Đường thoáng, giảm tốc độ làm gì?
Xung quanh đề xuất giảm tốc độ xe lưu thông 10 km/h trên một số tuyến đường ở TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng không cần thiết và nên nghiên cứu thực tế…
Đường thoáng, giảm tốc độ làm gì?
Xung quanh đề xuất giảm tốc độ xe lưu thông 10 km/h trên một số tuyến đường ở TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng không cần thiết và nên nghiên cứu thực tế…
Đường Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp, TP.HCM) phần làn xe hỗn hợp khá thoáng, do vậy có ý kiến cho rằng không nên kéo giảm tốc độ tối đa ở đường này – Ảnh: HỮU THUẬN |
Hầu hết người dân, tài xế cũng như hiệp hội vận tải cho rằng việc kéo giảm tốc độ sẽ gây thiệt hại như giao thông ùn ứ, chi phí nhiên liệu tăng, đi lại chậm trễ.
Đường thoáng có cần giảm tốc độ?
Đi trên quốc lộ 1 đoạn từ nút giao Gò Mây (Q.Bình Tân) đến An Lạc (H.Bình Chánh) là đoạn đường mà Phòng quản lý khai thác hạ tầng đường bộ đã đề xuất Sở Giao thông vận tải TP giảm tốc độ từ 60 km/h còn 50 km/h tại làn đường xe hỗn hợp, chúng tôi ghi nhận mặt đường khá thông thoáng.
Ông Hoàng Ngọc Năm, hành nghề xe ôm tại đây, cho rằng chạy trong làn xe hỗn hợp rất an toàn vì có dải phân cách bằng bêtông tách biệt hẳn với làn ôtô, xe tải, xe container.
Liệu việc rút ngắn từ 60 km/h xuống 50 km/h trên làn đường hỗn hợp này có hợp lý? Trả lời câu hỏi này, anh Nguyễn Văn Bình – cán bộ Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDICO, đơn vị có trạm thu phí trên đoạn đường này – cho rằng không cần thiết giảm tốc độ.
Bởi theo anh, nên duy trì tốc độ 60 km/h để xe có thể lưu thông nhanh khi đường thông thoáng. Anh Bình cũng cho biết chưa thấy tai nạn xảy ra trên làn đường hỗn hợp, chỉ có tai nạn khi xe máy chạy vào làn đường ôtô.
Tương tự, tuyến đường Phạm Văn Đồng từ ngã tư Bình Triệu (Q.Thủ Đức) đến vòng xoay Phạm Văn Đồng – Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp) cả 12 làn đường khá thông thoáng.
Từ 7g30-8g30 ngày 3-12, trên hai làn đường hỗn hợp tại đây lượng xe qua lại ít, xe máy lưu thông nhanh.
“Đường rộng, thoáng mà phải đi chậm lại làm gì cho mất thời gian. Không chỉ vậy, hàng loạt xe di chuyển chậm trên đường chỉ khiến giao thông trì trệ” – chị Đào Nguyễn Vân Anh, một người đi đường, cho biết.
Tại xa lộ Hà Nội, anh Trần Quốc Toàn – tài xế xe container – cũng bày tỏ: “Tốc độ cho phép hiện nay ở tuyến đường này từ 60-80 km/h cho làn xe hỗn hợp và ôtô là không cao, tài xế hoàn toàn có thể điều khiển xe an toàn, lại tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí vận tải.
Nếu giảm tốc độ thì các doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại do vận chuyển hàng hoá chậm lại, mất thời gian, tài xế thì ngán ngẩm, mệt mỏi vì kẹt xe, ùn ứ.
Theo tôi, cần phải xác định rõ nguyên nhân của tai nạn giao thông từ đâu, chứ “đổ” cho tốc độ có khi không đúng.
Thường tôi thấy tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến đường này là do ý thức người đi đường kém, qua đường bất chấp đèn tín hiệu, chạy ngược chiều, lấn tuyến…”.
Cần nghiên cứu thực tế
Ông Bùi Văn Quản, chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho rằng việc đầu tư hạ tầng giao thông cầu đường, đường sắt, sân bay của các nước tiên tiến trên thế giới để tạo điều kiện cho các loại phương tiện tăng tốc độ nhằm rút ngắn thời gian đi lại của mọi người.
Do đó việc kéo giảm tốc độ là đi ngược với xu hướng trên nên cần phải hết sức cân nhắc, xem xét, nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra quyết định.
“Nguyên nhân gây tai nạn giao thông không chỉ do tốc độ, mà còn nhiều nguyên nhân khác. Không thể lấy lý do tai nạn giao thông tăng để rồi kéo giảm tốc độ xe lưu thông trên đường” – ông Quản nêu quan điểm.
Phòng quản lý và khai thác hạ tầng Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa kiến nghị điều chỉnh giảm tốc độ xe lưu thông 10 km/h trên tám tuyến đường TP gồm: xa lộ Hà Nội (quốc lộ 52), quốc lộ 1, Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Kinh Dương Vương, Đồng Văn Cống và Mai Chí Thọ. |
Đồng tình với ý kiến trên, ông Lê Trung Tình – chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM – cũng cho rằng đề xuất giảm tốc độ trên những con đường mà Phòng quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ đưa ra là không hợp lý.
Bởi theo ông Tình, những con đường này đều đã có dải phân cách cứng đảm bảo an toàn cho xe lưu thông với tốc độ 80 km/h là bình thường và không có vấn đề gì lo ngại về mất an toàn giao thông cả.
Ở góc độ khác, TS Võ Kim Cương – nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM – lại cho rằng CSGT là lực lượng trực tiếp giám sát việc chấp hành tốc độ trên các tuyến đường.
Họ chính là những người nắm rõ nhất hiệu quả cũng như hạn chế mà quá trình thực hiện thông tư về nâng tốc độ của Bộ Giao thông vận tải mang lại.
Do vậy, đề xuất giảm tốc độ của Phòng CSGT đường sắt – đường bộ TP.HCM cũng là căn cứ vào tình hình thực tế của giao thông TP thời gian vừa qua.
Theo TS Cương: “Sở Giao thông vận tải TP.HCM cần có những nghiên cứu, khảo sát thực tế trên từng làn đường, tuyến đường cụ thể. Từ đó sở mới có căn cứ để xác định tuyến đường nào phải giảm tốc độ để đảm bảo an toàn giao thông”.
Phải căn cứ vào thực tế Ông Lâm Thiếu Quân, chuyên gia về giao thông, cho rằng theo thông tư 91 của Bộ Giao thông vận tải cho phép nâng tốc độ giao thông trong phạm vi cả nước là đúng, nhưng không phải nâng tốc độ tất cả các con đường, mà nên căn cứ vào thực tế. Chẳng hạn đường Mai Chí Thọ có thể điều chỉnh tăng tốc độ lên 90 km/h (dự kiến giảm còn 50 km/h làn đường hỗn hợp) bởi đường thông thoáng, chất lượng tốt và không có giao cắt. |