Đã đạo văn còn gây hiểu nhầm
Ban chương trình Hội nghị toàn quốc lần thứ 8 về cơ điện tử VCM-2016 vừa phát đi thông báo chính thức về việc phát hiện một trường hợp đạo văn và cho biết sẽ loại bỏ bài báo này ra khỏi kỷ yếu của hội nghị.
Đã đạo văn còn gây hiểu nhầm
Ban chương trình Hội nghị toàn quốc lần thứ 8 về cơ điện tử VCM-2016 vừa phát đi thông báo chính thức về việc phát hiện một trường hợp đạo văn và cho biết sẽ loại bỏ bài báo này ra khỏi kỷ yếu của hội nghị.
Bài báo của tác giả Nguyễn Chí Công đăng trong kỷ yếu Hội nghị VCM-2016 |
Theo đó, trong Hội nghị VCM-2016 (do Hội Cơ điện tử VN phối hợp với UBND TP Cần Thơ, Khu công nghệ cao TP.HCM, Hội Tự động hoá Cần Thơ và Trường ĐH Cần Thơ tổ chức tại Cần Thơ trong hai ngày 25 và 26-11), ban chương trình đã phát hiện trường hợp tác giả Nguyễn Chí Công cố ý sử dụng nguyên bản công trình nghiên cứu có tiêu đề “Comparative study of sliding mode and ANFIS based observers for speed & position sensorless control of variable speed PMSG” của nhóm tác giả Mukhtiar Singh và Ambrish Chandra, đã được công bố ở Hội nghị “2010 23rd Canadian Conference on Electrical and Computer Engineering (CCECE)” diễn ra tại Calgary, Alberta, Canada vào tháng 5-2010.
Trong bài báo gửi đến Hội nghị VCM-2016, tác giả Nguyễn Chí Công tự ghi mình thuộc đơn vị Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM).
Chép nguyên văn bài báo của người khác
Trong thông báo nói trên, PGS.TS Lê Hoài Quốc – trưởng ban chương trình – nêu rõ: “Với tinh thần trung thực, tôn trọng tác quyền, ban chương trình của Hội nghị VCM-2016 xin thông báo đến toàn thể các nhà khoa học, các thầy cô, các bạn học viên, nghiên cứu sinh của các trường ĐH, viện nghiên cứu trong và ngoài nước về trường hợp này. Chúng tôi sẽ loại bỏ bài báo nói trên ra khỏi kỷ yếu của hội nghị sẽ được xuất bản chính thức sau khi hội nghị kết thúc.
Đồng thời, ban chương trình cũng đã gửi thư đến hai tác giả Mukhtiar Singh và Ambrish Chandra để thông tin về trường hợp đáng tiếc xảy ra. Bằng thông báo này, chúng tôi mong mỏi nhận được sự chia sẻ của cộng đồng khoa học và mong rằng các trường hợp tương tự, ở những mức độ khác nhau, sẽ không xảy ra ở các hội nghị tiếp theo”.
PGS.TS Lê Hoài Quốc cho biết hành vi đạo văn này của ông Nguyễn Chí Công do một học viên cao học phát hiện, báo lại với ban tổ chức hội nghị.
“Học viên này đang nghiên cứu về vấn đề này và cũng là người từng cùng làm việc với ông Nguyễn Chí Công, nên sau khi đọc bài báo đã phát hiện. Sau khi chúng tôi kiểm chứng thông tin này và thấy đúng như phản ảnh, nên đã đưa ra quyết định không cho ông Nguyễn Chí Công báo cáo tại hội nghị” – ông Quốc chia sẻ.
“Việc ban tổ chức hội nghị ra thông cáo chính thức, nhằm tránh tình trạng ông Nguyễn Chí Công mang bài báo này thực hiện hành vi tương tự ở nơi khác. Ban tổ chức hội nghị có thông tin đầy đủ về ông Nguyễn Chí Công. Người này đang là học viên cao học nhưng không được nhà trường công nhận. Đây là hành vi của một cá nhân, không liên quan đến đơn vị nào.
Hiện nay, không trường ĐH nào thừa nhận ông Công đang công tác tại đơn vị mình. Việc làm của ông Nguyễn Chí Công là hành vi sai trái rất rõ ràng, vì đã lấy nguyên văn 100% bài báo bằng tiếng Anh của người khác rồi đổi tên tác giả” – PGS.TS Lê Hoài Quốc cho biết thêm.
“Mặc dù hội nghị làm khâu phản biện rất cẩn trọng nhưng không thể tránh khỏi thiếu sót, do các thành viên phản biện trong ban chương trình không rà soát hết. Theo quy định, kỷ yếu được phát hành sau khi hội nghị kết thúc khoảng 10 ngày mới có bản chính thức. Những người gửi bài báo đến hội nghị nhưng không đến trình bày tại đây, những bài báo bị phát hiện đạo văn đều bị loại. Riêng kỷ yếu phát hành trong hội nghị vừa rồi chỉ là bản dự thảo” – PGS.TS Lê Hoài Quốc giải thích.
