23/01/2025

Tàu cá nhỏ: bỏ thì thương, vương thì tội

Việc Đà Nẵng quyết đến năm 2020 xoá sổ 1.095 tàu cá nhỏ, dưới 20CV đánh bắt ven bờ đã khiến nhiều ngư dân đang hành nghề trên tàu, thuyền dưới 20CV lo lắng, đứng ngồi không yên.

 

Tàu cá nhỏ: bỏ thì thương, vương thì tội

 Việc Đà Nẵng quyết đến năm 2020 xoá sổ 1.095 tàu cá nhỏ, dưới 20CV đánh bắt ven bờ đã khiến nhiều ngư dân đang hành nghề trên tàu, thuyền dưới 20CV lo lắng, đứng ngồi không yên.

 

 

 

Tàu cá nhỏ: bỏ thì thương, vương thì tội
Ngư dân Trần Minh Khẩn (trái), 46 tuổi, trú phường Thuận Phước, Đà Nẵng, neo chiếc ghe đánh cá để thợ sửa máy xuống sửa chữa. Ông Khẩn cho rằng nếu “xóa sổ” tàu thuyền nhỏ thì mình không biết làm gì để sống – Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Nhằm mục tiêu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ven bờ, khuyến khích ngư dân vươn khơi xa bờ khai thác và giảm lượng tàu, thuyền nhỏ, thúng (gọi tắt tàu cá nhỏ) đẩy mạnh khai thác du lịch biển, Đà Nẵng quyết định từ nay đến năm 2020 xoá sổ 1.095 tàu cá nhỏ, dưới 20CV đánh bắt ven bờ.

Tuy nhiên, chủ trương này đã gặp phải phản ứng của đa số ngư dân có tàu cá, bởi mức hỗ trợ hủy tàu cá nhỏ (xả bản) còn thấp, không có vốn đầu tư tàu lớn vươn khơi, chuyển đổi nghề rất khó khăn, phần lớn ngư dân lớn tuổi, trình độ học vấn thấp nên việc họ lên bờ làm ăn không thật dễ dàng.

Biết làm gì để sống?

Khi nghe về đề án này, nhiều ngư dân đang hành nghề trên tàu, thuyền dưới 20CV rất lo lắng, đứng ngồi không yên.

Ngư dân Huỳnh Bốn (tổ 33, phường Thuận Phước) cho biết gia đình ông có năm nhân khẩu chỉ sống dựa vào nghề lặn chíp chíp trên chiếc tàu công suất 20CV.

“Gia đình tôi sống nhờ nghề lặn này nhiều năm qua, rất vất vả nhưng mỗi ngày cũng kiếm được 300.000-500.000 đồng đủ trang trải cuộc sống. Nay nếu TP xoá sổ tàu nhỏ thì không biết mình sẽ làm nghề gì để sống, tuổi tụi tôi cũng lớn, có đi học nghề cũng khó” – ông Bốn chia sẻ.

Tương tự, ngư dân Trần Minh Khẩn (trú phường Thuận Phước) lo ngại: “Nếu TP mua lại tàu được vài chục triệu đồng cũng chỉ đủ chi tiêu trong vài tháng rồi hết.

Sau đó biết lấy gì làm kế sinh nhai. Tôi đã 46 tuổi, giờ muốn đóng tàu cá lớn đi khơi xa cũng không được vì không có tiền, không có kinh nghiệm, sức khoẻ để đi biển”.

Tại bãi biển Mân Thái sáng 5-12, lão ngư Nguyễn Văn Ngộ (57 tuổi, tổ 27H, phường Thọ Quang) tâm sự hôm nay thu được cá, tôm hơn 2 triệu đồng, ngày bình thường cũng 500.000-700.000 đồng nên gia đình bảy người, có năm người con cũng đủ sống được, thời gian còn lại buổi chiều làm thêm việc khác.

“Tôi lớn tuổi, mắt thì kém, không biết chữ học nghề cũng không xong, chuyển đổi nghề gì để có cái ăn quả là quá khó. Đời tôi chỉ bám cái thúng này chạy ven bờ suốt đời thôi” – ông Ngộ nói.

Đứng cạnh bên, ông Phạm Văn Tuyên (45 tuổi, tổ 15, phường Mân Thái) cho hay nghề lưới thúng ven bờ này mỗi người/buổi biển kiếm được bình quân 700.000 đồng, đầu tư thấp (cả thúng và lưới khoảng 15 triệu đồng) thì không ai dại bỏ nghề.

