“Khó khăn là để đối mặt chứ không phải lùi bước”
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chia sẻ như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về việc TP.HCM quyết định nâng chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2017, từ 8,1 – 8,5% lên 8,4 – 8,7%.
“Khó khăn là để đối mặt chứ không phải lùi bước”
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chia sẻ như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về việc TP.HCM quyết định nâng chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2017, từ 8,1 – 8,5% lên 8,4 – 8,7%.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trao đổi với đại biểu tham dự Hội nghị Thành uỷ – Ảnh: Tự Trung |
“Nếu chúng ta bình tâm, phân tích đầy đủ, có phương án và quyết tâm thì sẽ vượt qua được khó khăn” |
Việc Hội nghị Thành uỷ mở rộng lần thứ 8, diễn ra trong hai ngày 30-11 và 1-12, thảo luận vấn đề tăng chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) là một bất ngờ với người dân TP.HCM. Đặc biệt trong bối cảnh TP đang gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ ngân sách điều tiết được giữ lại bị cắt giảm.
Tuy nhiên, chia sẻ với Tuổi Trẻ sáng 1-12 bên lề hội nghị, chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định: “Chúng ta có đầy đủ cơ sở, khó khăn là để đối mặt chứ không phải thụt lùi”.
Dư địa phát triển còn rất lớn
* Thưa ông, người dân TP.HCM vui và cũng khá bất ngờ trước đề nghị nâng chỉ tiêu tăng trưởng khi TP đang gặp nhiều khó khăn và trung ương sẽ giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách. Tại sao lại có quyết định này?
– Khi các ủy viên uỷ ban thảo luận vấn đề này tôi đã đặt ra câu hỏi đó. Trong phần đánh giá của các cơ quan tham mưu mà cụ thể là Sở Kế hoạch – đầu tư khẳng định tiềm năng huy động đáp ứng cho sự phát triển các ngành của TP vẫn còn.
Ví dụ, trong năm 2016 tăng trưởng dựa vào vốn và lao động rất khả quan, nếu năm 2017 có chính sách phát huy hai yếu tố này thì sẽ là một nhân tố tốt để tác động tăng trưởng, đủ căn cứ để nâng chỉ tiêu.
Hoặc ai cũng thấy tiềm năng du lịch rất lớn, là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng để có tác động mạnh mẽ về quản lý thì còn hạn chế. Riêng dịch vụ du lịch chưa khai thác hết. Vừa rồi báo Tuổi Trẻ có hội thảo về du lịch đường sông và có nhiều ý kiến nêu vấn đề này.
Năm 2016, TP.HCM có 5,2 triệu lượt khách nhưng tỷ lệ quay lại là bao nhiêu? Chúng ta đã tạo ra sản phẩm dịch vụ gì để giữ chân họ lại một hai hôm, thời gian đó họ ăn gì, mua gì… Làm được điều đó sẽ thúc đẩy kinh tế TP phát triển.
Hoặc nhìn lại ngành công nghiệp chế biến và chế tạo, tăng hơn 10% trong năm 2016 và tiềm năng phát triển còn lớn. Nếu có một cơ chế chính sách phù hợp sẽ thúc đẩy tăng trưởng của TP.
Tóm lại, nếu chúng ta biết phát huy đúng mức và có cơ chế phù hợp thì kinh tế sẽ phát triển hơn nữa. Tôi rất hào hứng khi thấy có nhiều cơ sở để nói những điều này.
Bà nguyễn Thị Quyết Tâm, chủ tịch HĐND TP.HCM chủ trì buổi thảo luận – Ảnh: Tự Trung |
Vượt qua các điểm nghẽn
* Nhưng rõ ràng khó khăn về ngân sách khi bị giảm tỷ lệ điều tiết từ trung ương là rất lớn. Ông có thể nói rõ giải pháp cho việc này?
