Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Trương Minh Tuấn vừa trả lời phỏng vấn về quyết tâm trong việc giải quyết triệt để vấn nạn sim rác, tin nhắc rác, dù triển khai các quy định trên thực tế hết sức khó khăn.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Làm triệt để vấn đề SIM rác, tin nhắn rác
Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Trương Minh Tuấn vừa trả lời phỏng vấn về quyết tâm trong việc giải quyết triệt để vấn nạn sim rác, tin nhắc rác, dù triển khai các quy định trên thực tế hết sức khó khăn.
Việc cần kíp phải làm ngay
Thưa Bộ trưởng, thời gian gần đây, Bộ Thông tin – Truyền thông đã ban hành các thông tư, văn bản để xử lý vấn nạn sim rác, tin nhắn rác, nhưng quá trình triển khai trong thực tiễn lại rất khó khăn. Xin Bộ trưởng chia sẻ thêm quyết tâm của Bộ trong việc triển khai các quy định ngăn chặn sim rác, tin nhắn rác vào thực tiễn?
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Sự phát triển bùng nổ của lĩnh vực viễn thông – công nghệ thông tin trong thời gian qua đã mang lại nhiều thay đổi, tác động lớn lao trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, đi kèm với những lợi ích to lớn mà sự phát triển đó mang lại thì thực tiễn đã phát sinh một số vấn đề tiêu cực, cụ thể là vấn nạn tin nhắn rác mà chúng ta đang thấy hiện nay.
Vấn đề tin nhắn rác mà toàn xã hội đang hết sức bức xúc, xét về bản chất thì nguyên nhân gốc gây ra bởi việc bán sim điện thoại trả trước một cách tràn lan, và việc rất nhiều người dân đã bị sử dụng thông tin cá nhân mà không hề được thông báo. Điều này thể hiện việc thiếu quản lý và giám sát nghiêm túc của các cơ quan chức năng và các đơn vị liên quan. Vấn đề này đang ảnh hưởng lớn đến xã hội, gây phiền nhiễu đến rất nhiều người sử dụng điện thoại, có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn thông tin.
Mặc dù đã tồn tại nhiều năm, tuy nhiên vấn nạn này chưa giải quyết triệt để cũng xuất phát vì vấn đề lợi ích của nhiều bên: Nhà mạng – được hưởng lợi vì điều này giúp phát triển số lượng thuê bao di động; đại lý SIM/thẻ – khai báo sẵn thông tin không chính xác và duy trì SIM tồn tại thì sẽ có được doanh số/lợi ích nhất định; Người dùng – cũng được lợi từ các SIM mới được khuyến mại nhiều. Chính vì những lợi ích đó mà vấn đề này đã tồn tại như một hệ luỵ tất yếu của kinh tế thị trường.
Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi Thanh Niênngày 1.11 đăng bài Xoá sổ sim “rác”.
Ở góc độ quản lý nhà nước, việc phát triển thuê bao trả trước tràn lan thiếu quản lý đã làm phát sinh tình trạng SIM rác và dẫn tới việc lãng phí tài nguyên kho số quốc gia. Đồng thời, vấn nạn SIM rác cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn, an ninh thông tin quốc gia. Để hướng tới việc xây dựng một môi trường viễn thông, internet lành mạnh tại Việt Nam, tôi cho rằng đây là vấn đề sẽ phải làm triệt để.
Xin Bộ trưởng cho biết vai trò của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trong việc ngăn chặn SIM rác, tin nhắc rác?
Việc quản lý thuê bao trả trước tùy thuộc vào các chính sách quản lý cũng như chiến lược kinh doanh của từng nhà mạng, nhưng phải trên cơ sở tuân thủ pháp luật về viễn thông, công nghệ thông tin. Với số lượng hàng chục nghìn đại lý SIM/số, đây chính là kênh kinh doanh vô cùng quan trọng mang lại sự phát triển vượt bậc của các nhà mạng. Điều này cho thấy sự cần thiết phải có chính sách quản lý, giám sát hệ thống đại lý của các nhà mạng và đây là một trong các việc cần kíp phải làm ngay.
Như các bạn đã biết, với vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, Bộ Thông tin – Truyền thông đã định hướng và ủng hộ quyết tâm của các nhà mạng trong việc giải quyết dứt điểm vấn đề SIM rác, thông qua việc vừa qua tất cả các nhà mạng cùng nhau ký cam kết với Bộ để thu hồi SIM kích hoạt sẵn.
Đồng thời, các nhà mạng cũng chủ động đưa ra các giải pháp thực hiện, ví dụ như MobiFone đề xuất ý tưởng là có thể thu cước hoà mạng đối với thuê bao di động trả trước (giống như thuê bao trả sau). MobiFone còn kiến nghị nên phát hành SIM không có mệnh giá và khuyến mãi SIM này giống như các SIM đang hoạt động.
Đồng tình với quan điểm này, Viettel kiến nghị tách riêng tiền sim và tiền trong tài khoản ra, đồng thời quy định giá bộ kích hoạt ở mức 15.000 đồng. Khi nào có nhu cầu sử dụng, người dùng phải mua thêm thẻ cào để nạp và hưởng mức ưu đãi 50% như những thuê bao cũ.
