23/01/2025

Giải mã thất bại của Mỹ tại Trân Châu Cảng

Nhà báo Steve Twomey đã vén màn bí ẩn về thất bại của Mỹ trong trận chiến Trân Châu Cảng, khiến nước này phải tuyên chiến với Nhật Bản.

 

Giải mã thất bại của Mỹ tại Trân Châu Cảng

Nhà báo Steve Twomey đã vén màn bí ẩn về thất bại của Mỹ trong trận chiến Trân Châu Cảng, khiến nước này phải tuyên chiến với Nhật Bản.




Khung cảnh hoang tàn tại căn cứ hải quân Mỹ ở Hawaii sau trận Trân Châu Cảng /// Reuters

 

Khung cảnh hoang tàn tại căn cứ hải quân Mỹ ở Hawaii sau trận Trân Châu CảngREUTERS

Trong cuốn sách vừa được xuất bản mang tên Countdown to Pearl Harbor: The Twelve Days to the Attack (tạm dịch Trân Châu Cảng: 12 ngày trước cuộc tấn công), nhà báo đoạt giải Pulitzer Steve Twomey đã phân tích những nguyên nhân vì sao Mỹ hoàn toàn bị động trước đòn sấm sét của Nhật Bản. Cuốn sách được công bố ngay trước thời điểm nước Mỹ tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm trận chiến Trân Châu Cảng vào ngày 7.12 tới.
Ngày ô nhục 7 giờ 40 phút chủ nhật 7.12.1941, trong lúc lính Mỹ còn đang say giấc tại căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương ở Hawaii, hàng trăm chiến đấu cơ của hải quân Nhật Bản bất ngờ tấn công ồ ạt như đàn ong vỡ tổ. Cuộc tấn công bao gồm hai đợt không kích với tổng cộng 353 máy bay xuất kích từ 6 tàu sân bay Nhật Bản đã để lại hậu quả nặng nề, 2.400 binh sĩ cùng thủy thủ Mỹ thiệt mạng và hơn 1.000 người khác bị thương.
Cuộc tấn công chớp nhoáng cũng đánh chìm và gây hư hỏng toàn bộ 8 tàu chiến, 3 tàu tuần dương, 3 tàu khu trục và 1 tàu rải thủy lôi của hải quân Mỹ. Gần 200 chiến đấu cơ của Mỹ bị phá huỷ. Trước tổn thất lớn của hải quân, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ Franklin D.Roosevelt đã gọi đây là “ngày ô nhục”. Còn Nhật Bản thiệt hại ít hơn, chỉ mất 29 máy bay, 5 tàu ngầm nhỏ và 64 người thiệt mạng.
Đòn tấn công quân sự bất ngờ của hải quân Nhật Bản đã dẫn đến việc Washington tuyên chiến với Tokyo và sau đó quyết định tham gia các chiến dịch quân sự ở Thái Bình Dương trong Thế chiến 2. Về phía Nhật Bản, với chiến thắng tại Trân Châu Cảng, hải quân nước này đã cầm chân được Hạm đội Thái Bình Dương, ngăn lực lượng này can thiệp vào cuộc chiến mà Tokyo đang tiến hành nhằm đánh chiếm nhiều nước ở Đông Nam Á, qua đó làm chủ vùng biển châu Á – Thái Bình Dương.
Chủ quan khinh địch
Trong cuốn sách, tác giả người Mỹ Steve Twomey – cựu phóng viên của tờ The Washington Post - đã khai thác các chứng cứ phong phú, hồi ký và các nguồn tài liệu khác để đưa ra kết luận rằng sự phán đoán sai lầm và thiếu thông tin của giới lãnh đạo Mỹ góp phần dẫn đến thảm kịch trên. Nhà báo Twomey phân tích rằng Mỹ đại bại còn do sự mất cảnh giác, không sẵn sàng chiến đấu và thái độ chủ quan khinh địch, thiếu trí tưởng tượng của các quan chức chỉ huy hải quân Mỹ tại Hawaii.
Trong khi đó, kẻ thù của Mỹ, đại diện là Đô đốc Isoroku Yamamoto của Nhật Bản, lại có tất cả những điều trên. Đô đốc Yamamoto thậm chí đã dám đặt cược rằng ông có thể đưa 6 tàu sân bay và hàng chục tàu chiến khác băng ngang Thái Bình Dương, bất chấp nguy cơ dễ bị phát hiện cũng như khó khăn trong việc tiếp nhiên liệu giữa đại dương để thực hiện một cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào Mỹ. Và ông đã thành công.
Từ trước tới nay chưa một ai từng huy động nhiều tàu sân bay cho một cuộc tấn công phối hợp, song hải quân Nhật Bản đã làm được. Họ hiểu được giá trị của các tàu sân bay nên đã cho đóng 10 tàu loại này vào cuối năm 1941. Còn hải quân Mỹ, vẫn trung thành với loại tàu chiến kiểu cũ, chỉ có 3 tàu sân bay tại Thái Bình Dương.
 
