14/01/2025

Thiếu thói quen đọc sách do ảnh hưởng cách giáo dục?

Từ câu chuyện bảng xếp hạng 61 nước đọc sách nhiều nhất không có tên Việt Nam, một bạn đọc công tác trong ngành thư viện đã chia sẻ góc nhìn về vấn đề này.

 

Thiếu thói quen đọc sách do ảnh hưởng cách giáo dục?

Từ câu chuyện bảng xếp hạng 61 nước đọc sách nhiều nhất không có tên Việt Nam, một bạn đọc công tác trong ngành thư viện đã chia sẻ góc nhìn về vấn đề này.

 

 

 

Thiếu thói quen đọc sách do ảnh hưởng cách giáo dục?
Trẻ em đọc sách tại nhà sách Fahasa Tân Định, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Việt Nam không nằm trong bảng xếp hạng 61 nước đọc sách nhiều nhất là một thông tin đáng buồn nhưng phản ánh đúng thực trạng về văn hóa đọc ở Việt 
Nam hiện nay.

Chưa khuyến khích tự đọc

Là một người đang công tác trong ngành thư viện, tôi nghĩ thói quen đọc sách của người Việt thấp một phần do ảnh hưởng từ nền giáo dục. Ngay từ cấp tiểu học, chúng ta đã hình thành thói quen đọc chép cho trẻ mà không để học sinh tự đọc, tự tìm tòi.

Nếu như ở nước ngoài, ngay từ cấp tiểu học giáo viên sẽ đưa ra những danh mục tài liệu tham khảo mà học sinh cần đọc để hoàn thành bài tập hoặc bài thảo luận thì ở Việt Nam, phải lên đến bậc đại học hoặc cao học sinh viên mới có thói quen sử dụng thư viện để hoàn thành 
bài tập của mình.

Trong khi đó, thư viện trường học ở nhiều nơi hoạt động chỉ để đối phó, cầm chừng. Nhiều thư viện trường học hiện nay có số lượng đầu sách nghèo nàn, chỉ hoạt động một buổi hoặc 3 – 4 ngày trên tuần, sách phần lớn cất ngay ngắn trong kệ kính được khoá kỹ… nên việc tiếp cận sách của học sinh trở nên khó khăn.

Việc thủ thư là cán bộ kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn hạn chế, lương thuộc dạng thấp cũng làm nhiều cán bộ thư viện trường học không còn giữ được sự nhiệt tình trong việc tuyên truyền, giới thiệu sách cho học sinh. Thêm vào đó, ở nhiều trường, lãnh đạo và ngay cả giáo viên không đánh giá cao lợi ích mà thư viện mang lại nên hoạt động đọc sách khi có khi không, mang 
nặng tính hình thức.

Cần một chiến lược 
đọc sách

Trong bảng xếp hạng 61 nước đọc sách nhiều nhất có ba nước ở Đông Nam Á, trong đó Singapore xếp thứ 36, Malaysia xếp thứ 53, Indonesia đứng thứ 60.

Từng tham dự buổi tập huấn nằm trong dự án Bánh xe tri thức “Words on wheels” giữa Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM và Thư viện Quốc gia Singapore vào tháng 7-2016, tôi thấy Singapore đã xây dựng chiến lược đọc sách để phục vụ người dân của họ.

Chiến lược này đã phân loại đối tượng đọc sách. Có năm mức độ đọc tùy đối tượng, như: đọc nền tảng (cho trẻ mới biết nói), đọc thú vị (cho trẻ em), đọc cá tính (cho thanh thiếu niên), đọc sâu (cho người trưởng thành) và đọc để gắn kết (cho người thâm niên).

Với mỗi đối tượng, họ đều xây dựng những chiến lược và chương trình cụ thể thông qua các kết quả khảo sát được thực hiện chi tiết về nhu cầu, thói quen, đặc điểm của từng đối tượng.

Chẳng hạn với đối tượng là trẻ em, chiến lược của họ là làm cho việc đọc trở nên vui và hấp dẫn, hình thành thói quen đọc sách của trẻ từ những quyển sách trẻ thích và người lớn sẽ được khuyến khích làm hình mẫu đọc sách cho trẻ em.

Cách làm của họ là kết hợp việc đọc với các hoạt động đi cùng như: kể chuyện, làm thủ công. Bên cạnh đó là cung cấp các chương trình đọc sách phù hợp đến trường học, các hoạt động đọc sách ở gia đình như “Đọc sách 
buổi tối cùng tôi”…

Trong buổi tập huấn, những cán bộ Thư viện Quốc gia Singapore chia sẻ không phải dễ dàng để họ có được nền tảng và xây dựng được một cộng đồng đọc sách, một đất nước học tập suốt đời như hiện nay. Họ đã phải mất đến mười mấy năm kiên trì, nỗ lực và tự hoàn thiện mình.

Ở nước ta cũng rất cần một sự kiên trì như vậy để xây dựng thói quen đọc sách cho mỗi người dân. Cần phải xây dựng cho được chiến lược đọc sách phù hợp từng đối tượng người đọc ở Việt Nam để tạo ra sự thay đổi thói quen đọc sách.

Việc thay đổi ấy phải bắt đầu từ ghế nhà trường, từ việc gợi mở những quyển sách cần đọc thêm cho trẻ ngay từ cấp tiểu học và tạo thói quen sử dụng thư viện phục 
vụ cho việc học.

Không thấy khách Việt đọc sách ở sân bay

61 quốc gia có người đọc sách nhiều nhất, trong đó không có Việt Nam – thông tin không làm chúng ta bất ngờ nhưng làm chúng ta thêm xót xa, lo lắng.

Mới đây, tôi có dịp ngồi hơi lâu ở sân bay quốc tế Liên Khương (Đà Lạt) do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, các chuyến bay đều bị chậm. Hàng trăm khách chờ ở phòng cách ly. Khách Việt thì tranh thủ ăn sáng, ngủ, tán gẫu, chat với điện thoại di động. Còn mấy chục khách Tây thì ai nấy yên lặng, dăm bảy người trong số ấy đọc sách, có mấy người tranh thủ vào cửa hàng sách tìm, lựa chọn và mua sách. Tôi không thấy có người Việt nào đọc hay mua sách sáng đấy.

Tôi lại nhớ anh bạn đồng nghiệp có một cửa hàng sách lớn tại phố núi có lần nói với tôi: “Vào cửa hàng của tôi mua sách thì giáo viên là ít nhất!”.

Siêng đọc sách giúp học sinh học chăm, mở rộng kiến thức là nền tảng để các em sáng tạo. Và như thế chuỗi: thói quen đọc sách – văn hoá ứng xử – tự học – sáng tạo là nền tảng để có kế hoạch khởi nghiệp. Khởi nghiệp để phát triển cá nhân, để làm công dân toàn cầu và để góp phần xây dựng nước nhà. Chân lý đó thật hiển nhiên, chỉ tiếc là hiện nay đọc sách chưa trở thành nhu cầu bức thiết của thầy trò.

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG (Lâm Đồng)

QUỲNH ANH (TP.HCM)