– Năm 2017 chỉ tiêu thu ngân sách trung ương giao 347.000 tỉ đồng, tăng 16,6% so với năm 2016. Để thực hiện chỉ tiêu này chỉ có từ sản xuất. Nếu không tập trung thúc đẩy kinh tế thì không sản xuất được.
Khó khăn thật, nhưng phải đồng tâm hiệp lực để vượt qua khó khăn, hợp tác với nhau, không có lựa chọn nào khác ngoài lựa chọn đó. Tăng 16,6% tổng thu so với mọi năm là rất lớn. Để có được nguồn thu đó, phải vượt qua khó khăn khi đối mặt với 3 tác động:
Thứ nhất là thực hiện các cam kết lộ trình các hiệp định thương mại thế hệ mới, có một số loại thuế sẽ giảm.
Thứ hai, tỷ lệ ngân sách trung ương để lại chỉ còn 18%, cần được phân tích cặn kẽ. Đó 1 đồng vốn mồi TP.HCM thu hút được 14 đồng vốn xã hội, thậm chí có thể hơn nữa, cao hơn nhiều với một số địa phương khác.
Và vốn mồi là vốn từ ngân sách. Dù có nguồn vốn ODA, PPP hay vốn gì đi chăng nữa đều phải có vốn đối ứng. Cắt giảm như vậy dứt khoát ẽ khó khăn.
Thứ ba là các cản ngại trong thủ tục hành chính. Nếu vấn đề này được thông suốt thì sẽ tác động lớn.
Năm 2015 quy mô FDI không cao là do thủ tục hành chính còn chậm. Có những dự án có thể cấp phép đầu tư sớm nhưng do phải xin ý kiến nhiều bộ, đều là các dụ án quy mô lớn. Trực tiếp làm chuyện này mới thấy được nỗi khổ của các thủ tục hành chính.
Tôi mong tất cả các đồng chí cùng tôi xác định để hành động. Tất nhiên trong việc này còn có nhiều vấn đề nhưng trong đó có vấn đề phân cấp phân quyền.
Hoặc một điểm nghẽn ai cũng thấy cần phải vượt qua nữa là điểm nghẽn giao thông trong giờ cao điểm, lấy của xã hội không biết bao nhiêu thời gian. Nếu tổ chức lại giao thông tốt, chống được ùn tắc đó cũng là nguồn lực cho xã hội.
Và nếu chúng ta bình tâm, phân tích đầy đủ, có phương án và quyết tâm thì sẽ vượt qua.
Ông Sử Ngọc Anh, giám đốc Sở Kế hoạch – đầu tư, phát biểu về vốn ngân sách – Ảnh: Tự Trung |
Sẽ hành động như thế nào? Tại phần thảo luận sau đó tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong nói: “Dù khó khăn cỡ nào cũng phải đảm bảo tỷ lệ đầu tư cho văn hóa giáo dục và an sinh xã hội. Trong lĩnh vực kinh tế hạ tầng đầu tư nói chung phải ưu tiên cho 7 chương trình đột phá Thành uỷ đã thông qua, còn dành lại một phần làm vốn mồi và đối ứng vì chúng ta đang mời gọi nhà đầu tư. Đồng thời phải đa dạng hóa các hình thức vốn đối ứng đầu tư. Sau hội nghị này, nếu HĐND thông qua nghị quyết, UBND TP sẽ dành một ngày để bàn về các triển khai thực hiện, xác định các đầu việc hẳn hoi, chứ không nói chung chung, không hành động khơi khơi. Thứ hai, UBND đã có kế hoạch về bảy chương trình hành động, năm 2017 làm gì sẽ xác định rõ cụ thể. Thứ ba là triển khai các giải pháp quản lý và khai thác nguồn thu, huy động thế nào, đánh giá lại các yếu tố để khai thác nguồn thu như quỹ đất, quỹ nhà. Và câu chuyện hàng đầu của UBND TP sắp tới là làm sao bảo đảm cơ hội phát triển cho 50.000 doanh nghiệp mới và các doanh nghiệp đã hoạt động ổn định sản xuất”. |