Làm trong sạch thị trường cung cấp điện thoại di động
Ngoài đề xuất của các nhà mạng, Bộ sẽ thực hiện các biện pháp, chính sách gì để giải quyết triệt để vấn nạn này?
Trên thực tế, việc kích hoạt SIM của các nhà mạng đều có quy trình rõ ràng, tuy nhiên việc một số cá nhân, đại lý cố tình thực hiện sai khâu kích hoạt mà không có biện pháp quản lý giám sát sẽ dẫn tới tình trạng SIM rác như hiện tại. Sắp tới, Bộ sẽ yêu cầu các nhà mạng phải nâng cao trách nhiệm và phải chủ động chấn chỉnh lại việc thực hiện quy trình kích hoạt SIM này một cách chặt chẽ hơn, đồng thời trong tương lai sẽ phối hợp đồng bộ kết nối các nhà mạng với cơ sở dữ liệu quốc gia để xác thực thông tin chủ sở hữu SIM và số lượng SIM kích hoạt trên một chủ sở hữu được kiểm soát chính xác theo đúng quy định của pháp luật.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới hay ngay trong khu vực như ở Singapore, các thuê bao dịch vụ di động trả trước hay trả sau đều phải cung cấp đầy đủ thông tin (scan passport) cho các nhà cung cấp dịch vụ di động trước khi được khai thác dịch vụ, để từ đó, Chính phủ hoặc các nhà mạng có thể quản lý thuê bao của mình một cách chính xác nhất.
Đồng thời, các nhà mạng hiện nay cũng không có nhiều chính sách hay dịch vụ ưu đãi cho các thuê bao trả sau – thông thường là các thuê bao có thông tin rõ ràng, chính xác, cam kết sử dụng dịch vụ lâu dài. Trong khi đó, các chính sách về thuê bao trả trước lại rất đa dạng, thường xuyên được thay đổi, cập nhật, mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng. Do đó, trong thời gian tới, các nhà mạng cũng cần điều chỉnh và đưa ra các chính sách nhằm ưu tiên các thuê bao trả sau, thay vì quá tập trung phát triển thêm thuê bao trả trước theo cách chạy các ưu tiên khuyến mại trả trước như hiện tại.
Hôm qua (28.10), 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động gồm Viettel, Vinaphone, MobiFone, Vietnamobile và GTel đã cùng nhau ký cam kết với Bộ TT-TT về việc thu hồi sim kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối.
Cần phải tăng cường các chính sách, gói dịch vụ giá trị gia tăng cho thuê bao trả sau, thu hút các thuê bao này sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhà mạng, cũng như gắn kết thuê bao trả sau với các gói đi kèm thiết bị được phân phối bởi các nhà mạng. Các điện thoại này được đăng ký, quản lý bởi Nhà nước, làm trong sạch thị trường cung cấp điện thoại di động, cũng như giảm thiểu các mối nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia xuất phát từ các nguồn nhập bất hợp pháp.
Như tôi đề cập ở trên, vấn đề phát triển thuê bao ồ ạt, thiếu kiểm soát, chạy theo thành tích dẫn tới các vấn nạn đang gặp phải hầu hết từ các thuê bao trả trước. Như vậy, một mặt cần tăng cường kiểm soát thuê bao trả trước, mặt khác cần khuyến khích phát triển thuê bao trả sau, cũng như tăng cường chất lượng dịch vụ, ưu đãi để kích thích nhu cầu sử dụng nhóm thuê bao này.
Xin Bộ trưởng chia sẻ thêm quan điểm của Bộ trưởng trong vai trò của một người đứng đầu ngành, đồng thời cũng là người sử dụng dịch vụ viễn thông về vấn nạn SIM rác, tin nhắn rác hiện nay?
Trước hết, ở góc độ một người sử dụng dịch vụ viễn thông, rõ ràng sự phát triển dịch vụ viễn thông đã mang lại lợi ích to lớn và sự thay đổi lớn lao trong cuộc sống. Tôi mong rằng, các dịch vụ viễn thông sẽ không mang đến cho người sử dụng những phiền phức, những thông tin phiền hà. Chất lượng dịch vụ viễn thông sẽ ngày càng cải thiện, góp phần vào nâng cao chất lượng công việc và cuộc sống của mọi người dân.
Với vai trò của người đứng đầu ngành ngành viễn thông – công nghệ thông tin nói chung, tôi mong muốn các doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông – công nghệ thông tin có những biện pháp cụ thể, mạnh mẽ, không vì những lợi ích, thành tích chưa như việc phát triển doanh số, thuê bao mà gây ra các vấn nạn như thuê bao ảo, SIM rác.
Thay vào đó, các doanh nghiệp cần tích cực nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ tối đa lợi ích người tiêu dùng, mang lại những giá trị trong cuộc sống. Đặc biệt là trong bối cảnh các nhà mạng ở Việt Nam vừa được cấp giấy phép 4G, cần tận dụng tối đa giá trị của công nghệ để hỗ trợ cuộc sống vào các dịch vụ cụ thể như: dịch vụ y tế, giáo dục, giao thông, Chính phủ điện tử, thành phố thông minh…