PGS.TS Nguyễn Chí Ngôn, trưởng ban tổ chức Hội nghị VCM-2016, cho rằng nhiệm vụ của ban chương trình và ban tổ chức là chọn lọc các kết quả nghiên cứu khoa học xuất sắc nhất, không trùng lặp và chưa từng được công bố nơi khác từ tổng thể các bài đã đăng ký…
“Trường hợp bài do người gửi có tên là Nguyễn Chí Công đã vi phạm quyền tác giả khi copy công trình đã công bố trước đó, cho nên chúng tôi loại khỏi hội nghị. Người đăng ký không được phép báo cáo trước hội nghị và dĩ nhiên kỷ yếu hội nghị cũng không chấp nhận đăng bài này” – ông Ngôn nói.
Quyết định của hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM về việc buộc thôi học và xoá tên ông Nguyễn Chí Công trong danh sách học viên cao học của trường – Ảnh: NAM VIỆT |
Oan cho giảng viên ĐH Bách khoa
Ngày 28-11, chúng tôi đã liên lạc với ông Nguyễn Chí Công, giảng viên bộ môn kỹ thuật hàng không Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) qua email và nhận phản hồi: “Tôi không phải là người đã gửi bài báo đến hội nghị này. Tôi cũng không phải là người đã đến dự hội nghị và bỏ về khi nghe tin đạo văn.
Tôi hiện đang làm việc nghiên cứu tại Trường ETS, Montréal, Québec, Canada từ năm 2015 đến nay và chưa về VN lần nào từ tháng 4-2015. Tôi không rõ ai đã làm hay vì động cơ gì. Việc chỉ đơn giản là tôi không có mặt ở VN tại thời điểm diễn ra hội nghị”.
Như vậy, tác giả Nguyễn Chí Công (người vừa có bài báo bị phát hiện đạo văn tại Hội nghị VCM-2016) và giảng viên Nguyễn Chí Công, giảng viên bộ môn kỹ thuật hàng không Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), là hai người khác nhau.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Lê Duy Khải, trưởng khoa kỹ thuật giao thông Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), xác nhận tại bộ môn kỹ thuật hàng không của khoa này có một giảng viên tên Nguyễn Chí Công.
Tuy nhiên, giảng viên này đã sang Canada theo lời mời của một giáo sư từ tháng 4-2015, đến nay chưa về trường làm việc trở lại. Đến tháng 3-2016, giảng viên Nguyễn Chí Công có nộp đơn xin gia hạn thời gian làm việc tại Canada thêm một năm, đến tháng 4-2017 mới về VN.
Người đạo văn từng giả mạo bằng cấp Đại diện Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ Cần Thơ xác nhận: ông Nguyễn Chí Công từng là giảng viên khoa điện – điện tử tại trường, nhưng vừa bị chấm dứt hợp đồng lao động do giả mạo bằng cấp. Vị này nói thêm: sau khi tốt nghiệp kỹ sư Trường ĐH Cần Thơ, ông Công đã tham gia giảng dạy tại Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ Cần Thơ từ năm 2011, sau đó được cử đi học thạc sĩ tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM). “Khi trường yêu cầu nộp bổ sung bằng thạc sĩ thì ông Công chỉ nộp bản photo. Trường đã yêu cầu phía Trường ĐH Bách khoa TP.HCM xác nhận thì ông Công không có tên trong danh sách tốt nghiệp thạc sĩ. Hiện Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng đã xoá tên ông Công trong danh sách học viên của trường” – vị này nói. Chúng tôi đã liên hệ với phòng đào tạo sau ĐH của Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) thì được biết: trong danh sách học viên cao học của trường này có tên Nguyễn Chí Công (sinh năm 1988, tại Cần Thơ) theo học chuyên ngành thiết bị mạng và nhà máy điện. Trong bảng tóm tắt lý lịch khoa học, ông Nguyễn Chí Công khai với nhà trường có nghề nghiệp là giảng viên Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ Cần Thơ. Địa chỉ email giống như địa chỉ ghi trên bài báo mà ông Công gửi đến Hội nghị VCM-2016 vừa qua. Ông Công còn khai đã bảo vệ luận văn thạc sĩ vào ngày 26-7-2014 tại khoa công nghệ Trường ĐH Cần Thơ. Tuy nhiên tháng 1-2016, hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) đã ký quyết định buộc thôi học và xoá tên trong danh sách học viên cao học của trường đối với học viên Nguyễn Chí Công với lý do sử dụng văn bằng giả. Chúng tôi đã nhiều lần tìm cách liên lạc qua điện thoại, đến nơi ở của ông Nguyễn Chí Công nhưng đều không gặp được ông này. |