 
Vận may của Mỹ
Mặc dù Nhật Bản mở hai đợt oanh kích tàn phá các tàu chiến của Mỹ tại Trân Châu Cảng song những thiệt hại từ Washington không nghiêm trọng như Đô đốc Yamamoto từng kỳ vọng. Đội phi công của ông không thể phá hủy các kho chứa nhiên liệu, các trạm phát điện, xưởng tàu, xưởng sửa chữa cùng các bến tàu dành cho tàu ngầm và trung tâm chỉ huy. Nhờ đó, hải quân Mỹ, mà cụ thể là Hạm đội Thái Bình Dương, mau chóng hồi phục.
Quan trọng hơn, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Kimmel tình cờ đã điều hai tàu sân bay USS Enterprise và USS Lexington chở các máy bay chiến đấu đến đảo Midway và Wake vài ngày trước đó. Chính các tàu USS Enterprise và USS Lexington về sau đã đóng vai trò quan trọng giúp hải quân Mỹ giành chiến thắng trước Nhật Bản trong các trận hải chiến then chốt Midway (diễn ra từ ngày 4 – 7.6.1942) và Coral Sea (4 – 8.5.1942), góp phần bẻ gãy đà tiến công của hải quân Nhật, đem lại thế chủ công cho hải quân Mỹ.

 

Ngoài ra, do Trân Châu Cảng có vị trí đắc địa – nằm ở phía tây thành phố Honolulu trên đảo Oahu thuộc bang Hawaii, là hải cảng nước sâu nằm giữa vùng bắc Thái Bình Dương nên hải quân Mỹ xem đây là nơi trú ẩn an toàn, tin chắc rằng không ai dám “lao vào cửa tử”. Mỹ sử dụng Trân Châu Cảng làm căn cứ chỉ huy, hậu cần, cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa các chiến hạm của Hạm đội Thái Bình Dương. Còn người Nhật Bản lại xem đây là mục tiêu cần phải tấn công.

