24/01/2025

Đào tạo tiến sĩ: Ngại nâng chuẩn, sẽ ‘thua ngay trên sân nhà’

Nâng chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo tiến sĩ với đích đến là các công bố quốc tế, hay cần phân khúc ưu tiên cho một số ngành đặc thù?

 

Đào tạo tiến sĩ: Ngại nâng chuẩn, sẽ ‘thua ngay trên sân nhà’

Nâng chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo tiến sĩ với đích đến là các công bố quốc tế, hay cần phân khúc ưu tiên cho một số ngành đặc thù?

 

 

 

Đào tạo tiến sĩ: Ngại nâng chuẩn, sẽ 'thua ngay trên sân nhà'
Một buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp viện của Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam – Ảnh: N.T.

Nhiều chuyên gia đã chia sẻ cùng Tuổi Trẻ những trăn trở quanh việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ.

Đào tạo tiến sĩ: Ngại nâng chuẩn, sẽ 'thua ngay trên sân nhà'
Ảnh: N.KHÁNH
Để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam, nếu đặt chuẩn đầu ra đối với nghiên cứu sinh là phải có bài báo đăng trên tạp chí quốc tế ISI, chắc chắn số lượng nghiên cứu sinh sẽ bị giảm. Các ứng viên làm tiến sĩ chỉ để lấy tấm bằng sẽ phải cân nhắc kỹ”
PGS.TS Nguyễn Đắc Trung

* PGS.TS Nguyễn Đắc Trung (viện trưởng Viện đào tạo sau ĐH – Trường ĐH Bách khoa Hà Nội):

Trên thế giới đều đặt chuẩn đầu ra

Đã đào tạo trình độ tiến sĩ thì không nên phân biệt đào tạo trong nước hay ở nước ngoài. Mỗi trường ĐH trên thế giới đều có đặt chuẩn đầu ra cho đào tạo bậc tiến sĩ. Do đó chúng ta cũng nên đặt chuẩn dần tiệm cận với thế giới và khu vực.

Việc công bố kết quả nghiên cứu trên các diễn đàn khoa học trong và ngoài nước là điều bình thường đối với những người làm khoa học. Nhiều trường ĐH trên thế giới yêu cầu chuẩn đầu ra đối với nghiên cứu sinh là phải có bài báo công bố quốc tế.

Đăng một bài báo quốc tế không chỉ phụ thuộc vào chất lượng chuyên môn, kết quả nghiên cứu, mà còn phụ thuộc vào cả người viết có đủ năng lực ngôn ngữ để trình bày bài báo quốc tế hay không. Do đó tiếng Anh đóng vai trò quan trọng.

Đối với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, một số ngành đào tạo đã đặt yêu cầu “đầu ra” tương đương với các trường ĐH trên thế giới, ví dụ như ngành toán, vật lý kỹ thuật, khoa học vật liệu điện tử, vật liệu quang học, quang điện tử và quang tử… Với những ngành này, trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ, nghiên cứu sinh phải công bố ít nhất hai bài báo trên các tạp chí quốc tế ISI.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn có một số ngành như cơ khí, dệt may, kỹ thuật nhiệt… đang phải nỗ lực để tiệm cận chuẩn về công bố ít nhất một bài báo quốc tế.

Để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam, nếu đặt chuẩn đầu ra đối với nghiên cứu sinh là phải có bài báo đăng trên tạp chí quốc tế ISI, chắc chắn số lượng nghiên cứu sinh sẽ bị giảm. Các ứng viên làm tiến sĩ chỉ để lấy tấm bằng sẽ phải cân nhắc kỹ.

Đào tạo tiến sĩ là đào tạo đội ngũ các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu tinh hoa để phát triển khoa học đất nước. Nhiều quốc gia trên thế giới không đào tạo tiến sĩ ồ ạt. Những thành tựu khoa học của những người có học vị tiến sĩ lại rất đáng nể. Ở nước ta, đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ không phải là khó để đạt số lượng, nhưng quan trọng là chất lượng tiến sĩ ra sao?

