27/01/2025

Suốt ngày đi… “chút xíu”!

Nhiều người mắc bệnh này phải nghỉ học, nghỉ làm vì suốt ngày đi tiểu. Có người khủng hoảng tinh thần do chạy chữa khắp nơi nhưng vẫn đi tiểu 40-50 lần/ngày.

 

Suốt ngày đi… “chút xíu”!  

Nhiều người mắc bệnh này phải nghỉ học, nghỉ làm vì suốt ngày đi tiểu. Có người khủng hoảng tinh thần do chạy chữa khắp nơi nhưng vẫn đi tiểu 40-50 lần/ngày. 

 

 

 

Suốt ngày đi... “chút xíu”!  
Chị N.T.A. được các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân làm thủ thuật tiêm thuốc vào cơ bàng quang để trị bệnh tiểu nhiều lần – Ảnh do bệnh viện cung cấp

Chị N.T.A. (23 tuổi, TP.HCM) mắc bệnh này gần hai năm. Chị A. đi chữa trị nhiều nơi, được chẩn đoán bệnh khác nhau, uống rất nhiều thuốc nhưng bệnh không giảm.

Lần đi khám bệnh gần nhất tại Bệnh viện Bình Dân, TP.HCM, bác sĩ nói bệnh của chị không đáp ứng thuốc, phải can thiệp ngoại khoa mới có thể hết đi tiểu nhiều lần.

Ngày 10-11, chị A. được các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân mổ, chích thuốc vào cơ bàng quang để trị bệnh.

Phải nghỉ học vì đi tiểu nhiều lần

Theo chị A., bệnh chị khởi phát tháng 2-2015 với biểu hiện ban đầu là mắc tiểu nhưng không tiểu được, đau buốt bụng dưới. Chị đã phải đi cấp cứu ở một bệnh viện huyện của TP vì không tiểu được. Bác sĩ bệnh viện này chẩn đoán chị bị nhiễm trùng tiết niệu, cho thuốc uống chị mới tiểu được. Sau đó bác sĩ cho chị toa thuốc về uống một tuần.

Uống hết thuốc chị lại chuyển sang đi tiểu nhiều lần. Lúc đầu mỗi ngày chị đi tiểu 20 lần, sau đó số lần đi tăng dần lên thành 30-40 lần/ngày. Từ tháng 3 đến tháng 5-2015 chị đi khám và điều trị ở nhiều bệnh viện tại TP nhưng các bác sĩ lại chẩn đoán khác nhau là nhiễm trùng đường tiểu, viêm bàng quang, nước tiểu có nấm, viêm kẽ bàng quang, bàng quang tăng hoạt, thậm chí nghi chị bị lao niệu và cho đi xét nghiệm tìm vi trùng lao nhưng kết quả âm tính…

Chị A. cũng thử nhịn uống nước cả ngày nhưng vẫn đi tiểu 25-30 lần. Quá chán nản, chị A. bỏ điều trị, chấp nhận đi tiểu suốt ngày như vậy và xin bảo lưu kết quả học tập tại một trường đại học ở TP vì không thể đến trường.

“Đến tháng 8-2016 tôi đi tiểu cả trăm lần mỗi ngày. Tôi cứ buồn tiểu liên tục, 10-15 phút lại đi. Người tôi từ 48kg, sau hơn một năm mắc bệnh chỉ còn 42kg khiến tôi rất bi quan. Từ tháng 8 đến tháng 10-2016 tôi đi khám và điều trị liên tục ở Bệnh viện Bình Dân. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị hội chứng bàng quang tăng hoạt, cho uống thuốc nhưng tôi vẫn đi tiểu 25-30 lần/ngày. Sau đó bác sĩ chỉ định điều trị cho tôi bằng cách chích thuốc vào bàng quang” – chị A. kể lại.

16% dân số mắc bệnh

Theo ThS.BS Huỳnh Đoàn Phương Mai, đơn vị niệu nữ – bàng quang thần kinh – niệu động học Bệnh viện Bình Dân, chị A. là trường hợp điển hình của hội chứng bàng quang tăng hoạt vô căn. Người bị hội chứng này bị rối loạn chức năng bàng quang, cơ bàng quang hoạt động quá mức bình thường khiến người bệnh mắc tiểu nhiều lần và khó nhịn tiểu.

