23/01/2025

Nhậu nhiều dễ… mất xương

Bệnh lý này xảy ra ở nhiều nam giới nhưng lại không có triệu chứng. Khi triệu chứng xuất hiện cũng là lúc bệnh đã ở giai đoạn biến chứng.

 

Nhậu nhiều dễ… mất xương 

Bệnh lý này xảy ra ở nhiều nam giới nhưng lại không có triệu chứng. Khi triệu chứng xuất hiện cũng là lúc bệnh đã ở giai đoạn biến chứng.

 

 

 

Nhậu nhiều dễ… mất xương 
Lạm dụng rượu bia làm tăng khả năng mắc loãng xương gấp hơn 2,9 lần người bình thường – Ảnh: Quang Định

Nghiên cứu khoa học mới nhất được công bố tại hội nghị khoa học kỹ thuật Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) tháng 11-2016 của nhóm bác sĩ khoa nội cơ xương khớp Bệnh viện Thống Nhất cho thấy có đến 35,3% bệnh nhân nam bị loãng xương, 47,4% bị mất xương…

Dễ gặp ở người hút thuốc và nhậu

Nghiên cứu thực hiện trên 266 người bệnh nam từ 40 tuổi trở lên, nhập viện điều trị nội trú từ tháng 3-2015 đến tháng 8-2016 tại Bệnh viện Thống Nhất. Những người bệnh này được chẩn đoán loãng xương bằng phương pháp hấp thu tia X năng lượng kép tại cột sống thắt lưng hoặc cổ xương đùi.

Ông V.Q.T. (52 tuổi, TP.HCM) và ông N.V.D. (54 tuổi, TP.HCM) vào viện điều trị nội trú vì loãng xương. Hai người bệnh này nhập viện trong tháng 9 và 10-2015 với biểu hiện chính là đau cột sống thắt lưng, ngoài ra còn bị bệnh khớp lâu ngày, tăng huyết áp. Cả hai ông đều có tiền căn hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều và ít vận động thể dục thể thao.

Kết quả chụp phim X-quang cột sống, đo mật độ xương cột sống thắt lưng và cổ xương đùi cho thấy cả hai ông đều bị loãng xương khá nặng.

“Khi bị bệnh loãng xương người bệnh không có triệu chứng nào cả, vẫn bình thường. Nhưng khi xuất hiện triệu chứng thì đã ở giai đoạn biến chứng như: dễ bị gãy xương, lún đốt sống, thay đổi chiều cao (lùn đi). Nếu người bệnh bị té ngã nhẹ hay chấn thương nhỏ cũng dễ bị gãy xương hơn người bình thường”

Bác sĩ Trung Kiên

Một trong những người bệnh bị loãng xương nặng phải nhập viện điều trị nhiều lần là ông L.Đ.T. (87 tuổi, TP.HCM).

Ngày 24-11, nằm trên giường bệnh ông T. cho biết ông nhập viện từ ngày 3-11 vì đau nhức rất nhiều, đặc biệt là ở lưng. Nếu nằm yên, thẳng lưng thì ít đau nhưng chỉ cần nhúc nhích, trở mình là lại đau nhiều. Ông không thể tự ngồi được mà phải có người đỡ lên và cũng không thể ngồi lâu.

Theo ông T., trước đây ông hút thuốc lá mỗi ngày một gói, ít vận động, không tập thể dục.

Bác sĩ CK1 Nguyễn Trung Kiên – đại diện nhóm nghiên cứu – cho biết lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, ít vận động thể dục thể thao là yếu tố nguy cơ gây loãng xương gặp nhiều nhất, nhưng rất nhiều người bệnh trong nghiên cứu này không biết thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều… có thể gây loãng xương, mất xương ở nam giới.

Gây rối loạn hấp thu

“Lạm dụng rượu bia làm cho cơ thể dễ gây rối loạn tiêu hoá, rối loạn hấp thu, thậm chí gây viêm đường ruột mãn tính, khiến tất cả thực phẩm khi ăn vào cơ thể khó hấp thu được. Rối loạn hấp thu lâu ngày làm cơ thể thiếu hụt các chất dinh dưỡng, khoáng chất, trong đó có canxi – nguyên liệu tạo thành xương.

Khi hấp thu bị giảm, nguồn nguyên liệu đầu vào bị suy giảm thì chất lượng xương không được như mong muốn. Lạm dụng rượu bia làm tăng khả năng mắc loãng xương gấp hơn 2,9 lần người bình thường” – bác sĩ Trung Kiên giải thích nguyên nhân loãng xương ở nam giới khi lạm dụng rượu bia.

Tương tự, hút thuốc lá sẽ làm giảm quá trình tạo xương, giảm hấp thu canxi và chuyển hoá vitamin D, làm nồng độ vitamin D trong máu suy giảm, làm bất hoạt estradiol tại gan và làm giảm hoạt tính của estrogen lên quá trình tạo xương.

Theo bác sĩ Trung Kiên, khi bị loãng xương, có nhiều phác đồ điều trị khác nhau, trong đó có bổ sung nguyên liệu để tái tạo xương là canxi. Tuy nhiên, để cơ thể hấp thu được canxi dễ dàng, thuận lợi phải có sự “giúp sức” của vitamin D. Vitamin D có nhiều trong ánh sáng mặt trời, canxi có nhiều trong các loại nhuyễn thể như tôm, cua, ghẹ, nghêu, sò…

Phòng ngừa từ khi còn trẻ

Theo bác sĩ Trung Kiên, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy ước tính có khoảng 6-10% nam giới trên 50 tuổi có biểu hiện loãng xương và khoảng 1/5 nam giới trên 50 tuổi có khả năng bị gãy xương do loãng xương trong suốt thời gian còn lại của cuộc sống. Gãy xương cột sống cũng thường gặp ở nam giới lớn tuổi.

Cũng như phụ nữ, nam giới đến tuổi nào đó cũng bị loãng xương, tuổi càng cao càng dễ bị loãng xương nhưng khi có thêm các yếu tố nguy cơ (hút thuốc, uống rượu nhiều, ít vận động…) sẽ làm tăng nguy cơ loãng xương và thúc đẩy loãng xương đến sớm.

Do vậy, để có bộ xương chắc khoẻ và tránh nguy cơ loãng xương khi lớn tuổi phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa từ khi còn trẻ và trong suốt cuộc đời.

Phải có chế độ ăn uống, dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung canxi từ nhỏ, tất cả lứa tuổi đều cần bổ sung canxi – không bao giờ là quá muộn. Hạn chế rượu bia, thuốc lá, tăng cường vận động (đi bộ hoặc thể dục thể thao trong khả năng của mình 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần), phơi nắng trước 9g sáng đều đặn hằng ngày khoảng 20-30 phút, để chuyển hóa vitamin D qua da giúp cơ thể hấp thu được canxi.

Nam giới có nguy cơ loãng xương cao nếu uống trên 80g rượu/ngày, đang hút thuốc lá hoặc đã hút trên 100 điếu trong đời. Ngoài ra, nếu có sử dụng corticoid kéo dài, ít vận động thể lực, lớn tuổi… cũng dễ bị loãng xương.

LÊ THANH HÀ, [email protected]