23/12/2024

Nhắm mắt chiều chồng giữ “hạnh phúc”

Kết quả một cuộc điều tra gần đây cho thấy trên 10% phụ nữ cho biết từng bị chồng bạo lực tình dục. Tuy nhiên theo các chuyên gia, con số này không phản ánh đúng thực tế do những hành vi bạo lực tình dục đang bị hiểu sai.

 

Nhắm mắt chiều chồng giữ “hạnh phúc” 

 Kết quả một cuộc điều tra gần đây cho thấy trên 10% phụ nữ cho biết từng bị chồng bạo lực tình dục. Tuy nhiên theo các chuyên gia, con số này không phản ánh đúng thực tế do những hành vi bạo lực tình dục đang bị hiểu sai.

 

 

 

Nhắm mắt chiều chồng giữ “hạnh phúc” 
Minh hoạ: Nguyễn Ngọc Thuần

Từ cách hiểu sai khiến nhiều người vợ không nhận ra mình bị bạo lực tình dục, thậm chí cho rằng mình phải có nghĩa vụ quan hệ tình dục với chồng đến suốt đời.

Và kết quả điều tra như trên của Bộ Văn hoá – thể thao và du lịch vừa công bố tại Hội nghị quốc gia về sức khoẻ, tình dục và xã hội lần 3 chưa hẳn là con số đầy đủ.

“Làm đại cho xong”!

Một phụ nữ ở Nam Định tâm sự trong khi mình là lao động chính, hằng ngày vất vả với việc thu mua cá ngoài biển rồi đem bán tại chợ nhỏ trong vùng thì chồng nghiện rượu suốt ngày nằm nhà.

Vào những lúc chồng say rượu, chị thường bị chồng đánh đập, ép quan hệ tình dục. Có nhiều lần chị bị chồng đuổi chạy khắp làng bắt quan hệ và mắng chửi chị không biết làm vợ khiến chị rất tủi hổ.

Trong một lần uất ức đỉnh điểm, chị nhờ chính quyền địa phương can thiệp nhưng thay vì được bênh vực, giải quyết, người cán bộ địa phương lại cho rằng đây là việc cá nhân vợ chồng và chị có phần lỗi khi làm vợ mà không chiều chồng.

Bên cạnh đó, nhiều người xung quanh khi biết chuyện cũng cho rằng chị có phần sai vì làm vợ là phải chiều chồng, “chồng đòi hỏi tí có sao đâu”… khi nghe nhiều chị cũng thấy mình sai thật! Sau đó tiếp tục chịu đựng suốt một thời gian dài.

Chị N.T.H.V., 34 tuổi, nhân viên văn phòng, kể giai đoạn sau khi sinh nở và chăm con khiến chị mệt nhoài không có hứng thú tình dục nhưng mỗi lần chồng “đòi hỏi” chị đều đáp ứng vì sợ nếu chồng không được giải toả sẽ đi tìm đối tượng khác, từ đó hạnh phúc gia đình bị ảnh hưởng. Thậm chí không ít lần chị bị đau nhưng vẫn phải diễn kịch, giả vờ vui lòng cho chồng đỡ tự ái.

Tâm sự về chuyện vốn dĩ rất riêng tư, chị T.T.H.A. là giáo viên ở Hà Nội kể mỗi lần được đáp ứng là chồng chị có vẻ như rất vui vẻ, hào hứng giúp đỡ trong mọi công việc nhưng mỗi khi chị than mệt, không muốn thì chồng lại tỏ ra khó chịu, bực dọc, “đá thúng đụng nia” khiến không khí gia đình rất căng thẳng.

Nên muốn tránh tình trạng đó, chị cứ nhắm mắt làm đại cho xong cả trong lúc không có hứng, mệt mỏi. Nhiều lần như vậy chị A. càng mất đi hứng thú trong chuyện vợ chồng.

Tự hào vì cam chịu giỏi?

Theo bà Khuất Thu Hồng, viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội, bạo lực tình dục là việc cưỡng ép thực hiện hành vi tình dục không mong muốn gây ảnh hưởng đến thân thể và tâm lý nạn nhân nhưng những hành vi này không phải lúc nào cũng được nhìn nhận đúng đắn.

Bà Hồng kể từng có trường hợp người vợ vì lý do sức khoẻ, không sử dụng được các biện pháp tránh thai nhưng người chồng không bao giờ dùng bao cao su khi quan hệ, dẫn đến người vợ nhiều lần có thai ngoài ý muốn, phải phá thai gây tổn hại về mặt thể xác và tâm lý.

Nhưng trường hợp này lại không được xem là hành vi bạo lực tình dục, ngay cả người phụ nữ này cũng không xem mình bị bạo lực tình dục.