Ở người lớn, thể tích bàng quang khi giãn căng có thể chứa khoảng 350-500ml nhưng ở người bị hội chứng này thì trong bàng quang chỉ cần chứa một lượng nhỏ nước tiểu đã kích thích người bệnh có cảm giác mắc tiểu. Bác sĩ Phương Mai cho biết theo nhiều nghiên cứu ở Mỹ, châu Âu cho thấy tỉ lệ dân số bị bàng quang tăng hoạt khoảng 16-25%.

Tại VN, một nghiên cứu của Hội Tiết niệu – thận học VN năm 2014 ở ba TP lớn cho thấy tỉ lệ người dân mắc hội chứng này khoảng 16% dân số (trên 8 lần/ngày). Trong đó có người đi tiểu đến 60-70 lần/ngày khiến sức khỏe suy giảm trầm trọng. Tuy bệnh không gây nguy hiểm cho sức khỏe nhưng lại khiến người bệnh dễ bị trầm cảm, tự ti, gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, học tập, làm việc, rối loạn giấc ngủ, có phụ nữ còn không dám gần chồng vì tâm lý mặc cảm.

Nhiều phương pháp điều trị

Theo bác sĩ Phương Mai, bác sĩ cần hỏi bệnh và khám lâm sàng kỹ, cho làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh… cần thiết để tìm nguyên nhân gây cho người bệnh đi tiểu nhiều lần. Nếu bàng quang tăng hoạt do các bệnh lý nói trên gây ra, người bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật có thể sẽ khỏi bệnh. Trường hợp không tìm ra nguyên nhân mới kết luận là hội chứng bàng quang tăng hoạt vô căn.

Về điều trị, ban đầu người bệnh sẽ điều trị không dùng thuốc là thay đổi thói quen sinh hoạt như không hút thuốc lá, hạn chế cà phê, trà, nước ngọt để tránh bàng quang bị kích thích co bóp gây đi tiểu nhiều; tập nhịn tiểu, tập thời gian đi tiểu hợp lý, tập bài tập Kegel để săn chắc vùng chậu, tập kích thích matxa vùng tầng sinh môn giúp bàng quang co bóp lại bình thường…

Nếu không cải thiện, bác sĩ cho thuốc uống khoảng 4-6 tuần để làm giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt, cho kết quả tốt khoảng 80% người bệnh.

Nếu không hiệu quả, người bệnh sẽ được chích thuốc vào thành bàng quang để cơ bàng quang giãn ra, tăng sức chứa, giúp bàng quang không co bóp nhiều.

Trường hợp chích thuốc vẫn đi tiểu nhiều lần, người bệnh sẽ được phẫu thuật nội soi cắt bỏ bàng quang và thay bàng quang mới bằng cách tái tạo bàng quang từ ruột của chính người bệnh.

Hội chứng bàng quang tăng hoạt có bốn triệu chứng chính: tiểu gấp (cảm giác mắc tiểu dữ dội, không nhịn tiểu được, phải đi liền), tiểu nhiều lần (người bình thường đi 8 lần/ngày, nhưng người bệnh đi 20-40 lần/ngày), tiểu đêm (phải thức dậy để đi tiểu nhiều lần trong đêm khiến người bệnh mất ngủ), và người bệnh có thể kèm theo tiểu gấp không kiểm soát (tiểu són vì không kịp vào nhà vệ sinh).

Tuy nhiên, các triệu chứng này cũng có thể là biểu hiện của bệnh lý khác như nhiễm trùng tiểu, viêm đường tiết niệu, tăng sinh tuyến tiền liệt (nam giới), bàng quang thần kinh (do nguyên nhân thần kinh khiến cơ bàng quang hoạt động bất thường), sa bàng quang (ở phụ nữ), bế tắc đường tiểu, có sỏi hoặc u bàng quang, tiểu nhiều sau chấn thương cột sống hoặc sau tai biến mạch máu não…

Tuy nhiên, có rất nhiều người bệnh bị hội chứng bàng quang tăng hoạt vô căn (không tìm ra nguyên nhân).

LÊ THANH HÀ, [email protected]