25/01/2025

Chẩn sai cho phép, mổ nhầm thì không!

Mới đây, gia đình ông Đ.N.Đ. (42 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) đã có đơn gửi Bộ Y tế, cho rằng Bệnh viện Thanh Nhàn đã chẩn sai, cho đi mổ viêm ruột thừa trong khi người bệnh bị ung thư đại tràng.

 

Chẩn sai cho phép, mổ nhầm thì không!

 Mới đây, gia đình ông Đ.N.Đ. (42 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) đã có đơn gửi Bộ Y tế, cho rằng Bệnh viện Thanh Nhàn đã chẩn sai, cho đi mổ viêm ruột thừa trong khi người bệnh bị ung thư đại tràng.

 

 

 

Chẩn sai cho phép, mổ nhầm thì không!
Nữ sinh lớp 10 Hà Vi (ngồi) bị cưa chân trong vụ “bác sĩ tắc trách, nữ sinh lớp 10 bị cưa chân” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Cư Kuin (Đắk Lắk) – Ảnh: gia đình cung cấp

Theo nhiều thầy thuốc lâu năm, trong y khoa, việc chẩn đoán sai (trước và sau mổ khác nhau) có thể còn cho phép, trong khi sơ sót hoặc nhầm lẫn thì hoàn 
toàn không.

Tại sao có xác suất chẩn sai?

Khoang bụng có nhiều phủ tạng thuộc các hệ thống khác nhau: hệ tiêu hoá, tiết niệu, sinh dục, tuần hoàn… Trong sách hướng dẫn y khoa, vùng bụng được chia làm 9 vùng để khoanh vùng điểm đau của các tạng tương ứng bên dưới, đó là các vùng: hạ sườn phải, thượng vị, hạ sườn trái, hông phải, vùng rốn, hông trái, hố chậu phải, hạ vị và hố chậu trái.

Vì các cơ quan, bộ phận này nằm chèn sát nhau nên có những dấu hiệu đau chồng lấn. Do đó, bác sĩ thường phải xem xét kỹ thông qua xét nghiệm, kỹ thuật, thủ thuật thăm dò. Ví dụ người bệnh đau vùng thượng vị có thể là dấu hiệu đau do viêm loét dạ dày, tá tràng, nhưng cũng có thể là cơn đau của viêm tụy, sỏi mật, đau thắt mạch vành… Bị đau ở hố chậu phải có thể do viêm ruột thừa, u manh tràng, viêm nang buồng trứng bên phải, táo bón…

Do đó, đã có trường hợp chẩn đoán trước mổ là viêm ruột thừa nhưng sau mổ phát hiện có ổ ápxe vòi trứng và đương nhiên các phẫu thuật viên phải cắt bỏ nó đi. Có người bệnh ruột thừa “lạc chỗ”, quay ngược dưới gan, khi ruột thừa bị viêm, đau có thể dẫn đến chẩn đoán nhầm là viêm ápxe gan. Người bệnh khám lâm sàng và siêu âm có hình ảnh u nang buồng trứng nhưng mổ ra thì là ung thư…

Như vậy, chẩn đoán trước và sau mổ có khác nhau, chẩn đoán sai là chuyện hoàn toàn có thể chấp nhận và hiểu được. Điều này xảy ra ở tất cả bệnh viện với nhiều phẫu thuật viên. Ngay tại nước có nền y tế phát triển như Hoa Kỳ, tỉ lệ chẩn “sai” viêm ruột thừa với các bệnh khác cũng xảy ra từ 10 – 20%.

Nhưng mổ nhầm, sơ sót thì tuyệt đối không!

Trong y khoa đã có nhiều trường hợp nhầm và sót nghiêm trọng như một TS-BS, trưởng khoa của một bệnh viện tuyến trên đã mổ nhầm tai của một bệnh nhân. Lý do, điều dưỡng đã cắt tóc nhầm bên cho người bệnh trước mổ. Rồi trường hợp bác sĩ ở Nghệ An bất cẩn nhầm tay bệnh nhân…

Không chỉ mổ nhầm, có trường hợp kiểm tra “sơ sót” như: trường hợp chấn thương cẳng chân, tuy không gãy xương nhưng có hội chứng chèn ép khoang, tắc mạch máu và bác sĩ không theo đúng quy trình kiểm tra đã “sót”, cuối cùng người bệnh bị cắt bỏ chân như các trường hợp Nguyễn Nho Pháp (Quảng Nam), Trương Chí Nguyện (Bạc Liêu), Lê Thị Hà Vy (Đắk Lắk), Nguyễn Ngọc Nhược (Quảng Ngãi) và mới đây là Lê Hoàng Lâm (TP.HCM) khiến dư luận xã hội giật mình.

Không tuân thủ quy trình kiểm tra cơ bản

Sự cố, tai biến trong y khoa có thể xảy ra với bất kỳ ca bệnh nào, có thể do khách quan, chủ quan do tay nghề chuyên môn, kinh nghiệm xử trí, thăm khám và cũng phụ thuộc yếu tố cơ địa người bệnh…

Nhưng nhầm lẫn, sơ sót y khoa lại hoàn toàn không phải do trình độ chuyên môn kém hay do công việc quá nhiều mà đều do bác sĩ, phẫu thuật viên không tuân thủ quy trình khám, kiểm tra cơ bản.

Để không nhầm lẫn, nhiều biện pháp đơn giản nên thực hiện: đeo vòng tay định dạng, có ghi họ tên và in mã cá nhân được số hoá lập ngay khi nhập viện để phân biệt. Áp dụng luật “năm tra, ba đối”. Công khai thảo luận bệnh án, phương pháp mổ trước. Thông tin, hướng dẫn bệnh nhân cách tự kiểm tra họ tên, tuổi trên đơn thuốc, bệnh án…

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban hành Bảng kiểm an toàn phẫu thuật, theo đó chia cuộc phẫu thuật ra làm ba giai đoạn: tiền mê, sau gây mê, trước phẫu thuật và giai đoạn phẫu thuật, đóng vết thương. Trong mỗi giai đoạn, người phụ trách bảng kiểm phải xác nhận rằng nhóm của mình đã hoàn thành những phần việc trước khi chuyển sang một giai đoạn khác.

Nếu nhân viên y tế, phẫu thuật viên tuân thủ nghiêm túc quy trình thì có thể kiểm soát được, giảm thiểu được đến mức thấp nhất các sự cố y khoa đau lòng.

TS.BS TRẦN BÁ THOẠI (Uỷ viên BCH Hội Nội tiết VN)