Gỡ khó hộ khẩu cho dân
Dự kiến trong năm 2017, người dân tại TP.HCM có chỗ ở thuộc diện được cho thuê, mượn, ở nhờ sẽ được giải quyết hộ khẩu (gọi tắt là nhập hộ khẩu).
Gỡ khó hộ khẩu cho dân
Dự kiến trong năm 2017, người dân tại TP.HCM có chỗ ở thuộc diện được cho thuê, mượn, ở nhờ sẽ được giải quyết hộ khẩu (gọi tắt là nhập hộ khẩu).
Trước đây TP.HCM áp dụng quy định diện tích nhà ở tối thiểu 5 m2 sàn/người để cho nhập hộ khẩu theo luật Cư trú 2006. Từ năm 2014 đến nay, việc cho nhập hộ khẩu bị gián đoạn. Lý do là luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cư trú có hiệu lực từ 1.1.2014 quy định diện tích nhà ở bình quân tối thiểu để nhập hộ khẩu do HĐND tỉnh, thành quyết định theo đặc thù của từng địa phương. Tuy nhiên, quy định diện tích nhà ở bình quân tối thiểu mới này đến nay vẫn chưa được TP thông qua.
Phân chia theo khu vực nội – ngoại thành
Ngày 23.11, UBND TP.HCM họp bàn với các sở ngành, 24 quận, huyện, Ban Pháp chế HĐND TP… nhằm tháo gỡ vướng mắc trên. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý nhà (Sở Xây dựng) đề xuất phương án quy định diện tích nhà ở tối thiểu theo khu vực. Theo đó, khu vực 1: 15 m2 sàn/người áp dụng đối với 19 quận (1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Phú và Thủ Đức); khu vực 2: 10 m2 sàn/người áp dụng cho 5 huyện (Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè).
|
Góp ý về vấn đề này, Ban Quản lý các KCX – KCN TP đề nghị vẫn áp dụng quy định 5 m2 sàn/người để không ảnh hưởng đến đại bộ phận công nhân và UBND Q.1 đề xuất vẫn giữ nguyên mức 5 m2 sàn/người áp dụng riêng cho địa bàn P.Cầu Kho vì thực tế các hộ dân cư ngụ tại địa bàn phường này có diện tích nhà nhỏ hẹp; UBND Q.4 đề nghị quy định mức 4 – 6 m2sàn/người; UBND Q.12 đề nghị quy định mức 10 – 15 m2 sàn/người (giai đoạn 2016 – 2020). Trong khi đó, UBND H.Hóc Môn đề nghị cần cân nhắc và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay. Theo UBND H.Hóc Môn, hạn chế việc tập trung quá đông dân vào khu vực trung tâm là cần thiết, nhưng nên thực hiện bằng những giải pháp kinh tế, còn can thiệp bằng biện pháp hành chính như hạn chế nhập hộ khẩu thì thực tế vẫn không ngăn được số lượng dân di cư vào khu vực đô thị mà chỉ gây thêm khó khăn cho người dân.
Tuy nhiên, đại diện Sở Xây dựng vẫn bảo lưu quan điểm với đề xuất 15 m2sàn/người đối với khu vực 1 và 10 m2 sàn/người đối với khu vực 2, bởi từ năm 2010 đến 2015, TP phát triển được 39,16 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân là 17,32 m2 sàn/người; việc có sự chênh lệch giữa 2 khu vực nhằm góp phần hướng đến giãn dân ra ngoại thành. Đại diện Công an TP cũng cơ bản thống nhất theo hướng quy định diện tích nhà ở tối thiểu phân chia theo khu vực, bởi mật độ dân số bình quân 19 quận đã lên đến hơn 13.000 người/km2, trong khi ở 5 huyện chỉ mới hơn 1.000 người/km2, đồng thời xu hướng nhập hộ khẩu vào 19 quận hiện nay cũng đang chiếm tỷ lệ rất cao với hơn 95%.
Tạo thuận lợi nhất cho người dân
Ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP cho biết, hiện TP.HCM có hơn 12 triệu người thường xuyên sinh sống, học tập, làm việc, nhưng chỉ có hơn 6 triệu người đăng ký hộ khẩu thường trú, số còn lại đăng ký tạm trú hoặc chưa đăng ký tạm trú với cơ quan chức năng.