Theo bà Hoàng Tú Anh, giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe dân số (CCIHP), một người biết mình có bị bạo lực tình dục hay không cần dựa vào việc xem xét sự đồng thuận trong giao tiếp tình dục, tuy nhiên thực tế việc đánh giá mức độ đồng thuận không dễ dàng.

Do các định kiến về giới và tình dục mà nhiều trường hợp không đồng thuận bị “bình thường hóa” và không được nhìn nhận.

“Chúng ta hay nghĩ bạo lực là các hành vi sử dụng sức mạnh gây tổn hại về sức khoẻ, tinh thần có thể đong đếm được làm những người chịu tác động của các định kiến này không nhìn được đâu là bạo lực tình dục.

Cưỡng ép tình dục trong hôn nhân là hành vi bạo lực tình dục và vi phạm luật pháp Việt Nam, nhưng quan niệm phụ nữ có nghĩa vụ phải thoả mãn nhu cầu tình dục của chồng khiến cả phụ nữ và nam giới không coi đây là bạo lực, thậm chí lên án người phụ nữ nếu không chiều chồng”, bà Tú Anh bày tỏ.

Bà Tú Anh cũng chia sẻ trong suốt quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về bạo lực tình dục đã nhiều lần bị ám ảnh bởi các câu chuyện bạo lực của những người phụ nữ từng gặp.

Bà cũng không hiểu vì sao có những phụ nữ bị chồng bạo lực bằng nhiều hình thức trong suốt thời gian dài nhưng lại tỏ ra tự hào vì sức chịu đựng của bản thân.

Ở góc độ khác, chính những người vợ có quan điểm là phải có nghĩa vụ chiều chồng đã dung dưỡng hành vi bạo lực tình dục ở người chồng.

Người vợ cũng không nên tự trói mình vào quan điểm nghĩa vụ chiều chồng để phải cố gắng diễn kịch, đóng giả mà trước hết phải bày tỏ với chồng về cảm xúc của mình vì có thể người chồng không biết mình có hành vi bạo lực.

“Phụ nữ phải biết yêu cơ thể mình và tôn trọng cảm xúc của mình, đồng thời chia sẻ với người chồng về cảm xúc này và yêu cầu người chồng tôn trọng thay vì chịu đựng cho xong chuyện.

Trong quan hệ vợ chồng hạnh phúc phải đến từ hai phía, việc giả vờ, cam chịu không giải quyết vấn đề mà có khi còn dẫn đến những xúc cảm tiêu cực cho cả hai”, bà Tú Anh nói.

Nỗi lo bị xâm hại từ người quen

Theo bà Khuất Thu Hồng, viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội, bạo lực tình dục có thể xảy ra đối với bất kỳ phụ nữ và trẻ em nào chứ không chỉ với những phụ nữ trẻ, ăn mặc gợi cảm hoặc có cử chỉ hớ hênh như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Tại Hội nghị quốc gia về tình dục, sức khỏe và xã hội lần 3 vừa diễn ra, bà Hồng cho rằng trái với quan điểm thường thấy là phụ nữ và trẻ em gái có thể tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế giao du với người lạ, các số liệu thống kê cho thấy 73% thủ phạm là người quen với nạn nhân, trong đó có 10% là cha ruột, cha dượng.

Thủ phạm bao gồm cả những người được cho là đáng tin cậy, như người cao niên, người có uy tín, giáo viên, người nổi tiếng hay cả những người trong hệ thống thực thi pháp luật.

Ngoài ra, phần lớn các vụ bạo lực tình dục cũng xảy ra ở những địa điểm thường được coi là an toàn như trường học, công sở hay trong chính ngôi nhà của nạn nhân…

Các báo cáo viên có mặt tại hội nghị cũng đưa ra những con số giật mình. Mỗi năm có hơn 1.000 trường hợp xâm hại tình dục trẻ em, tương đương với trung bình một ngày xảy ra ba vụ xâm hại trẻ em được báo cáo.

Từ 4% đến hơn 13% phụ nữ đã kết hôn từng có trải nghiệm tình dục không mong muốn với chồng. Nạn nhân của bạo lực tình dục có cả trẻ dưới 2 tuổi, người già trên 80 tuổi…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những con số này mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, thực trạng bạo lực tình dục tại Việt Nam chưa được phản ánh và giải quyết đầy đủ do các nguyên nhân từ thể chế, văn hóa và xã hội.

Cũng chính từ các nguyên nhân này khiến cho không ít nạn nhân của bạo lực tình dục trở thành tội nhân, còn tội nhân thật sự lại được cảm thông dung dưỡng…

QUỲNH LIÊN