Đừng tự ý né ngày… “bí mật”
Có được một chu kỳ kinh nguyệt bình thường là mong ước của hầu hết chị em bởi đây là một yếu tố cho thấy tình trạng sức khoẻ tốt. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nhiều người tìm đủ cách để trì hoãn hoặc ép ngày này đến sớm hơn thường lệ.
Đừng tự ý né ngày… “bí mật”
Có được một chu kỳ kinh nguyệt bình thường là mong ước của hầu hết chị em bởi đây là một yếu tố cho thấy tình trạng sức khoẻ tốt. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nhiều người tìm đủ cách để trì hoãn hoặc ép ngày này đến sớm hơn thường lệ.
Các bạn nữ nếu muốn dời ngày “đèn đỏ” cần có ý kiến của bác sĩ – Ảnh: T.T.D. |
Về mặt sinh sản, theo TS.BS Vương Thị Ngọc Lan, bộ môn phụ sản – ĐH Y dược TP.HCM, một người phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn phản ánh buồng trứng của người đó có hoạt động phóng noãn đều đặn, tử cung, âm đạo có cấu trúc giải phẫu và chức năng bình thường.
Muôn vàn lý do
Chồng làm việc ở nước ngoài về thăm, đi công tác, du lịch biển, ngày cưới, tuần trăng mật… đúng ngày “đèn đỏ” là một vài nguyên nhân chính mà bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thanh Hải, Bệnh viện Trưng Vương, thường gặp khi chị em đến xin tư vấn dời ngày có kinh nguyệt.
Trên các diễn đàn dành cho phụ nữ, có không ít chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm điều chỉnh ngày này, có người muốn ngày “đèn đỏ” đến sớm, có người lại mong chỉnh làm sao để tháng này có kinh muộn một chút.
Những cách mà chị em rỉ tai nhau là uống thuốc tránh thai hằng ngày, thuốc tránh thai khẩn cấp, thậm chí còn chỉ chiêu rằng liên tục uống nước dừa hay cà phê đậm đặc, ăn rau răm… trong nhiều ngày liên tiếp (?).
Nguy hiểm hơn có người còn tư vấn nên vận động nhiều, tập thể dục với cường độ cao để điều chỉnh ngày hành kinh. Cá biệt, có chị còn chia sẻ kinh nghiệm uống thuốc cảm cúm liên tục để dời ngày kinh.
Không được dời ngày “đèn đỏ” theo ý muốn
Theo BS Nguyễn Thanh Hải, hiện tượng kinh nguyệt là do giảm đột ngột nồng độ estrogen và progesteron trong máu. Do đó, muốn cho không có kinh thì phải duy trì nồng độ estrogen và progesteron trong máu, để không làm phóng thích prostaglandin F2. Khi đó mạch máu sẽ không bị co thắt nên nội mạc tử cung không bị bong tróc.
Muốn vậy, phải đưa các nội tiết tố này vào cơ thể và điều này khó đạt được bằng các phương pháp khác ngoài thuốc.
Theo các bác sĩ, không thể thay đổi lối sống (chế độ ăn uống, vận động, giải trí…) như chị em chia sẻ bí quyết với nhau để chủ động dời ngày “đèn đỏ” theo ý muốn. Ngoài ra, việc tập thể dục quá mức về cường độ và thời gian có thể làm cho chu kỳ kinh nguyệt biến mất, bởi nó làm giảm lượng chất béo trong cơ thể.
Có thể dời nhưng không lạm dụng
BS Phan Vương Huy Đổng, phó chủ tịch Hội Y học thành phố, cho biết ngay cả với các vận động viên thể thao, việc điều tiết ngày “đèn đỏ” để né ngày thi đấu cũng phải được hội ý kỹ giữa vận động viên, ban huấn luyện và các chuyên gia y tế.
“Việc chủ động dời ngày này đối với những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt bình thường có thể thực hiện được nhằm tạo sự thoải mái nhân sự kiện đặc biệt nào đó. Tuy nhiên, không nên lạm dụng việc này vì có thể dẫn đến xáo trộn nội tiết tố một cách không cần thiết”, BS Nguyễn Thanh Hải cảnh báo.
Bên cạnh đó, theo BS Nguyễn Thanh Hải, rối loạn kinh nguyệt thỉnh thoảng có thể xảy ra, nhưng nếu kéo dài sẽ tiềm ẩn một bệnh lý nào đó thuộc về trục hạ đồi, tuyến yên, buồng trứng, tử cung, hoặc là một bệnh nào khác như suy hoặc cường giáp, lupus…
Theo các bác sĩ, khi thật sự cần thiết phải dời ngày kinh, chị em phụ nữ nên tìm đến các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, không nên tự ý dùng thuốc hoặc nghe theo các chỉ dẫn trên mạng.
Với phương pháp mà nhiều chị em mách nước nhau là dùng thuốc ngừa thai hằng ngày, BS Nguyễn Thanh Hải cho biết cách này có thể áp dụng nhưng phải có sự tư vấn chi tiết, cụ thể của bác sĩ chuyên khoa.
BS Vương Thị Ngọc Lan cho biết thêm cách làm này gây hiện tượng sụt giảm nội tiết một cách nhân tạo, bắt chước kiểu sụt giảm nội tiết một cách sinh lý do hoàng thể thoái hoá. Một lưu ý khác là cách này chỉ để dời ngày có kinh chứ không có tác dụng tránh thai.
Tuy không gây rối loạn kinh nguyệt chu kỳ sau nhưng nếu sử dụng thường xuyên, liên tục thì chu kỳ kinh nguyệt có thể bị rối loạn.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, dùng thuốc ngừa thai để chủ động chu kỳ kinh nguyệt phải tuân thủ các chống chỉ định. Một số chống chỉ định của thuốc ngừa thai như các bệnh liên quan đông máu như suy gan, huyết khối hoặc viêm tắc mạch, huyết áp cao, lupus, ung thư vú, tăng sản nội mạc tử cung, xuất huyết âm đạo chưa xác định nguyên nhân… Ngoài ra, thuốc có thể gây ra tác dụng phụ. |