Rộ nạn trộm cà phê
Cà phê được giá cũng là thời điểm nạn trộm cà phê xảy ra ở nhiều địa phương.
Rộ nạn trộm cà phê
Cà phê được giá cũng là thời điểm nạn trộm cà phê xảy ra ở nhiều địa phương.
Ông Nguyễn Tiến Hà, Trưởng công an xã Hà Mòn, H.Đăk Hà (Kon Tum) xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra 2 vụ hái trộm cà phê ở hộ gia đình ông Nguyễn Ngọc Lự có 62 cây bị tuốt hết trái chín (khoảng gần 2 tấn cà phê tươi) và hộ ông Trần Đức Bình bị mất 14 cây (trung bình khoảng 25 kg trái tươi/cây). Với giá 9.000 đồng/kg hạt cà phê tươi thì bọn trộm dễ dàng kiếm được khá nhiều tiền chỉ sau một phi vụ. Kẻ trộm hái trái theo kiểu tuốt lá, bẻ cành còn gây thiệt hại cho vụ sau.
Cắt cả cành cho vào bao
Không chỉ ở xã Hà Mòn mà nhiều xã khác của H.Đăk Hà cũng xảy ra nạn trộm cà phê. Theo UBND xã Đăk Mar, từ đầu tháng 11, nhiều hộ gia đình làm cà phê ở các thôn Kon Gung, Đăk Mút đã báo cho chính quyền. Theo phản ánh của người dân, các nhóm trộm cà phê thường cử người canh chừng rồi mang theo cả bạt vào vườn hái cà phê. Để hái nhanh hơn, chúng còn cắt cả cành cho vào bao rồi đưa đến nơi khác tuốt trái.
Tại H.Ngọc Hồi, ngày 25.11 công an huyện đã bắt quả tang vụ trộm 118 kg cà phê tươi ở TT.Plei Kần. Thủ phạm là Nguyễn Thế Minh (36 tuổi, trú xã Đắk Ngọc, H.Đắk Hà) có 4 tiền án về tội trộm cắp và cướp giật tài sản.
Trong khi đó, ở H.Ea Hleo (Đắk Lắk), nạn hái trộm cà phê đang là chuyện “nóng” ở một số xã vùng xa như: Cư Mốt, Ea Ral, Ea Hiao, Ea Khăl, Đliê Yang; nhiều vườn cây bị mất trộm cả cà phê còn xanh. Ngày 10.11, ông Nguyễn Văn Chung, ở thôn 5, xã Ea Nam, H.Ea Hleo, trình báo với chính quyền địa phương bị kẻ gian tuốt trộm 160 cây cà phê với sản lượng khoảng 1 tấn nhân (trên dưới 47.000 đồng/kg). “Hái trộm cà phê làm gia đình tôi không chỉ thất thu số lượng lớn mà còn thiệt hại thêm ở chỗ kẻ trộm bẻ gãy nhiều cành từ trên xuống để tuốt, ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng và năng suất của cây cà phê trong nhiều vụ sau”, ông Chung lo lắng.
Tại Đắk Nông cũng xảy ra nạn hái trộm cà phê. Tối 4.10, nhận tin báo, Công an xã Quảng Thành, TX.Gia Nghĩa, cùng người dân tổ chức vây bắt Trần Văn Trung (45 tuổi, quê Nam Ðịnh, tạm trú TX.Gia Nghĩa) khi Trung đang hái trộm cà phê ở rẫy của bà Nguyễn Thị Nhung. Tang vật thu được gồm 10 bao tải và gần 100 kg cà phê tươi, 1 xe máy không có giấy tờ. Trung khai không có việc làm nên trộm cắp cà phê để lấy tiền tiêu xài. Bà Nhung cho biết: “Do cà phê mới chín rải rác nên gia đình chủ quan, đợi khi chín rộ mới cho người vào canh giữ rẫy, không ngờ trộm lợi dụng thời điểm vắng người để ra tay”.
Thuê người, lập các đội tự quản bảo vệ cà phê
Theo ông Nguyễn Tiến Hà, hiện ngoài lực lượng công an, dân quân thay phiên tuần tra công khai, bí mật ngày lẫn đêm, thì người dân ở 9 thôn của xã Hà Mòn, H.Đăk Hà (Kon Tum) còn xây dựng 33 tổ an ninh tự quản để tuần tra bảo vệ cà phê mùa thu hái. Các tổ này thay phiên đi tuần tra bảo vệ cà phê, nhất là vào buổi tối. Khi đi tuần tra, họ đeo băng đỏ và được UBND xã Hà Mòn trang bị gậy cao su.
“Bất cứ người lạ nào đi vào khu vực các vườn cà phê đều được các đội an ninh tự quản này hỏi”, ông Hà cho hay. Để duy trì đội tự quản, mỗi người dân có rẫy cà phê tự nguyện đóng góp từ 30.000 – 60.000 đồng/hộ. Nhờ thông qua tuần tra liên tục, ngành chức năng xã Hà Mòn đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ liên quan đến trộm cà phê. Gần nhất là ngày 21.11, Công an xã Hà Mòn phát hiện và bắt giữ nhóm 5 – 6 thiếu niên ở TT.Đăk Hà vác bao cà phê trộm ở xã Đăk Ngọc, H.Đăk Hà đi tiêu thụ. Ngoài ra, xã Hà Mòn còn sử dụng 11 cái kẻng an ninh, để báo động khi có trộm cà phê, giúp người dân và lực lượng chức năng tổ chức vây bắt.
Ở thôn 3, xã Đăk Mar, H.Đăk Hà (Kon Tum), người dân còn góp tiền thuê nhóm 4 thanh niên bảo vệ gần 50 ha cà phê. Cách làm này đã mang lại hiệu quả trông thấy, từ đầu vụ đến giờ vùng cà phê này chưa hề bị trộm hái quả, bẻ cành.
Trung tá Nguyễn Tiến Dũng, Đội trưởng Đội tham mưu tổng hợp Công an H.Đăk Hà, cho biết công an huyện đã khởi tố vụ án hái trộm cà phê xảy ra tại nhà ông Lự và đang tiếp tục điều tra làm rõ.
Ở xã Ea Kpam, H.Cư Mgar (Đắk Lắk), công an xã tăng cường công tác kiểm tra, quản lý nhân hộ khẩu; khuyến cáo các đại lý nông sản không thu mua cà phê do trộm cắp mà có… Ông Lê Đặng Lương, Trưởng công an xã Ea Kpam, cho biết đã vận động người dân không vận chuyển cà phê ban đêm để tránh bị kẻ trộm lợi dụng; lực lượng công an, dân quân xã cùng tổ an ninh ở thôn, buôn, thực hiện tuần tra thâu đêm, tập trung ở những tuyến đường, khu vực rẫy cà phê xa dân, dễ bị trộm thâm nhập. Ở xã Đắk Som, H.Đắk Glong (Đắk Nông), có diện tích cà phê khá lớn, khoảng 1.700 ha. Để hạn chế tình trạng trộm cắp, xã đã thành lập 17 tổ an ninh với 205 thành viên theo dõi ở 9 thôn, buôn. Vào vụ thu hoạch cà phê, các tổ này kiểm tra tình hình tạm trú, tạm vắng, lập danh sách lao động đến địa bàn làm thuê để tiện theo dõi, không để kẻ xấu trà trộn vào trộm cắp cà phê.
Phạm Anh – Trung Chuyên