Nếu TP thu thúng, đuổi chỗ này thì phải tìm chỗ khác mà làm thôi chứ giờ không có sức đi biển xa bờ, cũng chẳng biết học nghề gì để làm việc có thu nhập nuôi 
gia đình.

Học nghề miễn phí

Phó Phòng kinh tế quận Sơn Trà Trần Văn Thành cho biết hiện quận có 11 tàu cá nhỏ đăng ký xả bản năm nay, những người đánh cá phần lớn là người cao tuổi, các thành viên gia đình không nối nghiệp đi biển nữa, số ít là lấy tiền hỗ trợ sắm thêm lưới đi với tàu cá khác.

Ông Thành cũng nhìn nhận mức tiền thu mua tàu, thuyền không đủ sắm vài tay lưới cho người dân tham gia tàu khác khai thác và mức hỗ trợ học nghề còn thấp, các nghề nghiệp dạy miễn phí không hợp với ngư dân.

Liên quan đến đề án này, ông Đặng Công Thắng – chủ tịch Hội Nông dân Đà Nẵng – cho biết: “Nhiều ngư dân cũng lo về “hậu chuyển đổi” tàu thuyền nhỏ và hàng nghìn thành viên gia đình bị ảnh hưởng theo. Họ lo là làm sao phải có chính sách giải quyết công ăn việc làm phù hợp với trình độ, sức khoẻ, lứa tuổi…”.

Ông Thắng nói thêm hiện vẫn triển khai nhưng trong quá trình thực hiện có vướng mắc gì sẽ tiến hành điều chỉnh.

Trưởng phòng dạy nghề Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng Kiều Thị Thanh Trang cho hay là đơn vị được TP giao hỗ trợ dạy nghề miễn phí cho ngư dân nên sở đã triển khai các đơn vị, địa phương rà soát nhu cầu học nghề và chuyển đổi ngành nghề của ngư dân. Hiện chưa có số liệu cụ thể bao nhiêu ngư dân đăng ký học nghề và học nghề gì, chỉ khi nào đăng ký xong mới triển khai.

“Có 42 ngành nghề nằm trong danh mục được học nghề miễn phí, ngoài ra ngư dân có thể đề xuất những ngành nghề khác phù hợp với nhu cầu của mình chứ không phải bó hẹp trong danh mục.

Trên cơ sở khảo sát, đăng ký của các đơn vị và ngư dân thì sở sẽ tổng hợp, tham mưu UBND TP xử lý” – bà Trang nói.

Tàu cá nhỏ: bỏ thì thương, vương thì tội
Tàu, thuyền nhỏ của ngư dân Đà Nẵng đậu trên vịnh Đà Nẵng Ảnh: VIỆT HÙNG

Phải đảm bảo cuộc sống người dân tốt hơn

Trước đó ngày 26-7, UBND TP Đà Nẵng có quyết định từ nay đến năm 2020 dẹp bỏ 1.095 tàu, thuyền dưới 20CV và thuyền thúng hoạt động ven bờ biển, ven sông với 1.200 lao động (tàu đăng ký và tàu không đăng ký).

Các tàu cá nhỏ này khai thác hải sản ven bờ có máy móc cũ, lạc hậu, hệ thống thông tin cũ kỹ nên không đảm bảo an toàn. Mặt khác, lượng tàu thuyền này làm cạn kiệt thuỷ sản ven bờ, có sự cạnh tranh và ảnh hưởng đến các dịch vụ du lịch.

Ông Nguyễn Đỗ Tám, phó giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng, cho biết chủ trương mới triển khai tháng 7 nên kế hoạch năm 2016 làm 233 chiếc chưa thực hiện được, sở họp với các đơn vị, địa phương cố gắng tập trung tuyên truyền vận động, thực hiện thực tế được bao nhiêu tốt chừng đó.

Ông Tám cho hay chuyện ngư dân phản ảnh mức hỗ trợ chưa sát, sở đã lường trước từ đầu vì chủ trương này triển khai từ năm 2014 đến nay mới ra được quyết định thì đã trải qua bao nhiêu cuộc họp, bàn tới bàn lui, lấy ý kiến rất nhiều ngành lẫn ngư dân nữa.

