Việt Nam được coi là vùng trũng của tình trạng vi khuẩn kháng thuốc, nhất là kháng thuốc kháng sinh. Việc kháng thuốc khiến bệnh thường kéo dài; ngay cả cảm cúm, viêm họng bây giờ kéo dài cả mấy tuần mới khỏi.
Báo động kháng thuốc ở Việt Nam
Việt Nam được coi là vùng trũng của tình trạng vi khuẩn kháng thuốc, nhất là kháng thuốc kháng sinh. Việc kháng thuốc khiến bệnh thường kéo dài; ngay cả cảm cúm, viêm họng bây giờ kéo dài cả mấy tuần mới khỏi.
Thực trạng mua kháng sinh dễ như mua rau, bán kháng sinh dễ như bán tạp hoá ở VN khiến cho nhiều người chỉ mới cảm sốt hay ho, dù chưa cần dùng đến kháng sinh, nhưng cũng có thể tự ý sử dụng kháng sinh.
Mua thuốc quá dễ, kê toa bao vây
Sáng 20.11, chúng tôi đến một nhà thuốc trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3, gần chợ Hoà Hưng, Q.10, TP.HCM) nói bị đau họng, ho. Ngay lập tức một nhân viên bán thuốc hỏi ho khan hay ho đàm, rồi lấy ra 4 loại thuốc tổng cộng 11 viên, trong đó có kháng sinh (là loại thuốc bán theo kê đơn của bác sĩ) và kháng viêm.
Ngày 17.11, Trung tâm truyền thông – giáo dục sức khỏe TP.HCM tổ chức tọa đàm chuyên đề: “Mối nguy hiểm của kháng thuốc”, hưởng ứng tuần lễ phòng chống kháng thuốc (từ ngày 16 – 22.11) năm 2016.
Chúng tôi tiếp tục đến một nhà thuốc cách đó không xa và cũng khai bệnh như trên, cô nhân viên bán thuốc lấy ra 3 loại với 11 viên, 1 loại được bóc vỉ, trong đó có thuốc kháng sinh.
Khi chúng ta sử dụng thuốc sai, lúc đó kháng sinh không tiêu diệt hết được vi khuẩn thì vi khuẩn sẽ tự thay đổi để thích nghi, kháng lại thuốc và lan truyền trong cộng đồng. Đã xuất hiện những chủng vi khuẩn mà kháng sinh (kể cả thế hệ mới) “bó tay”, không còn tác dụng
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan
“Mua bán thuốc kháng sinh ở VN phải nói là vô cùng mất trật tự. Bệnh một tí là cho sử dụng thuốc kháng sinh, cả kháng sinh mạnh, thế hệ mới là điều đáng lo, dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Khi đó người ta phải dùng kháng sinh mới hơn hoặc dùng lại kháng sinh cũ nhưng với liều rất cao gây nguy hiểm cho cơ thể. Vấn đề kháng thuốc xảy ra thường xuyên, có loại chỉ mới sử dụng khoảng một tháng đã xuất hiện dòng vi trùng kháng kháng sinh”, PGS-TS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM, lo ngại.
PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội), cũng nhận xét việc mua bán kháng sinh trong cộng đồng quá dễ dàng. Mặc dù đã có quy định về kê đơn và bán thuốc theo đơn, nhưng người bệnh vẫn có thể mua thuốc kháng sinh và nhiều loại thuốc khác trực tiếp từ các nhà thuốc bán lẻ.
Theo một nghiên cứu cộng đồng gần đây, 78 – 90% kháng sinh được mua, bán không có đơn. TS Kính cũng khuyến cáo về thiếu kiến thức sử dụng kháng sinh hợp lý trong nhân viên y tế, đó là cho bệnh nhân dùng kháng sinh không cần thiết trong các trường hợp cảm cúm thông thường.
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cũng lo ngại: Còn nhiều bác sĩ có thói quen kê đơn “thừa hơn thiếu”, kê thuốc bao vây, lạm dụng các kháng sinh phổ rộng, thế hệ mới, đắt tiền. Thống kê cho thấy kháng sinh chiếm 17% tổng chi phí điều trị, chúng ta đã dùng kháng sinh thế hệ 3, 4 trong khi các nước phát triển vẫn dùng thế hệ 1. Hơn nữa, tình trạng nhiễm khuẩn BV cũng rất đáng báo động. Nguyên nhân thứ hai là người dân còn thói quen tự mua thuốc tại nhà thuốc mà không cần đơn bác sĩ (khoảng 90%).
Bên cạnh đó, chất lượng kháng sinh nếu không bảo đảm cũng khiến vi khuẩn đề kháng (lờn thuốc). Các vi phạm thường gặp nhất là hàm lượng hoạt chất thiếu hụt, hoặc chất lượng nguồn nguyên liệu…
Nhà thuốc bán kháng sinh tùy tiện là thực trạng phổ biến ở VNẢNH: DUY TÍNH
Kháng hết kháng sinh
Trước tình trạng trên, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan khuyến cáo: “Khi chúng ta sử dụng thuốc sai, lúc đó kháng sinh không tiêu diệt hết được vi khuẩn thì vi khuẩn sẽ tự thay đổi để thích nghi, kháng lại thuốc và lan truyền trong cộng đồng. Đã xuất hiện những chủng vi khuẩn mà kháng sinh (kể cả thế hệ mới) “bó tay”, không còn tác dụng. Hiện nay, VN chúng ta đang thuộc quốc gia có tỷ lệ đề kháng kháng sinh cao nhất thế giới, với 33% người bệnh bị kháng thuốc”.
