24/01/2025

Dân còn ngại nộp hồ sơ qua mạng

Từ câu chuyện “Dịch vụ công trực tuyến: Chậm chạp đi vào cuộc sống”, nhiều ý kiến cho rằng dịch vụ này chưa tạo được sự thân thiện, thuận lợi nên người dân vẫn có tâm lý e ngại với việc nộp hồ sơ qua mạng.

Dân còn ngại nộp hồ sơ qua mạng

Từ câu chuyện “Dịch vụ công trực tuyến: Chậm chạp đi vào cuộc sống”, nhiều ý kiến cho rằng dịch vụ này chưa tạo được sự thân thiện, thuận lợi nên người dân vẫn có tâm lý e ngại với việc nộp hồ sơ qua mạng.

 

 

 

Dân còn ngại nộp hồ sơ qua mạng
Người dân Q.8, TP.HCM đăng ký cấp phép xây dựng qua mạng tại trụ sở UBND Q.8 trên trang web cpxd.quan8.hochiminhcity.gov.vn – Ảnh: Quang Định

Nhiều người dân biết một số cán bộ nhũng nhiễu, phiền hà nhưng không chịu tìm hiểu dịch vụ nộp hồ sơ qua mạng, mà cứ lên nộp trực tiếp. Đáng lẽ ra người dân phải chủ động tiếp cận hệ thống trực tuyến để đảm bảo quyền lợi của mình

Ông Trần Vĩnh Tuyến (phó chủ tịch UBND TP.HCM)

*Ông Nguyễn Văn Thành 
(P.Bình Hưng Hoà B, Q.Bình Tân, TP.HCM): Cảm thấy phiền phức

Tôi đang làm thủ tục xin giấy phép xây dựng nhà ở bằng cách thuê “cò” nhà đất làm và nộp hồ sơ trực tiếp tại UBND quận.

Tôi thấy lâu nay người dân không am hiểu luật, toàn phải thông qua “cò” để xin các thủ tục về nhà đất nên tôi cũng làm vậy.

Khi làm giấy tờ, tôi có nghe đến thủ tục nộp hồ sơ qua mạng nhưng cũng không dám làm thử. Nói thật, trước giờ nhiều người thân của tôi khi làm thủ tục nhà đất nộp trực tiếp hồ sơ trên quận mà còn thiếu giấy tờ, phải đi lên đi xuống, sửa đổi nhiều lần.

Giờ nói nộp hồ sơ qua mạng thuận tiện nhưng dân không am hiểu về giấy tờ, thủ tục, nộp xong rồi cũng phải bổ sung, sửa đổi… nên cảm thấy phiền phức lắm.

*Ông Nguyễn Nha Kha (chánh văn phòng UBND Q.8, TP.HCM): Người dân ngại 
thao tác trên mạng

Thực tế việc triển khai dịch vụ công trực tuyến vào cuộc sống gặp khó khăn vì người dân còn ngại thao tác gửi hồ sơ qua mạng.

Ví dụ như ở thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, nếu chọn cách nộp hồ sơ qua mạng, ngoài những giấy tờ như bản vẽ, đơn xin cấp giấy phép, người dân cần phải chụp toàn bộ các mặt giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất, kể cả phần thông tin cập nhật tên chủ sở hữu mới trong giấy chứng nhận.

Nhiều người dân không biết cách làm nên khi chuyển hồ sơ trực tuyến, tổ tiếp nhận thấy thiếu giấy tờ phải gửi phản hồi đề nghị bổ sung. Chính tâm lý ngại này mà nhiều người dân vẫn theo thói quen chọn cách nộp hồ sơ trực tiếp.

Mặt khác, cũng còn có lý do là nhiều người dân dù muốn sử dụng dịch vụ trực tuyến nhưng hệ thống trang thiết bị không đáp ứng yêu cầu tiếp cận dịch vụ này.

Tuy nhiên, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mới chỉ bước đầu, chỉ cần có 10% người dân tham gia cũng xem như thành công. Các đơn vị triển khai cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận loại dịch vụ này, nếu như thành công sẽ rất tiện lợi cho người dân.

*Bà Phạm Thị Ngọc Diệu (phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân): Chưa thân thiện 
với người sử dụng

Một trong những trở ngại, khó khăn nhất khi triển khai dịch vụ công trực tuyến là hiện nay nhiều người dân còn hạn chế trong việc sử dụng công nghệ thông tin, khả năng sử dụng, cập nhật Internet còn thấp.

Ngoài ra, tâm lý người dân lâu nay lo ngại về sự không thuận tiện, mất an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, do vậy đa số người dân vẫn lựa chọn cách nộp trực tiếp tại UBND quận như lâu nay.

Mặt khác, trong quá trình triển khai dịch vụ trực tuyến để đảm bảo an toàn, bí mật thông tin cá nhân cho người dân, UBND quận yêu cầu đơn vị tư vấn phải thiết lập nhiều thao tác khai báo, nhập mã bảo mật khiến người dân cảm thấy khó khăn, e ngại.

Đây cũng là điều trăn trở của cơ quan quản lý. Để cung cấp dịch vụ cho người dân thì cần một quy trình đơn giản, thuận tiện cho người dân, nhưng đơn giản có thể dẫn đến mất an toàn.

Trái lại, việc đòi hỏi nhiều cấp độ đăng nhập, khai báo thì lại không thân thiện với người sử dụng. UBND quận Bình Tân đang nghiên cứu phương án để hài hoà cả hai yếu tố này, từ đó thu hút thêm nhiều người dân sử dụng loại hình dịch vụ trực tuyến.

* Ông Trần Vĩnh Tuyến (phó chủ tịch UBND TP.HCM):

Tăng cường hướng dẫn

Khi triển khai dịch vụ công trực tuyến, có một số khó khăn đã đặt ra cho TP những nhiệm vụ cần giải quyết.

Trước hết, cần phải tăng cường tuyên truyền để hướng dẫn người dân và doanh nghiệp tham gia dịch vụ công trực tuyến vì những tiện ích của nó.

Bên cạnh đó, phải tổ chức những hoạt động giúp người dân tăng cường khả năng và thói quen sử dụng dịch vụ trực tuyến như: tổ tin học của Đoàn thanh niên tại các tụ điểm văn hoá giúp người dân đăng ký các dịch vụ mình cần, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ như đăng ký kinh doanh và các thủ tục khác qua mạng, tránh được tình trạng “cò” và đút lót cho cán bộ…

Nhiệm vụ thứ hai là xây dựng quy chế mô hình một cửa liên thông, tiến đến liên thông điện tử tại từng sở (Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch – đầu tư, Sở Tài nguyên – môi trường, Sở Tư pháp) với cơ sở pháp lý chặt chẽ.

Trong nhiệm vụ này cần áp dụng chữ ký số, liên thông điện tử giữa các sở để xác định rõ trách nhiệm khi hồ sơ bị trễ hẹn, từ đó chấm dứt tình trạng để người dân, doanh nghiệp phải mang hồ sơ chạy đi chạy lại giữa các cơ quan, đồng thời xác định được trách nhiệm của người đứng đầu.

Nếu hồ sơ trễ hẹn thì phải xin lỗi người dân, 
doanh nghiệp.

Nhiệm vụ thứ ba là nhân rộng ngay các mô hình liên thông điện tử đã hiệu quả tại các quận huyện, kết nối đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin từ phường xã, quận huyện, sở ngành để tiến tới xây dựng chính quyền điện tử…

TIẾN LONG – MAI HOA ghi