Giải bài toán “ngộp thở với chung cư”
Sau bài “Ngộp thở với chung cư”, các chuyên gia đề xuất phải chấn chỉnh tình trạng này bằng chiến lược phát triển nhà ở bài bản cũng như thực hiện đánh giá tác động giao thông khi duyệt các dự án chung cư.
Giải bài toán “ngộp thở với chung cư”
Sau bài “Ngộp thở với chung cư”, các chuyên gia đề xuất phải chấn chỉnh tình trạng này bằng chiến lược phát triển nhà ở bài bản cũng như thực hiện đánh giá tác động giao thông khi duyệt các dự án chung cư.
Một trong những chung cư cao tầng được xây tại khu vực Hoàng Minh Giám, Hồng Hà (P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Khi những chung cư này xây xong, tình trạng kẹt xe tại đây sẽ tăng nhiều do dân cư tập trung về đây – Ảnh: HỮU KHOA |
* PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):
Cần chiến lược phát triển nhà ở bài bản
Việc phát triển nhà cao tầng là điều cần thiết để giải quyết nhu cầu cấp bách về nhà ở tại các TP lớn như TP.HCM và Hà Nội. Tuy nhiên, lâu nay chiến lược phát triển nhà ở của cả nước có nhiều bất cập, các dự án chung cư phát triển rất tự phát.
Trong bản đồ quy hoạch chi tiết của các TP chỉ xác định khu vực đất ở chung chung, không nói rõ chỗ xây dựng loại nhà ở cụ thể, dẫn đến tình trạng hạ tầng quy hoạch cho nhà phố, nhà biệt thự nhưng chung cư cứ mọc lên.
Chủ đầu tư đang làm biệt thự, đến khi thấy làm chung cư lợi hơn lại chuyển sang làm chung cư. Chỗ hở này cũng tạo điều kiện cho cơ chế “xin – cho”. Nếu không chấn chỉnh tình trạng này, hệ thống giao thông, hạ tầng xã hội đương nhiên quá tải. Người dân còn chịu khổ sở lâu năm.
Các TP cần có chiến lược phát triển nhà ở bài bản, có định hướng từ trước để giải quyết tình trạng hạ tầng quá tải so với tốc độ phát triển chung cư. Các sở, ngành phải ngồi lại với nhau xác định rõ trong bản đồ quy hoạch chi tiết khu làm biệt thự, khu vực làm chung cư, hệ thống hạ tầng…
Khu nào xây nhà phố, biệt thự thì xây đường nhỏ, đầu tư đường lớn đối với khu chung cư. Tuyệt đối không để xảy ra chuyện nay quy hoạch khu biệt thự, nhà phố, mai lại cấp phép cho xây chung cư.
Trước mắt với điều kiện hạ tầng hiện tại, các TP lớn cần cân nhắc ưu tiên phê duyệt xây dựng dự án chung cư đối với nhà ở xã hội cho công nhân, người nghèo… Còn dự án chung cư thương mại cần phải cân nhắc, tính toán, chứ không chỉ cấp phép mà không lo chỉnh trang quy hoạch.
* Ông Khuất Việt Hùng (phó chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia):
Đánh giá tác động giao thông khi duyệt dự án
Ở các quốc gia phát triển, khi lập quy hoạch người ta đều có đánh giá tác động giao thông với những nghiên cứu nghiêm túc, số liệu chính xác.
Ví dụ khi quy hoạch một khu đô thị cần tính toán nơi đó sẽ có bao nhiêu cư dân, từ đó đánh giá tác động về giao thông như: sẽ có bao nhiêu xe, phát sinh bao nhiêu chuyến đi, trong đó số lượng chuyến bằng ôtô cá nhân, xe máy và phương tiện khác là bao nhiêu…
Từ đánh giá này mới bắt đầu định dạng ra nhu cầu về kết cấu hạ tầng, cần đường rộng ra sao, bao nhiêu làn, phân bố từng loại làn…
Nước ta hiện nay chưa có quy định pháp luật cụ thể cho việc đánh giá tác động giao thông mà chỉ dừng ở mức “thích thì làm, không thích thì thôi”, cũng chưa có tư duy nhìn nhận và xem trọng vấn đề này từ các nhà làm quy hoạch.
Vậy nên, ở nước ta thường thì làm đường trước rồi sau đó các dự án đua nhau xây dựng san sát hai bên đường, gây quá tải, ùn tắc nghiêm trọng.
Vừa qua, trong hội thảo quốc tế về giao thông công cộng hướng tới phát triển đô thị xanh, bền vững do Bộ Xây dựng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Quỹ môi trường toàn cầu tổ chức tại Hà Nội, tôi đã kiến nghị Chính phủ cần điều chỉnh nội dung và quy trình lập quy hoạch đô thị nhằm đảm bảo khả năng tích hợp giữa các bộ phận quy hoạch đô thị (kinh tế – xã hội, xây dựng, sử dụng đất) trên nền tảng quy hoạch phát triển giao thông vận tải đô thị.
Theo tôi, khi phê duyệt dự án, cơ quan quản lý nhà nước cần yêu cầu chủ đầu tư dự án đó trình đánh giá tác động về giao thông. Trong đó chủ đầu tư phải trình bày các chỉ tiêu về số dân cư, phương tiện, hầm, bãi đỗ xe, đường lưu thông nội bộ…
Các đơn vị chuyên môn sẽ thẩm định phương án trình này và tuỳ vào tác động lên hạ tầng nói chung và giao thông nói riêng, đơn vị quản lý sẽ phê duyệt cho dự án đó về chiều cao, số tầng, số tòa nhà, diện tích xây dựng cụ thể…
TS Phạm Sỹ Liêm (phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam): Chấn chỉnh quy trình ngược Thông thường, muốn tránh quá tải thì ba khâu: kiến trúc quy hoạch – xây dựng – giao thông phải đồng bộ, thế nhưng hiện nay ba khâu này đang “mạnh ông nào ông đó làm”. Lẽ ra quy hoạch sẽ quyết định việc xây dựng, mật độ, số lượng các dự án, trong khi thực tế lại đang diễn ra ngược lại, quy hoạch đang bị phụ thuộc vào dự án, vì nhiều lý do, trong đó có việc “bôi trơn”. Cần phải chấn chỉnh việc này, đồng thời phải có một “kiến trúc sư trưởng” đứng đầu chỉ huy để tránh tình trạng nơi nơi xin dự án, nơi nơi cấp dự án. |