Một số nghiên cứu tại VN cho thấy: Các chủng Streptococcus pneumoniae – một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây nhiễm khuẩn hô hấp đã kháng penicillin (71,4%) và kháng erythromycin (92,1%). Vi khuẩn phân lập từ trẻ bị tiêu chảy có tỷ lệ kháng cao. Nhiều trẻ đã được người nhà cho dùng kháng sinh trước khi đưa đến BV. Một bác sĩ của BV Việt Đức (Hà Nội) cũng cho biết E.coli là vi khuẩn đường ruột gặp rất nhiều trên bệnh nhân viêm bàng quang, gây viêm đường mật, viêm phúc mạc, gây tiêu chảy đang gia tăng mức độ kháng thuốc, hiện chỉ còn nhạy cảm với 2 – 3 loại kháng sinh.
Cách đây một tuần có bệnh nhi mới 19 ngày tuổi ở Q.Thủ Đức (TP.HCM) nhập viện vì sốt, quấy khóc được chẩn đoán nhiễm trùng máu, viêm màng não, sốc nhiễm trùng. Bệnh nhi được cho thở máy, truyền máu, truyền huyết tương tươi đông lạnh, truyền thuốc kháng sinh… Sau 36 giờ hồi sức, điều chỉnh kháng sinh thì tình trạng bệnh nhi tạm ổn.
Kết quả vi sinh cấy dịch não tủy và cấy máu xác định bệnh nhi bị nhiễm vi khuẩn gram dương có tên Streptococcus kháng cả loại kháng sinh bậc cao. Các bác sĩ cho biết bé đã bị nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc từ gia đình, cộng đồng do việc sử dụng kháng sinh bừa bãi.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho rằng các bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết rất dễ dẫn đến đề kháng kháng sinh. Thời gian điều trị các bệnh này có thể đến nhiều tuần, chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng tiền thuốc, hồi sức cấp cứu, thở máy, lọc máu…
“Nhiều bệnh nhân nằm trong khoa hồi sức cấp cứu bị nhiễm những vi khuẩn đa kháng thuốc, chỉ còn nhạy với vài loại kháng sinh mới nhất, rất đắt tiền. Thậm chí có trường hợp vi khuẩn đã kháng với tất cả kháng sinh hiện có. Thực trạng kháng thuốc là vấn đề nghiêm trọng tại VN”, TS-BS Châu nói.
Phải sớm có biện pháp
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan cảnh báo nếu cứ tiếp tục theo đà này thì trong tương lai không xa, chúng ta sẽ chẳng còn “vũ khí” kháng sinh nào để chống lại vi khuẩn.
“Do vậy, cần áp dụng các giải pháp cấp thiết: Tuyên truyền về việc sử dụng kháng sinh đúng cho cả bác sĩ điều trị, người bán thuốc và người bệnh; kháng sinh chỉ bán theo đơn, bác sĩ kê đơn kháng sinh có trách nhiệm, người bệnh tuân thủ điều trị, sử dụng đúng hướng dẫn, không bỏ ngang, không chia nhỏ liều. Tăng cường kiểm soát kê đơn kháng sinh tại các BV, đồng thời với các hoạt động chống nhiễm khuẩn BV tăng cường kiểm soát việc bán kháng sinh tại nhà thuốc: bảo đảm nguồn gốc, chất lượng kháng sinh, bảo đảm bán kháng sinh theo đơn. Đây cũng là những tiêu chí bắt buộc của thực hành tốt nhà thuốc (GPP). Tăng cường quản lý chất lượng kháng sinh cả nhập khẩu lẫn sản xuất trong nước”, bà Lan nói.
Theo ông Kính: “Các cơ sở điều trị cần kiểm soát nhiễm khuẩn BV; lựa chọn và sử dụng kháng sinh hợp lý; cần cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh nhiễm trùng; cần cập nhật sử dụng kháng sinh để phù hợp với tình hình dịch tễ vì một số khuyến cáo sử dụng kháng sinh đã “lỗi thời”; có biện pháp giám sát hiệu quả sử dụng kháng sinh”.
Dùng kháng sinh mạnh để lấy tiếng
PGS-TS Hoài Nam nhận xét thêm: Đa phần bệnh nhân muốn bệnh mau hết trong vòng 1 – 2 ngày, các triệu chứng nhiễm trùng phải cải thiện hay hết ngay, nếu không làm được như vậy thì người bệnh cho rằng đó không phải là bác sĩ giỏi và họ đi khám ở bác sĩ khác! Tâm lý phải chiều theo ý muốn bệnh nhân đè nặng và chi phối hoạt động khám chữa bệnh của bác sĩ rất nhiều, nhất là ở các phòng khám và phòng mạch tư. Nhiều bác sĩ muốn dùng kháng sinh thật mạnh thật sớm dù chẳng phải nhiễm trùng mà chỉ là nhiễm siêu vi để “lấy khách hàng và lấy tiếng”, mà bỏ qua sự an toàn cho bệnh nhân – gây kháng và lờn thuốc.