Kết luận cuộc họp, trước nhiều ý kiến còn có sự khác nhau, ông Khoa cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ để tránh gây khó khăn cho người dân khi áp dụng quy định mới. Theo chỉ đạo của ông Khoa, TP sẽ thành lập tổ nghiên cứu do ông Đỗ Phi Hùng, Phó giám đốc Sở Xây dựng làm tổ trưởng, có nhiệm vụ khẩn trương phối hợp 24 quận, huyện, các sở ngành liên quan tiếp tục khảo sát nhu cầu thực tế nhằm thống nhất phương án khả thi nhất, trình Thường trực UBND TP, Thành ủy cho ý kiến trước khi trình HĐND TP thông qua để thực hiện trong năm 2017.
Theo ông Đỗ Phi Hùng, đề xuất quy định mới về diện tích nhà ở tối thiểu để nhập hộ khẩu sẽ không áp dụng đối với các trường hợp đăng ký tạm trú có thời hạn, cũng không áp dụng đối với các trường hợp vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha mẹ; cha mẹ về ở với con; người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc về ở với anh, chị, em ruột; người thành niên độc thân về ở với ông, bà nội ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột…
Sống ở đâu nên cho đăng ký ở đó
Theo PGS-TS Võ Trí Hảo, Phó trưởng khoa Luật, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, ở các nước tiên tiến thì công dân có quyền tự do cư trú, vì vậy công dân hoàn toàn có quyền tự do lựa chọn nơi sinh sống. Để thuận tiện cho việc quản lý thì khi đến cư trú tại một địa phương nhất định quá một khoảng thời hạn nhất định (thường khoảng 3 tháng), người dân phải đăng ký với nhà chức trách địa phương. Ở các nước đó không có khái niệm hộ khẩu, không có khái niệm tạm trú. Thuận lợi trong việc đăng ký cư trú, không chỉ bảo đảm quyền hiến định của công dân, mà góp phần hạn chế hiện tượng người nhập cư sống không đăng ký, giảm bớt khó khăn cho các cơ quan điều tra khi xác định nhân thân của những người vi phạm pháp luật.
Cũng theo ông Hảo, cuộc khảo sát do Ngân hàng Thế giới và Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN thực hiện tại 5 tỉnh, thành là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương và Đắk Nông vừa công bố cho thấy, có ít nhất 5,6 triệu người không có hộ khẩu thường trú ở nơi cư trú, trong đó tỷ lệ ở TP.HCM theo khảo sát này lên tới 36% dân cư, còn tại Hà Nội là 18%. 70% người dân được khảo sát cho rằng, cuốn sổ hộ khẩu làm hạn chế quyền lợi, khiến họ không bình đẳng với người có hộ khẩu thường trú.
“Với đô thị đặc thù như TP.HCM, việc quy định diện tích nhà ở tối thiểu bình quân đầu người là cần thiết để tránh tình trạng nảy sinh các khu ổ chuột, đăng ký ảo (chỗ đăng ký một nơi nhưng chỗ ở một nơi), nhưng cũng cần tách biệt việc này với việc nhập hộ khẩu. Thực tế nếu bỏ quy định hộ khẩu không có nghĩa là bỏ quản lý cư trú mà ngược lại là phản ánh đúng hơn thực trạng sinh sống ở đâu thì đăng ký ở đó. Việc gán đăng ký cư trú theo quy định hộ khẩu với việc được hưởng các dịch vụ công như bệnh viện, trường học, thủ tục hành chính… dẫn đến phân biệt đối xử giữa người có hộ khẩu và không có hộ khẩu. Điều này cũng dẫn đến đại đa số người lao động nhập cư bị thiệt thòi và gặp nhiều khó khăn”, ông Hảo nói và đề xuất cần mở rộng xã hội hóa dịch vụ công để đáp ứng nhu cầu của tất cả người dân. Nếu xã hội hóa không mở rộng kịp thời, thì phải sử dụng các giải pháp kinh tế như đánh vào thuế bất động sản, phí sử dụng hạ tầng, giá điện, nước… có sự chênh lệch giữa khu vực nội thành và ngoại thành để người dân có quyền lựa chọn theo nhu cầu, qua đó vấn đề điều tiết giãn dân giữa các khu vực sẽ hiệu quả, hợp lý hơn.
|
Tân Phú