24/01/2025

10 năm Luật điện ảnh: Việt Nam cần rạp chiếu phim ‘người lớn’?

Luật điện ảnh (gồm 8 chương, 55 điều) sau 10 năm thi hành vẫn còn nhiều vấn đề “nóng hổi” như kiểm duyệt phim, phân loại phim theo độ tuổi, tỉ lệ ăn chia… được đưa ra mổ xẻ.

 

10 năm Luật điện ảnh: Việt Nam cần rạp chiếu phim ‘người lớn’?

Luật điện ảnh (gồm 8 chương, 55 điều) sau 10 năm thi hành vẫn còn nhiều vấn đề “nóng hổi” như kiểm duyệt phim, phân loại phim theo độ tuổi, tỉ lệ ăn chia… được đưa ra mổ xẻ.

 

 

 

10 năm Luật điện ảnh: Việt Nam cần rạp chiếu phim 'người lớn'?
Diễn viên Hồng Ánh trao đổi với cục phó Cục Điện ảnh Đỗ Duy Anh bên lề hội nghị Ảnh: MINH TRANG

Là thị trường điện ảnh sôi động bậc nhất nước nên không ngạc nhiên khi hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật điện ảnh khu vực phía Nam diễn ra sáng 7-12 tại TP.HCM do Cục Điện ảnh, Bộ Văn hoá – thể thao và du lịch chủ trì thu hút đông đảo sự quan tâm của các đơn vị, cá nhân liên quan trong lĩnh vực điện ảnh.

Kiểm duyệt phim: rào cản lớn

Với ba hội đồng kiểm duyệt phim (hai tại Hà Nội, một tại TP.HCM) thì riêng năm 2016 đã có 23 bộ phim nhập ngoại không được Cục Điện ảnh cấp phép phổ biến tại hệ thống các rạp chiếu. Sự chặt chẽ, đôi khi có phần quá nghiêm ngặt của cục, được nhiều đơn vị sản xuất “mong mỏi” sẽ nới lỏng hơn.

Bà Bích Liên (giám đốc Công ty Sóng Vàng, nhà sản xuất của nhiều bộ phim hài, hài – hành động mỗi dịp tết) chia sẻ:

 

“Khâu kiểm duyệt là rào cản khá lớn khiến phim hành động trông rất giả vì không được có máu chảy, phim kinh dị thì không ra kinh dị vì bị cắt quá nhiều. Phim dở khán giả không xem, chúng tôi không thể mạo hiểm với những thể loại khác, lại phải quay lại làm phim hài cho chắc”.

Bà Liên đề xuất để tránh tình trạng phim làm với bao công sức của nhà sản xuất lại không thể bước qua cửa kiểm duyệt, nên chăng Cục Điện ảnh kiểm duyệt luôn từ khâu kịch bản phim. Tuy nhiên, điều này được cục trưởng Ngô Phương Lan cho rằng khó khả thi vì Luật điện ảnh không quy định các hãng phim phải trình kịch bản lên cục trước khi đưa vào sản xuất trừ phim có yếu tố nước ngoài. 

10 năm Luật điện ảnh: Việt Nam cần rạp chiếu phim 'người lớn'?
Cảnh phim Ba cưới vợ ba, phim Việt sẽ ra rạp trong tháng 12 – 201 - Ảnh: ĐPCC

Mặt khác, theo chia sẻ bên lề của một số nhà sản xuất phim, việc một bộ phim từ khâu kịch bản đến sản phẩm hoàn chỉnh là “một trời một vực” nên kiểm duyệt từ khâu kịch bản là không cần thiết. Diễn viên Trương Ngọc Ánh (giám đốc Công ty Ánh Việt) cũng thắc mắc việc cục nên bổ sung làm rõ “Thuần phong mỹ tục là thế nào? Hở bao nhiêu là được?”.

Tỉ lệ ăn chia: chuyện chưa có hồi kết

Theo bà Ngô Phương Lan, nếu năm 2000 doanh thu từ điện ảnh ở Việt Nam chỉ khoảng 2 triệu USD thì đến năm 2015 con số này là hơn 100 triệu USD.

“Nhưng so với tiềm năng thực có thể khai thác và với sự phát triển chung của điện ảnh trong khu vực thì 100 triệu USD vẫn là một con số cực kỳ khiêm tốn” bà Lan nhấn mạnh.

Đơn cử, phim nhập vẫn đang áp đảo thị trường với tỉ lệ 80-20 (năm 2016 phim nhập là 177 bộ phim, trong khi phim Việt Nam ra rạp hơn 40 bộ phim) là điều cần suy ngẫm. Phim Việt ra rạp chưa đạt được kết quả như mong muốn có nhiều lý do, trong đó phải kể đến tỉ lệ thoả thuận ăn chia và chất lượng phim đã thực sự thu hút khán giả hay chưa?

Câu chuyện gây ồn ào năm 2016 trong giới điện ảnh là việc ăn chia tỉ lệ phim Việt tại các hệ thống rạp do nước ngoài đầu tư cũng được bà Bích Liên đề cập với mong mỏi Cục Điện ảnh sẽ “khéo léo” tác động để bảo vệ quyền lợi cho phim nội địa trên sân nhà.