Theo tờ The New York Times dẫn lời nhà báo Twomey, một số quan chức hải quân Mỹ khi đó đã quá tự tin, tự mãn, đánh giá thấp quân đội Nhật Bản, xem đối phương chỉ thuộc hàng “chiếu dưới” và tập trung quá nhiều vào huấn luyện đến nỗi bị “mù” trước mối đe doạ từ các máy bay hiện đại được trang bị ngư lôi của Nhật Bản.
Những tín hiệu bị bỏ lỡ
Theo nhà báo Twomey, chính phủ Mỹ cùng giới chức hải quân nước này thật ra đã lường trước sẽ có cuộc tấn công của quân đội Nhật Bản trong năm 1941 song họ đã đoán sai địa điểm. Thật vậy, hầu hết lãnh đạo Mỹ – bao gồm cả Tổng thống Roosevelt và Đô đốc Husband E.Kimmel, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương tại Trân Châu Cảng – đều cho rằng chiến tranh tại Thái Bình Dương là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên hầu như không ai trong số họ mường tượng rằng cuộc chiến sẽ bắt đầu ngay tại Trân Châu Cảng. Trong tâm trí của các lãnh đạo Mỹ thời đó, Trân Châu Cảng quá xa Nhật Bản và Tokyo cũng chỉ dám tấn công Mỹ ở các khu vực gần lãnh thổ Nhật Bản. Tổng thống Roosevelt thậm chí đã điều Hạm đội Thái Bình Dương từ bờ biển phía tây nước Mỹ đến Hawaii hồi đầu năm 1941 để nhắc nhở người Nhật Bản rằng Thái Bình Dương không còn là sân chơi của riêng Tokyo.
Giới lãnh đạo Mỹ cũng nghĩ rằng người Nhật Bản không thể điều khiển máy bay cất cánh từ tàu sân bay, các chiến đấu cơ của họ không thể chở đủ lượng lớn bom để đánh đắm các tàu chiến Mỹ, và quân Nhật Bản không thể thắng trong cuộc chiến dài hơn với nước có sức mạnh công nghiệp lớn hơn.
Trong năm 1941, do Washington đã bí mật đọc điện tín ngoại giao của Nhật Bản nên giới chức Mỹ biết rõ những động thái bất thường từ Tokyo. Các tư lệnh lục quân và hải quân Mỹ liên tục cảnh báo Đô đốc Kimmel và các vị tư lệnh khác ở Thái Bình Dương về một cuộc tấn công sắp xảy ra, song chỉ không rõ ở đâu và thời điểm nào.
Mười ngày trước trận chiến Trân Châu Cảng, Bộ Hải quân Mỹ ở Washington thậm chí đã đưa ra “lời cảnh báo chiến tranh” cho các lực lượng hải quân tại Trân Châu Cảng, đồng thời ra lệnh ngắn gọn cho Đô đốc Kimmel “triển khai phòng thủ thích hợp”. Do lời cảnh báo không đề cập đến Hawaii nên ông Kimmel đã phớt lờ. Đơn giản là vì ông quá tập trung vào việc lên kế hoạch chống người Nhật ở nơi khác tại Thái Bình Dương. Không riêng Đô đốc Kimmel, mà cả một số quan chức chính phủ và quân đội Mỹ đều cho rằng Tokyo sẽ tấn công Mỹ ở khu vực tây nam Thái Bình Dương, chứ không phải ở phía đông Hawaii.
Bản thân Đô đốc Kimmel còn nghĩ rằng Hạm đội Thái Bình Dương của mình không thể bí mật xâm nhập vào lãnh hải Nhật Bản, mở cuộc tấn công ồ ạt rồi rút lui nên ông cho rằng người Nhật Bản cũng không thể làm được điều tương tự với Trân Châu Cảng. Vì thế, ông đã không có các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ đội tàu chiến đang thả neo, không mở hệ thống radar 24/24, không điều máy bay trinh sát tuần tra ngoài bờ biển, không cắt cử người vận hành súng phòng không…
Tại Washington, giới chức Bộ Hải quân Mỹ thì tin chắc rằng ông Kimmel đã cho dời các tàu sân bay khỏi nơi nguy hiểm và đã chuẩn bị sẵn sàng phòng thủ nên cũng không đánh điện kiểm tra tình hình.
Trong khi đó, trung tướng Walter C.Short – Tư lệnh Bộ Chỉ huy Hawaii của lục quân – lại không có tầm nhìn xa. Mối bận tâm của ông chỉ là các cuộc phá hoại trong vùng, chứ không phải là một cuộc không kích từ tàu Nhật Bản. Ông và Kimmel hiếm khi trao đổi thông tin, và trụ sở riêng biệt của họ thậm chí còn không có một đường dây điện thoại trực tiếp. Cả hai đều nghĩ rằng chính người kia phụ trách bảo vệ Oahu. Vì thế, không ai trong tư thế sẵn sàng chiến đấu khi 350 chiếc máy bay Nhật Bản gầm rú trên bầu trời Hawaii.
Sau trận chiến Trân Châu Cảng, cả hai ông Kimmel và Short đều mất chức tư lệnh. Cuộc điều tra sau đó cho thấy họ đã “xao nhãng nhiệm vụ” khi “không hội ý và hợp tác”. Nhưng với Thế chiến 2 đang diễn ra ác liệt, không ai trong số họ phải ra trình diện toà án quân sự.

 

Huỳnh Thiềm