Ông Tám nói những người có ý kiến nhiều nhất là số tàu không đăng ký, chỉ được hưởng 50% chính sách.

“Tinh thần chung thực hiện chủ trương này là quyết liệt, một quý các cơ quan sẽ họp để lắng nghe ý kiến nhiều chiều và rút kinh nghiệm làm cho chính sách tốt hơn, cái nào chưa đúng, chưa trúng, chưa hợp lý, hợp tình thì tham mưu trình TP sửa đổi cho phù hợp để triển khai” – ông Tám cho hay.

Liên quan đề án này, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã chỉ đạo các quận, huyện tổ chức họp xét duyệt, lập hồ sơ chi hỗ trợ từ nguồn ngân sách cho đúng.

Ông Thơ lưu ý: “Đề án có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển khai thác hải sản theo hướng bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn, góp phần giải quyết hài hoà khai thác hải sản nên khi thực hiện phải có lộ trình, không nóng vội.

Phải lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân, đảm bảo đề án phải làm cho cuộc sống người dân tốt hơn”.

Thu mua tàu cá, thuyền thúng

Tàu thuyền đã đăng ký: Với tàu cá có vỏ nan tre be gỗ (ghe nan) 20 triệu đồng/chiếc. Với tàu vỏ gỗ có sức chở tối đa: loại từ 0,5 tấn trở lên là 30 triệu đồng/chiếc; loại dưới 0,5 tấn mua 20 triệu đồng/chiếc. Thuyền thúng gắn máy có sức chở tối đa (loại từ 0,5 tấn trở lên) là 15 triệu đồng/chiếc và loại dưới 0,5 tấn thu mua 10 triệu đồng/chiếc.

Tàu thuyền không đăng ký: Thu mua 10 triệu đồng/chiếc đối với tàu, vỏ là các loại vật liệu và 5 triệu đồng/chiếc đối với thuyền thúng gắn máy.

Hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề cho lao động hoạt động trên các tàu thuyền sau khi đã được thu mua, mức 10 triệu đồng/lao động (không hỗ trợ cho lao động trên các tàu thuyền không đăng ký).

Tổng kinh phí thực hiện 23,47 tỉ đồng. Năm 2016 là 233 chiếc, năm 2017 là 233 chiếc, năm 2018 là 125 chiếc, năm 2019 là 125 chiếc và năm 2020 là 129 chiếc.

Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản 
là hoàn toàn đúng, nhưng…

Trao đổi với Tuổi Trẻ tối 5-12, một trưởng ban của Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng ven bờ là nơi cá bố mẹ vào để đẻ, sau khi đẻ xong cá con cũng sống ở đấy.

“Chủ trương bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản là hoàn toàn đúng. Nhưng cách bảo vệ thì không dùng biện pháp hành chính được, mà phải đi song song: hãy chỉ rõ cho dân từng vùng ven bờ một, chỗ nào cá vào đẻ, cá đẻ xong rồi phải để cho dân đánh.

Cá con lớn và sẽ ra khơi nên đến thời gian nào đó phải cho dân đánh bắt chứ không nên cấm toàn bộ. Cái quan trọng là nếu cá nhỏ đến lúc cá lớn thì vẫn là của họ, nên khi đó chỉ cần nói với dân: hãy để nó lớn thì đánh bắt sẽ thu sản lượng cao hơn.

Nói thế thì người ta nghe, chứ không họ sẽ nghĩ họ không đánh bắt thì cũng có người ở nơi khác đến đánh bắt, rồi họ sẽ đánh bắt. Quan điểm của tôi là nên giao biển ven bờ cho cộng đồng dân cư để họ tự tìm cách giữ lấy mà làm ăn”.

Vẫn theo vị trưởng ban này: “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn vùng ven biển, vùng biển ấy có gì để khách du lịch đến, nên giao vùng biển cho dân.

Nhà nước nên đứng vai trò là hướng dẫn để người dân làm thế nào cho tốt. Nếu cấm thì anh cũng phải giải quyết nghề cho người ta. Họ sẽ sống bằng cái gì? Phải có giải pháp đảm bảo để dân ở đó an tâm sinh sống sau đó”… 


ĐỨC BÌNH ghi

VIỆT HÙNG – ĐOÀN CƯỜNG