Nếu chúng ta vẫn còn e ngại, vẫn sợ không đạt chuẩn về công bố quốc tế với nghiên cứu sinh thì sẽ có lúc “thua ngay trên sân nhà”, bởi các chương trình đào tạo tiến sĩ của nước ngoài sẽ lấn át hoàn toàn Việt Nam…

Đào tạo tiến sĩ: Ngại nâng chuẩn, sẽ 'thua ngay trên sân nhà'
Ảnh: N.KHÁNH

* GS.TS Hà Huy Bằng (khoa vật lý Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội):

Còn nhiều ngành đặc thù khó có công bố quốc tế

Về nguyên tắc, tôi ủng hộ áp dụng quy định nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học uy tín, hoặc có công trình đăng trong kỷ yếu của các hội thảo quốc tế. Điều này giúp giáo dục sau ĐH cũng như trình độ khoa học của Việt Nam hội nhập được với tiêu chuẩn chung của thế giới.

Tuy nhiên với một số lĩnh vực, quy định này cần có lộ trình phù hợp, tránh gây khó quá mức cho cả hoạt động đào tạo của cơ sở giáo dục và nghiên cứu sinh như những vấn đề liên quan đến lịch sử, dân tộc học…

Ngay trong khoa học tự nhiên, ở những lĩnh vực liên quan đến thực nghiệm, yêu cầu bài báo quốc tế trong nhiều trường hợp là vô cùng khó. Như ở khoa học vật lý thực nghiệm, không phải ai cũng có thể có công bố quốc tế, vì nhiều công trình đòi hỏi có những thiết bị thí nghiệm hiện đại thì phép đo mới được quốc tế công nhận.

Tóm lại, yêu cầu công bố quốc tế cần được thực hiện mềm dẻo. Nên hướng đến tiêu chuẩn này trong một số ngành gắn với lý thuyết nhiều hơn như toán, vật lý lý thuyết, các ngành mà trình độ phát triển trong nước đã phát triển tốt chứ không thể đánh đồng tất cả.

Tại khoa vật lý Trường ĐH Khoa học tự nhiên ĐH Quốc gia Hà Nội, hơn 10 năm qua đã tồn tại luật bất thành văn là nghiên cứu sinh bộ môn vật lý lý thuyết bắt buộc phải có bài báo đăng trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng cho tất cả các bộ môn của khoa được.

Đào tạo tiến sĩ: Ngại nâng chuẩn, sẽ 'thua ngay trên sân nhà'
Ảnh: NVCC

* TS Nguyễn Thiên Tạo (ủy viên Hội đồng khoa học Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam – Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam):

Để nâng chuẩn tiến sĩ phải nâng chuẩn cả thầy hướng dẫn

Khi làm nghiên cứu sinh ở Nhật Bản, tôi thấy tiêu chuẩn quan trọng nhất của “đầu ra” là các công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có phản biện. Đây là điều kiện bắt buộc để được bảo vệ và cấp bằng tiến sĩ. Tôi ủng hộ quy định đầu ra nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế, hoặc công bố công trình trên các kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện.

Có ý kiến cho rằng “cần chứng minh năng lực nghiên cứu trước, có bài báo quốc tế trước rồi làm tiến sĩ sau”, nghĩa là cần đặt bài báo quốc tế như một tiêu chuẩn từ “đầu vào” song theo tôi, việc đặt chuẩn đó cho đầu ra sẽ phù hợp và khả thi hơn.

Học vị tiến sĩ cần gắn với công tác nghiên cứu là chính và đào tạo tiến sĩ nhằm giúp nghiên cứu sinh sau khi được cấp bằng có thể trở thành một nhà nghiên cứu độc lập, có thể tự triển khai các ý tưởng nghiên cứu của mình. Như vậy nâng chuẩn “đầu ra” tiến sĩ thì cũng cần thiết bổ sung quy định tiêu chuẩn thầy hướng dẫn sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế.

NGỌC HÀ