà ở thương mại:

* Dự án NƠXH Ecohome (Bắc Từ Liêm, Hà Nội): giá bán khoảng 12,5 triệu đồng/m2. Giá trị căn hộ từ 400-900 triệu đồng.

* Khu đô thị mới Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội): giá bán 8,68 triệu đồng/m2. Giá trị căn hộ từ 300-600 triệu đồng.

* Dự án HQC Plaza (Bình Chánh, TP.HCM) giá bán khoảng 13 triệu đồng/m2.

* Khu nhà ở an sinh xã hội Becamex (Bình Dương): giá bán căn hộ 30m2 tầng trệt giá cao nhất chỉ 175 triệu đồng (tức chỉ khoảng 5,8 triệu đồng/m2).

* Dự án nhà ở công nhân Khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai) giá bán từ 160 triệu đồng/căn (30-65m2).

Theo các chuyên gia, cần điều chỉnh nhiều cơ chế và tăng cường giám sát để giá bán NƠXH rẻ hơn, tăng cơ hội có nhà cho người thu nhập thấp.

LÂM HOÀI

LÂM HOÀI – TIẾN LONG