25/12/2024

Cứu ngôi nhà của những danh nhân

Biệt thự Pháp ở số 65 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, nơi đã và đang là không gian sống của gia đình nhiều nghệ sĩ, trí thức nổi tiếng bậc nhất VN, ngày một xuống cấp, xấu đi và biến dạng hơn.

 

Cứu ngôi nhà của những danh nhân

Biệt thự Pháp ở số 65 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, nơi đã và đang là không gian sống của gia đình nhiều nghệ sĩ, trí thức nổi tiếng bậc nhất VN, ngày một xuống cấp, xấu đi và biến dạng hơn.




Ngôi nhà 65 Nguyễn Thái Học hiện nayẢNH: NGỌC THẮNG

“Đang đi làm, mẹ gọi điện báo nhà mình cháy rồi con ơi, do chập điện ở tầng một. Rụng rời. Hơn 7 năm nay, 20 hộ dân cư, toàn người hiền lành, văn nghệ sĩ, trí thức sống tại nhà 65 Nguyễn Thái Học trong đó có gia đình tôi, phải sống trong nỗi sợ hãi cháy nổ, sập nhà do lấn chiếm, đập phá tường chịu lực, hạ nền móng của toàn bộ khu nhà, kinh doanh bất chấp pháp luật, đấu nối điện không an toàn…”, Hồng My, cháu gái nhạc sĩ Đỗ Nhuận, chia sẻ trên trang cá nhân. Vụ cháy diễn ra tại ngôi nhà này vào ngày 23.10 vừa qua đã khiến các cư dân ở đây hoảng loạn.


Cứu ngôi nhà của những danh nhân - ảnh 1

Mỗi gia đình là một hoàn cảnh khác nhau nhưng nguyện vọng lớn nhất của họ là muốn chuyển đi, tuy nhiên phải để nó như một bảo tàng của giới trí thức, một địa điểm lưu giữ lịch sử văn hoá

Cứu ngôi nhà của những danh nhân - ảnh 2

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, người từng nghiên cứu về quỹ “nhà Tây” ở Hà Nội, cho biết khi ông thực hiện nghiên cứu về sự thay đổi của nhà Pháp, ngôi nhà này đã rất xập xệ. “Đại khái nó xuống cấp chẳng khác gì bây giờ, nhưng mà nó còn cái cây. Cái cây đấy thì mới bị một hộ nào đó làm cho chết để mở rộng mặt bằng nhằm kinh doanh”, ông Sơn nói.

Trong khi đó, theo ông Sơn, tòa nhà này vốn có một “siêu giá trị” về kiến trúc. “Nó được giải thưởng Kiến trúc Đông Dương hồi những năm 1950. Kiến trúc sư E.Hébrard, người thiết kế Bảo tàng Lịch sử cũng là người thiết kế toà nhà này. Khi xử lý ảnh, tôi thấy đúng là nó có nhiều nét giống Bảo tàng Lịch sử thật. Nó đẹp không kém bất kỳ một biệt thự cổ nào của các sứ quán ở Hà Nội”, ông Sơn nói.
Một nhà nghiên cứu khác, ông Trần Hậu Yên Thế lại đánh giá rất cao tòa nhà này từ góc độ nhân học. “Ngôi nhà Nguyễn Thái Học như từ đường của văn nghệ sĩ. Sơ sơ ra đấy cũng phải 7 – 8 cụ được Giải thưởng Hồ Chí Minh rồi”, ông Thế nói. Nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng đã sinh sống, sáng tác ở đây. Có thể kể đến nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Trần Dần, Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân, Văn Cao, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn…
“Trục vớt” di sản kiến trúc
Theo GS-KTS Hoàng Đạo Kính, có một hiện trạng khá nghiêm trọng là nhiều di sản kiến trúc thời Pháp đang bị xâm hại. Do lịch sử để lại, chúng được chia cho nhiều người vào cùng ở. Tình trạng sở hữu phức tạp này khiến chúng bị xuống cấp nhanh chóng vì các chủ sở hữu cơi nới. Đây cũng là tình trạng của nhà 65 Nguyễn Thái Học.
Trước đó, tòa nhà 107 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, cũng từng bị sập. Sau khi nó đổ sập gây chết người, người ta mới kiểm tra lại tư liệu và nhớ ra đó từng là một tòa nhà đẹp, là trụ sở của Hội Tam Điểm xưa kia.
Cứu ngôi nhà của những danh nhân - ảnh 3

Ngôi nhà 65 Nguyễn Thái Học xưaẢNH: TƯ LIỆU

Nhận định của ông Kính cũng gần gũi với nghiên cứu của ông Thế. Theo đó, số lượng nhân khẩu cũng có biến động kéo theo hiện trạng tòa nhà 65 Nguyễn Thái Học bị xuống cấp. Chẳng hạn, nhà ông Mai Văn Hiến ở tầng 1 thì có cơi nới. Một phần diện tích nhà của vị họa sĩ này cho thuê bán cà phê, phần còn lại gia đình ở trong tình cảnh chật chội.

PGS-TS Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng Viện Định cư, cho rằng quỹ dinh thự, công sở và biệt thự Pháp đang là một di sản hiện hữu làm nên vẻ sang trọng, vẻ đẹp riêng cho các đô thị của VN trong vùng Đông Nam Á. “Chúng sở hữu những chuỗi phong cách nghệ thuật tiền cổ điển, cổ điển, tân cổ điển, địa phương Pháp, Art Décor…”, bà Thục nói. Cũng theo bà Thục, cần sớm có chương trình và hành lang pháp lý để bảo vệ các di sản kiến trúc đô thị này.
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết hiện với các công trình kiến trúc Pháp, việc tìm hồ sơ về tòa nhà khi mới xây dựng là không quá khó. “Muốn tìm tư liệu về nhà đó vẫn có thể tìm được. Tôi cũng từng được xem tư liệu về nhà 65 Nguyễn Thái Học ở đâu đó. Ảnh đen trắng. Và cũng còn có những người liên quan, con cháu của ông chủ đầu tiên, hiểu về toà nhà”, ông Sơn chia sẻ.
Chính vì thế, theo ông Sơn, hoàn toàn có thể kết nối các di sản kiến trúc Pháp với các địa điểm văn hóa. Chẳng hạn, nhà 65 Nguyễn Thái Học có thể kết nối với Bảo tàng Mỹ thuật cũng trên phố Nguyễn Thái Học. “Nó có độ kết nối với Bảo tàng Mỹ thuật gần đó. Nó có thể là một bảo tàng mỹ thuật nhỏ hơn trong kết nối. Chính trong không gian đấy có thể bày các tác phẩm Nghiêm – Liên – Sáng – Phái. Những người sống trong ngôi nhà đấy. Bảo tàng Mỹ thuật hoàn toàn có thể làm đề án xin lại ngôi nhà đó để kết nối. Thì thế là chuẩn luôn đấy. Đẹp lắm”, ông Sơn nói.
Trong một nghiên cứu chưa được công bố của ông Thế, ông cũng đã khảo sát và phỏng vấn người dân tại nhà 65 Nguyễn Thái Học. Theo lời ông Thế: “Mỗi gia đình là một hoàn cảnh khác nhau nhưng nguyện vọng lớn nhất của họ là muốn chuyển đi, tuy nhiên phải để nó như một bảo tàng của giới trí thức, một địa điểm lưu giữ lịch sử văn hoá. Như vậy, hoàn toàn có thể chuyển đổi chỗ ở cho những người ở đây”

 

Trinh Nguyễn