10 năm Luật điện ảnh: Việt Nam cần rạp chiếu phim 'người lớn'?
Cảnh phim Chờ em đến ngày mai, phim Việt sẽ ra rạp trong tháng 12 – 2016 – Ảnh: ĐPCC

Ông Vương Duy Biên (thứ trưởng Bộ VH-TT&DL) thẳng thắn chia sẻ: “Tôi biết rõ một số khúc mắc giữa các doanh nghiệp phát hành phim Việt Nam với nước ngoài, đôi khi chúng ta phải giải quyết bằng việc dàn xếp với nhau. Không nên đứng về phía nào bảo vệ phía nào, vì dù trong nước hay nước ngoài họ cũng đang đóng góp vào sự phát triển chung của điện ảnh Việt Nam. Khi chúng ta hội nhập, chúng ta không thể theo chế độ bao cấp cũ, cứ trong nước thì phải bênh! Bộ phim ra rạp được công chúng đón nhận hay không mới là điều quan trọng nhất của một bộ phim”.

 “Nếu than bị chèn ép thì phải xem chất lượng bộ phim của mình đến đâu để họ phải ăn chia theo tỉ lệ đó?”.
Diễn viên – đạo diễn Hồng Ánh

Bà Ngô Phương Lan cũng khẳng định: can thiệp vào điều này là vượt quá quyền hạn của Cục Điện ảnh, thực tế tỉ lệ ăn chia giữa các doanh nghiệp được quy định rất rõ trong Luật cạnh tranh. Bà Lan còn cung cấp một con số khác đáng quan tâm, đó là theo quy định của nghị định 54 Luật điện ảnh, phải đảm bảo 20% buổi chiếu phim Việt mỗi năm thì trong năm 2016 con số này đã 
là 30%.

10 năm Luật điện ảnh: Việt Nam cần rạp chiếu phim 'người lớn'?
Cảnh phim Vệ sĩ Sài Gòn, phim Việt sẽ ra rạp trong tháng 12-2016 – Ảnh: ĐPCC

Quỹ hỗ trợ điện ảnh ưu ái nhà làm phim trẻ

Quỹ hỗ trợ điện ảnh, câu chuyện “nói mãi không thôi” nhiều năm qua, tiếp tục trở lại với quyết tâm của cục trưởng Ngô Phương Lan là sẽ trình lại đề án này lần ba vào năm tới, bởi nếu duy trì được nguồn quỹ thường xuyên sẽ là điều kiện để sản xuất các phim thể nghiệm, phim nghệ thuật có chất lượng điện ảnh cao, thưởng cho những bộ phim đoạt những giải thưởng lớn và xa hơn là đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh trong nước, đặc biệt là nhân lực trẻ.

Theo bà Lan, sở dĩ đề án quỹ hỗ trợ điện ảnh không thể thực hiện được trong nhiều năm qua là bởi chúng ta không có nguồn vốn thường xuyên. Giải pháp của việc này vẫn là thu thêm 3% trên doanh thu bán vé hiện nay để thành lập quỹ như từng đề xuất.

“Nhiều nhà sản xuất và phát hành phim cho rằng tiền vé xem phim đã cõng trên lưng việc đóng thuế và chịu nhiều nghĩa vụ khác, nhưng thực tế điều này rất phổ biến ở các nước có nền điện ảnh phát triển như ở Pháp là 10,7%, ở Đức thậm chí là 19%. Việc thu 3% là khá khiêm tốn nhưng nếu tính doanh số thu được từ điện ảnh là 100 triệu USD trong năm 2015 thì 3% con số này cũng là một khoản phần nào duy trì được quỹ hỗ trợ điện ảnh” – bà Ngô Phương Lan giải thích thêm.

Phân loại phim, phân luôn rạp chiếu?

Từ năm 2017, phim chiếu rạp tại Việt Nam sẽ phân làm bốn cấp độ: cho khán giả trên 13 tuổi, 16 tuổi, 18 tuổi và phim dành cho toàn bộ công chúng. Việc phân loại phim này được hiểu là phân loại phim với những bộ phim được cục cấp phép và phổ biến, chứ không bao gồm những bộ phim không qua được cửa kiểm duyệt của cục.

Đặc biệt, dù là ý kiến được đưa ra cuối cùng tại hội nghị nhưng việc đề xuất phân loại phim, phân luôn cả rạp chiếu của ông Hà Minh Thái (vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ VH-TT&DL) nhận được sự quan tâm của khá nhiều người.

“Ở nước ngoài không có gì xa lạ với việc có những rạp chiếu phim “người lớn”, chiếu từ sáng đến đêm, thu lợi lớn khi phục vụ cho những nhóm khán giả đủ độ tuổi nhất định. Chúng ta đã nghĩ đến việc phân loại phim, vậy có nên chăng phân loại luôn cả rạp chiếu?” ông nói.

Ý kiến này được nhiều đại biểu ghi nhận là một ý kiến hay nhưng cần thời gian và thực tế, dựa trên số lượng phim và số lượng rạp chiếu hiện nay tại Việt Nam, để cân nhắc thêm.

MINH TRANG